Trong những ngày Tết Nguyên đán, nhiều ngôi chùa trong tỉnh thu hút lượng lớn người dân đến hành hương, cúng bái. Đây cũng là dịp để các hoạt động ăn theo trước cổng chùa trở nên nhộn nhịp.
Trong những ngày Tết Nguyên đán, nhiều ngôi chùa trong tỉnh thu hút lượng lớn người dân đến hành hương, cúng bái. Đây cũng là dịp để các hoạt động ăn theo trước cổng chùa trở nên nhộn nhịp. Giá giữ xe tăng gấp 4-5 lần ngày thường, dịch vụ bói toán mê tín dị đoan nở rộ với đủ trò “xủ quẻ” tồn tại nhiều năm nay khiến hình ảnh chốn thờ tự trở nên nhếch nhác.
Sách bói toán, tờ tử vi đủ loại được bày bán nhan nhản trước cổng một ngôi chùa trên đường Hùng Vương, xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch). |
“Mua sách tử vi xem tướng số để đoán vận mạng của năm Đinh Dậu 2017 đi chú ơi!” - giọng một phụ nữ bán sách tử vi trước cửa chùa Ông (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) mời chào khách viếng chùa. Đó là chuyện diễn ra thường xuyên từ tết đến nay ở khu vực trước chùa Ông.
Loạn sách bói toán, tử vi
Tại nhiều ngôi chùa nổi tiếng, đông người dân đến viếng chùa đầu năm mới ở TP.Biên Hòa, như: chùa Phúc Lâm (phường Tân Tiến), chùa Hoàng Ân, chùa Ông (xã Hiệp Hòa)…, tình trạng người ăn xin nằm, ngồi la liệt, tìm cách chèo kéo để xin tiền tạo nên những khung cảnh nhếch nhác rất phản cảm, khiến nhiều du khách viếng chùa khó chịu. |
Từ lối rẽ vào chùa, những người bày bán sách bói toán, giấy tử vi ngồi thành hàng, liên tục chèo kéo khách viếng chùa với hy vọng càng bán được nhiều “lá bài” giải hạn càng tốt. Chưa kể, một lượng lớn sách được nhiều người mang đi chào mời, dúi vào tay khách với lời “quảng cáo” trên trời.
Khi khách chưa kịp lựa, một số người bán dạo khác đã chạy lại mời chào mua sách tử vi của năm 2017 để xem vận mạng. Với những cuốn sách khác, như: Tự chiêm đoán vận mạng, Tử vi đầu số, Tử vi tướng pháp trọn đời…, người mua dò mỏi mắt cũng không thấy tên nhà xuất bản. Điều đáng nói là nội dung của những cuốn sách loại này na ná nhau, hình ảnh trùng lặp và sai lỗi chính tả đầy rẫy.
Dù vậy, giá tiền của những cuốn sách bói toán được người bán đưa ra không rẻ, trung bình một cuốn chừng 50 trang có giá 30-40 ngàn đồng, tùy loại in màu hay đen trắng. Ngoài ra, hàng loạt cuốn sách hướng dẫn xem bói qua nốt ruồi, chỉ tay, ngày sinh, cân nặng cho đến gương mặt, dáng người… cũng được bày bán tràn lan với những nội dung không có cơ sở.
Các điểm giữ xe tự phát “mọc” lên nhiều trước cửa chùa, nơi thờ tự vào dịp lễ, tết. |
Trong khi bên ngoài cửa chùa bày bán đủ loại sách xem bói, giấy tử vi thì tại một số nơi thờ tự ở TP.Biên Hòa tổ chức cúng sao giải hạn, xin xăm và thu hút rất nhiều người đến “làm lễ”.
Một ngôi chùa nằm trên đường Đồng Khởi (TP.Biên Hòa) vốn là nơi quen thuộc của nhiều người tìm đến cúng sao giải hạn vào dịp đầu năm mới nên dịp tết có nhiều người tập trung đến đây chờ đến lượt mình. Vào đây, khách được hỏi tuổi con gì rồi tự dò vào trang sách để tìm sao hạn. Sau đó, họ xin bộ đồ cúng giải hạn, gồm: 1 tờ giấy mỏng in chữ màu đỏ, 1 hình nhân thế mạng bằng giấy, tiền cúng và 3 nén nhang. Nhận đủ bộ lễ vật, họ đem ra đốt, xem như đã hóa giải được sự xui xẻo, tai ương có thể gặp phải trong năm mới.
