Chiến tranh đã đi qua hàng chục năm, nhưng trên khắp mọi miền đất nước, bom mìn còn sót lại vẫn còn rất nhiều.
Chiến tranh đã đi qua hàng chục năm, nhưng trên khắp mọi miền đất nước, bom mìn còn sót lại vẫn còn rất nhiều.
Cán bộ, chiến sĩ đại đội 3, Tiểu đoàn 98, Lữ đoàn Công binh 25 lắp ráp máy rà mìn trước khi tiến hành rà. Ảnh: Đ.TÙNG |
Số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh ở nước ta vào khoảng 800 ngàn tấn. Do đó, lực lượng công binh suốt nhiều năm qua đã làm việc quên mình, vô hiệu hóa số bom, mìn còn sót lại, tạo một môi trường sống, lao động yên bình cho nhân dân.
* Tìm kiếm “tử thần”
Hơn nửa năm qua, các chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 98, Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7) đã đến đóng quân ở khu vực xã Minh Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước để làm công tác rà phá các loại bom mìn, đạn pháo còn sót lại. Người dân sống quanh đây cho hay khu vực này hơn 40 năm trước bị máy bay, pháo binh địch đánh phá ác liệt, do đó hiện còn sót lại nhiều bom mìn, đạn pháo các loại dưới đất.
Tính từ năm 1975 đến nay, bom, mìn còn sót tại Việt Nam đã làm hơn 40 ngàn người chết và hơn 60 ngàn người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em. Số bom, mìn chưa nổ hiện còn nằm rải rác ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung. Chỉ tính riêng ở một số tỉnh miền Trung, gồm: Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi, đã có trên 22.800 người là nạn nhân của bom mìn, đã có trên 10 ngàn người chết và trên 12.200 người bị thương. |
Hàng ngày từ 7 giờ sáng, các chiến sĩ công binh đã lên đường đến khu vực rừng cao su trong xã để rà phá bom, mìn. Từ tháng 5-2016 đến nay, đại đội đã rà và vô hiệu hóa được hàng chục quả bom mìn, đạn pháo các loại, trong đó có quả bom, nặng trên 100kg, dài 1,6m.
Thượng úy Vũ Hồng Khánh (Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 98, Lữ đoàn Công binh 25) nhận định: “Ngày nào chúng tôi cũng khoanh vùng rà tìm, có ngày không tìm được gì, nhưng có ngày thì đào được 4-5 quả, tất cả đều được xử lý gọn trước khi đem về kho chứa. Bom, mìn sau chiến tranh luôn là những “tử thần” đe dọa cuộc sống mọi người nên là lính công binh, chúng tôi luôn cố gắng để loại bỏ những “tử thần” đang ẩn nấp dưới đất. Từ Cam Ranh (Khánh Hòa), TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, tất cả những địa điểm đánh phá ác liệt nhất, những căn cứ quân sự của Mỹ ngày xưa để lại… đâu đâu chúng tôi cũng đã đi qua để “dọn dẹp” những mối nguy từ bom, mìn”.
Sau khi khoanh vùng dò tìm trên bản đồ, khu vực đó sẽ được căng dây thành những hàng dài, mỗi hàng sẽ do một trung đội phụ trách, vừa rà tìm bằng máy móc, khi phát hiện có bom mìn, máy rà phát tín hiệu, chiến sĩ cầm máy sẽ cắm cờ định vị để một tốp khác đào ngay sau đó. Hiện nay, thời tiết bắt đầu vào mùa khô, dù nắng nóng nhưng thời tiết này lại tạo điều kiện rất tốt cho các chiến sĩ đại đội 3. Vì trời nắng nên đất cứng chắc, việc dò tìm, cắm mốc, đào bới, vận chuyển bom, mìn sẽ dễ dàng hơn, và dĩ nhiên hiệu suất công việc cũng sẽ cao hơn.
