Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người chụp hình dạo cuối cùng trên bến Ninh Kiều

11:10, 14/10/2016

Khoảng 10 năm trở lại đây, khi nhiều người có khả năng sở hữu một máy ảnh kỹ thuật số (và sau này là điện thoại thông minh) dễ thao tác, nhỏ gọn và cho các bức ảnh vừa ý, những người thợ chụp hình dạo mất chỗ đứng, dần bị lãng quên và vắng bóng hẳn tại nhiều đô thị.

Khoảng 10 năm trở lại đây, khi nhiều người có khả năng sở hữu một máy ảnh kỹ thuật số (và sau này là điện thoại thông minh) dễ thao tác, nhỏ gọn và cho các bức ảnh vừa ý, những người thợ chụp hình dạo mất chỗ đứng, dần bị lãng quên và vắng bóng hẳn tại nhiều đô thị.

Ông Trần Văn Bảy (bìa trái) chụp hình cho khách.
Ông Trần Văn Bảy (bìa trái) chụp hình cho khách.

Ngay tại khu vực Công viên Ninh Kiều (quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), nơi trước kia vốn có hàng chục thợ chụp hình tấp nập đêm ngày với thu nhập đủ nuôi sống cả gia đình, thì nay chỉ còn lèo tèo gần 10 thợ với thu nhập hết sức bấp bênh.

Ngày ấy xa rồi…

Chiều, mặt trời khuất dần phía sau những rặng cây.  Cầm trên tay chiếc máy ảnh Nikon D90 đã bạc màu thời gian, ông Thái Văn Út (thợ chụp hình dạo, ngụ phường An Cư, quận Ninh Kiều) dựa lưng vào ghế đá và hướng mắt về phía dòng người hóng mát đi lại tấp nập. Nén tiếng thở dài, ông chỉ chúng tôi thấy những đồng nghiệp của ông cách đó không xa, với tóc đã bạc, miệt mài đi chào mời khách dù nhận lại chỉ là sự từ chối.

“Công viên này tồn tại trên 40 năm. Thợ chụp hình ở đây người có thâm niên nhất cũng trên 30 năm cầm máy, từ khi mới chỉ chụp được hình trắng đen, rồi lên hình màu rồi chuyển sang kỹ thuật số. Hồi đó, khách đông lắm dù khung cảnh không đẹp như hiện nay. Giá chụp hình cũng khá đắt đỏ, nhưng vì muốn có một tấm hình lưu niệm nên ai cũng tranh thủ gọi thợ chụp. Mà muốn cầm được tấm hình trên tay cũng phải chờ 2-3 ngày, khách địa phương thì cứ hẹn giờ ra công viên gặp đúng thợ để lấy hình; khách du lịch ai đợi được thì đợi, còn không thì để lại địa chỉ, có hình là thợ gửi bưu điện về tận nhà” - ông Út hồi tưởng.

Thợ chụp hình gắn bảng trên túi xách đi khắp công viên để kiếm khách. Ảnh: Đ.Tùng
Thợ chụp hình gắn bảng trên túi xách đi khắp công viên để kiếm khách. Ảnh: Đ.Tùng

Theo sự chia sẻ của nhiều người thợ chụp hình, hơn 20 năm trước nghề chụp hình dạo rất phát triển. Người học nghề chụp hình ngoài việc thành thạo sử dụng máy còn phải biết kỹ thuật phòng tối, tráng phim… Do trải qua nhiều công đoạn nên thợ nào tay nghề phải vững lắm mới dám ra công viên chụp vì chỉ bấm được 1 lần, đến lúc rửa hình xong mới biết xấu đẹp thế nào. Hình đẹp, vừa ý khách thì lần sau họ còn quay lại chụp, chẳng may tấm hình không vừa mắt thì thợ mất uy tín với khách hàng, lại còn mất mối chụp lần sau.

Ông Trần Văn Bảy (thợ chụp hình dạo, ngụ phường Tân An, quận Ninh Kiều) kể, ngày xưa để học chụp hình, gia đình phải gửi ông lên tận TP.Hồ Chí Minh. Muốn tự tin cầm máy cho ra được một tấm hình đẹp phải 2-3 năm theo thầy, đi sáng đêm, lên rừng xuống biển, chụp đủ góc cạnh mới thạo nghề. Học xong lại về Cần Thơ chụp ở công viên, ai có mối mời đi chụp tiệc cưới, sinh nhật thì ông đi, chứ gia đình vốn liếng kém nên không đủ sức mở tiệm tại nhà.

“Ngày còn xài máy cơ, 4-5 người thợ lại hợp đồng cùng một tiệm rửa hình, cứ cuối ngày giao phim, hôm sau quay lại lấy. Ngoài ra, phải ghi chép cẩn thận ngày giờ chụp, họ tên khách để không bị lộn khi giao. Phức tạp vậy đó mà một thợ làm sáng chiều cũng nuôi đủ cả nhà, con cái ăn học nên người. Giờ thì ông nào còn theo nghề chụp hình dạo cũng tự trang bị máy in hình tại chỗ, bấm máy xong bỏ thẻ nhớ vào máy in và nhanh chóng lấy tấm hình giao khách, tất cả chỉ mất có 5 phút. dù nhanh như vậy nhưng giờ này có mấy ai gọi chụp nữa đâu, họ tự chụp bằng điện thoại hết rồi, thợ nào đắt khách cũng chỉ được gần 10 tấm mỗi ngày” - ông Bảy cho hay.