“Năm nào tôi cũng làm lễ ở đây; bận quá thì nhờ người cúng thay, trước cửa chùa có vài người đứng ra nhận cúng với giá 50 ngàn đồng/lần. Nếu cúng giải hạn một lúc nhiều người trong nhà thì giá 200 ngàn đồng, chỉ cần đọc rõ tên tuổi, chỗ ở, giới tính là xong” - bà Tr. (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) cho hay.
Ngoài dịch vụ cúng sao giải hạn, tại một số ngôi chùa còn tổ chức dâng đèn, treo nhang vòng thay với mức giá khoảng 50-100 ngàn đồng. Có thời điểm, loại hình kiếm tiền thời vụ này trở nên “cháy hàng”, bởi người làm lễ quá đông, nhất là vào những ngày chùa tổ chức hội.
Bực mình với những dịch vụ ăn theo
7 giờ ngày mùng 1 Tết (ngày 28-1), nhiều nhà dân ở dọc 2 bên đường Hùng Vương (thuộc xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) đã bắt đầu treo bảng giữ xe máy. Ở đây, có một ngôi chùa vốn là điểm đến “xin xăm” của nhiều người vào đầu năm mới. Theo ghi nhận của phóng viên, ở khu vực gần chùa có đến gần chục điểm giữ xe nằm san sát nhau. Trước các điểm giữ xe luôn có nhiều thanh niên tràn ra đường í ới, chèo kéo khách vào gửi xe.
Nếu như những năm trước, các dịch vụ giữ xe tự phát ghi giá tiền giữ xe 5 ngàn đồng/chiếc trên bảng thì hiện tại họ không báo giá giữ xe. Điều này khiến nhiều người đinh ninh điểm giữ xe vẫn giữ giá cũ, đến lúc nhận xe nhiều người mới tá hỏa vì bị “chém” tiền giữ xe đến 10 ngàn đồng. Khi khách viếng chùa thắc mắc giá cao thì được giải thích: “Quanh đây bãi giữ nào cũng lấy giá như vậy. Khách viếng chùa chỉ đông mấy ngày đầu năm, sau đó ít lắm, nên chúng tôi phải lấy giá đó để “bù” vào dịp ế ẩm”.
Tương tự, tại các điểm giữ xe tự phát khác được thời “mọc” lên gần các ngôi chùa sau tết, giá tiền mà chủ bãi giữ xe đưa ra thấp nhất cũng không dưới 5 ngàn đồng/xe. Dù giá cao nhưng nhiều người vẫn phải chấp nhận vì được lý giải đây là “mặt bằng” chung mà họ đưa ra.
Bên cạnh sách bói toán, tử vi bủa vây hay giá giữ xe quá cao thì tình trạng bán đồ trang sức giả cũng khiến người viếng chùa bực mình. Các loại vòng, nhẫn đeo tay được người bán “thổi” thành vật phong thủy làm bằng đá quý hoặc kim loại cao cấp để “móc túi” du khách được dịp vào mùa làm ăn.
Tại chùa Từ Tôn (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa), một người đàn ông bán các loại vòng đeo tay, nhẫn cho hay: “Đây là vòng làm từ đá ở bên Ấn Độ, người huyết áp thấp đeo vào sẽ ổn định trở lại, còn người huyết áp cao sẽ xuống bình thường, nhờ đó hạn chế việc bị đột quỵ. Với công dụng đó, nhiều người mua vòng đá lắm, mấy hôm nay tôi đưa ra bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu”.
Trước những lời quảng cáo trên trời, chẳng hề được kiểm chứng của người bán, không ít người nhẹ dạ, cả tin biến mình thành nạn nhân của việc bói toán, xem tướng số… Tình trạng này diễn ra nhiều năm, trở thành vấn nạn vào mỗi dịp lễ, tết nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm. Vì vậy, ngoài việc chấn chỉnh kịp thời, xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng thì người dân cũng nên ý thức việc mê tín dị đoan không có cơ sở khoa học, không nên tin vào những lời đồn đoán, ghi chép sai lệch trong các sách bói toán.
Thanh Hải