Chiến sĩ đại đội 3, Tiểu đoàn 98, Lữ đoàn Công binh 25 rà mìn tại rừng cao su xã Minh Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. |
Trung úy Mai Văn Tuấn (Trung đội trưởng Trung đội 5, Đại đội 3, Tiểu đoàn 98, Lữ đoàn Công binh 25) nhận định: “Áp lực lớn nhất từ yếu tố khách quan chính là thời tiết. Mùa mưa, đất bùn bên trong rừng cao su, trong vườn nhà dân trở nên trơn trượt, khó đi lại. Chưa kể thời tiết mưa kéo dài, anh em cũng không thể rà tìm gì được. Do đó, chúng tôi chỉ có thể cho chiến sĩ rà tìm vào buổi sáng, còn chiều mưa thì rút về, thậm chí để không chậm tiến độ anh em còn phải làm việc quá buổi trưa để chiều nghỉ sớm, tránh bị mưa làm ảnh hưởng. Mà mưa ở trong rừng cao su nguy hiểm lắm, có khi buổi trưa mưa vừa dứt, nắng lên, hơi đất bốc lên, cả khu rừng khi đó như một lò hơi, ai mà sức khỏe kém một chút là đổ bệnh ngay”.
* Không được phép sai sót
Đối diện với mối nguy từ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, mỗi người lính đều ý thức được rằng chỉ có sự cẩn thận cộng với kỹ năng rèn luyện hàng ngày của bản thân mới bảo vệ được an toàn cho chính họ và đồng đội. Thượng tá Nguyễn Thành Nghị, Phó chính ủy Lữ đoàn Công binh 25, nhận định công việc nào cũng có thể rút kinh nghiệm từ bản thân, chỉ có công việc này là không được mà chỉ có thể rút kinh nghiệm từ đồng đội. Vì nếu chỉ một sơ suất nhỏ khiến bom, mìn nổ thì chính người lính phạm sai lầm đó sẽ hy sinh đầu tiên, chưa kể còn ảnh hưởng đến tính mạng đồng đội ở gần.
Đưa một quả đạn pháo 105 ly ra khỏi hố. |
“Từ năm 2010 đến nay, đơn vị chúng tôi đã trực tiếp rà phá, vô hiệu hóa hàng chục tấn bom, mìn, đạn pháo các loại trên khắp 9 tỉnh của Quân khu 7. Thậm chí, ngay trong năm đầu thành lập đơn vị (năm 2016), chúng tôi đã tham gia vô hiệu hóa được 93 ngàn quả bom, mìn các loại. Riêng tuyến đường dây điện cao thế từ Đa Nhim (tỉnh Lâm Đồng) về TP.Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 278 (Lữ đoàn Công binh 25) đã trực tiếp tháo gỡ gần 25 ngàn quả bom, mìn, bảo đảm an toàn cho đường dây điện thắp sáng TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, giúp nhân dân khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế. Tuy vậy, mối nguy hiểm từ bom, mìn sau chiến tranh vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn, vì vậy chúng tôi cần phải nỗ lực, nỗ lực nhiều hơn nữa để giúp người dân có môi trường sống, làm việc an toàn” - Thượng tá Nguyễn Thành Nghị cho hay.
Không chỉ các tỉnh biên giới mà ngay tại Đồng Nai, khu vực các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, TX.Long Khánh… trong chiến dịch 12 ngày đêm đập tan “cánh cửa thép” (từ ngày 9 đến 20-4-1975), lượng bom, mìn quân địch trút xuống cản bước tiến của quân giải phóng là rất lớn, đến nay một số “tử thần” này vẫn còn lẩn khuất trong đất, đe dọa tính mạng người dân. Như vào ngày 1-6-2014, 2 ông Ngô Văn Minh và Đào Văn Hùng (xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ) mang một quả bom nhặt được cưa lấy thuốc nổ sử dụng thì quả bom bất ngờ phát nổ, làm ông Minh và ông Hùng thiệt mạng tại chỗ. Hay như vào chiều 26-2-2008, ông Trương Mậu Thân (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) đang cưa trái đạn thì bất ngờ trái đạn phát nổ, làm ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Toàn thiệt mạng…
Trung sĩ Nguyễn Tuấn Anh (Trung đội 5, Đại đội 3, Tiểu đoàn 98, Lữ đoàn Công binh 25) chia sẻ thêm: Sau nhiều năm rà tìm, thì đến nay lượng bom, mìn đã ít hẳn đi, tuy nhiên không vì thế mà chúng tôi được phép chủ quan. Dù là bom, mìn lép hay đầu đạn đã nổ thì vẫn phải cẩn trọng vì có thể phía dưới vẫn còn ẩn chứa một quả mìn chưa nổ rình rập. Bên dưới mặt đất sau hàng chục năm, ai mà biết tình trạng các “tử thần” như thế nào nếu không quan sát, đánh giá chính xác”.
Đăng Tùng