Lui dần vào dĩ vãng

Nhiều thợ cho biết khách du lịch thường đi “theo cặp” hoặc có hướng dẫn viên nên luôn có người cầm máy chụp giùm họ; riêng khách địa phương hoặc nhóm bạn trẻ lại càng không có nhu cầu chụp hình lưu niệm tại công viên. Do đó, một số thợ từ bỏ việc đi loanh quanh mời khách mà dựng một tấm bảng nhỏ hoặc dán chữ “Chụp hình lấy liền” ngay bên hông túi xách để ai có nhu cầu thì tự tìm tới chụp.

Máy in ảnh, sổ sách được chứa gọn trong túi xách của thợ chụp hình.
Máy in ảnh, sổ sách được chứa gọn trong túi xách của thợ chụp hình.

Ông Đặng Xuân Thanh (thợ chụp hình dạo, ngụ phường Tân An, quận Ninh Kiều) nhận định: “Phải nói thiệt là thợ chụp hình tụi tui có “cái tôi” rất cao. Khách nào gọi chụp đều rất xăng xái hướng dẫn khách tạo dáng, chọn vị trí đẹp, nhưng khi yêu cầu bỏ nón, bỏ kiếng hoặc đứng vị trí đẹp không được khách chấp nhận thì thợ sẽ thôi không chụp cho khách nữa. Tuy chỉ yêu cầu điều chỉnh những tiểu tiết, nhưng khách không làm theo sẽ không có được bức hình tốt nhất. Nếu hình in ra xấu thì tụi tui vừa mất uy tín vừa tốn giấy in, lại không được khách trả tiền. Bởi vậy thà không chụp, chứ đã chụp thì hình phải đẹp, rõ nét và khách vừa lòng. Ngoài ra, việc đặt cọc trước rồi “xù” tiền hoặc chê ỏng chê eo để bỏ hình không phải là chuyện hiếm, nhưng cũng không vì thế mà thợ chúng tôi bỏ nghề”.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chính dẫn đến nghề chụp ảnh dạo ngày càng lui vào dĩ vãng là các máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại thông minh nở rộ, các nhà sản xuất cho ra đời nhiều thiết bị dễ sử dụng, giá cả cạnh tranh. Ngoài ra, mạng xã hội phát triển rầm rộ, hình ảnh sau khi chụp xong được đưa ngay lên mạng xã hội cho bạn bè chiêm ngưỡng cũng là nguyên nhân dẫn đến nhu cầu rửa hình, in hình ngày càng ít đi. Thu nhập của thợ chụp hình lại không đủ để mua sắm các thiết bị mới nên đôi lúc bị khách từ chối chụp cũng vì máy ảnh quá cũ.

“Đã từng có một bạn trẻ đi du lịch cầm cái điện thoại iPhone 6S ra và nói rằng so với cái máy ảnh cũ mốc của tôi, điện thoại của cậu ta chụp đẹp và tiện dụng hơn nhiều. Điều đó khiến chúng tôi khá buồn vì sự thật rằng nay mai nghề của chúng tôi sẽ sớm bị thay thế. 20 năm trước, nơi đây có gần 40 thợ túc trực ngày đêm, mà nay chỉ còn 4-5 thợ thường xuyên có mặt, mà ông nào cũng tuổi đời 50-60 hết rồi. Thậm chí các tiệm chụp hình cũng đều đóng cửa dần, thay vào đó là các cửa hàng áo cưới theo phong cách trẻ của những người chủ trẻ tuổi, năng động, chịu khó đầu tư trang thiết bị với giá chóng mặt. Tôi nghĩ rằng cũng đã đến lúc các thế hệ đi trước như chúng tôi rút dần vào “hậu trường” để nhường “sân khấu” lại cho lớp trẻ, nghề chụp hình dạo trên bến Ninh Kiều chắc cũng sớm kết thúc giống như bao nghề xưa khác” - ông Tăng Chí Dũng (thợ chụp hình dạo, ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều) bùi ngùi cho biết.

Dù có gần 10 thợ chụp hình đăng ký chụp dịch vụ tại Công viên Ninh Kiều, nhưng thực tế chỉ khoảng 4-5 thợ chụp thường xuyên, số còn lại chỉ đến vào dịp cuối tuần hoặc lễ, tết. Với mức giá chụp 25 ngàn đồng/tấm nhưng dịp đắt khách nhất trong năm, mỗi thợ cũng chỉ kiếm được trên 300 ngàn đồng/ngày, còn bình thường chỉ 50-100 ngàn đồng/ngày, có khi không được đồng nào.

Đăng Tùng

 

 

 

Tin xem nhiều