Từ TP.Biên Hòa, vượt hơn 40 cây số đường đầy bụi và nắng, chúng tôi đến với nông trại Thuận Thời nằm sâu trong ấp Thanh Bình, xã Lộc An (huyện Long Thành).
Từ TP.Biên Hòa, vượt hơn 40 cây số đường đầy bụi và nắng, chúng tôi đến với nông trại Thuận Thời nằm sâu trong ấp Thanh Bình, xã Lộc An (huyện Long Thành). Đây là nơi từ gần 10 năm nay, ông chủ nông trại Mười Thời (Võ Hữu Thời, 54 tuổi) đã dành rất nhiều thời gian để chăm sóc bầy cò trắng “tạm trú” trong đất của ông.
Mời chúng tôi ly nước mát, ông Mười Thời nói: “Nhà báo nghỉ ngơi một chút rồi theo tui đi xem cò. Giờ đang trưa nắng nên cò bay đi kiếm ăn khắp nơi, đến chiều mát chúng mới về lại rừng tràm của tui”.
* Ngẩn ngơ đàn cò trắng
Sau khi dặn dò chúng tôi cất hết những thứ có thể gây tiếng động, chỉ đi chân đất hết sức nhẹ nhàng để tránh làm bầy cò sợ mà bay mất, ông Mười Thời mới dẫn chúng tôi men theo bờ ao tiến về phía bầy cò đang kiếm ăn. Khi còn cách đàn cò khoảng 50m, ông ra dấu cho chúng tôi dừng lại và nằm sát xuống mép cỏ ven đường trước khi bị cò phát hiện.
Bầy cò dáo dác bay đi khi phóng viên đến gần. |
Theo hướng chỉ tay của ông Mười Thời, chúng tôi thấy một bầy cò trắng khoảng 20 con đang đậu trên đám lục bình để kiếm ăn. Thỉnh thoảng, nghe tiếng động từ phía trại chăn nuôi gần đó, cả bầy cò lại vỗ cánh bay về phía rừng tràm, khi yên tĩnh mới trở lại ao nước trong nông trại của ông Mười Thời kiếm ăn. Người bạn đồng nghiệp đi cùng chúng tôi vừa giơ máy chụp ảnh lên định chụp thì cả đàn cò vỗ cánh bay về phía rừng tràm trong tiếng chép miệng tiếc nuối của anh.
Thấy vậy, ông Mười Thời yêu cầu cất máy ảnh rồi đưa chúng tôi đi xa bầy cò hơn chút nữa. “Chúng tưởng các anh dùng súng bắn đó. Hồi trước, khi tui mới bắt đầu đào ao, thả cá trong nông trại thì bầy cò bay đến. Một thời gian sau, tui phát hiện có mấy đứa trẻ con trong xóm dùng súng hơi, dàn ná bắn cò, tui liền mắng và cấm đám trẻ vào đây. Tui đã xây tường cao không cho tụi nhỏ vào, vậy mà lâu lâu cũng nghe tiếng súng hơi và thấy bầy cò bay dáo dác. Riết rồi đám cò trở nên nhát người và những đồ kim loại phản chiếu ánh nắng. Khi nãy, các anh giơ máy ảnh lên, bọn cò sợ nên bay đi. Đợi im ắng một lúc, tự khắc cả bầy sẽ quay lại thôi” - ông Mười Thời giải thích.
Dưới bóng mát của những gốc tràm trồng ở ven ao, ông Mười Thời cho biết ông xây dựng nông trại từ hai bàn tay trắng. Sau khi mua mảnh đất này, ông Mười Thời bắt đầu đào ao thả cá, trồng tràm, cao su và nuôi heo. “Tui từng thử nhiều cách làm ăn, như: trồng điều, nuôi heo rừng…, nhưng lợi nhuận không cao. Có mấy anh em khuyên bỏ, đầu tư vốn sang kinh doanh cái khác, nhưng nghĩ lại mình gốc nông dân, chỉ có nuôi trồng là giỏi, chứ kinh doanh chẳng bằng ai. Vả lại, thấy nơi đây chim chóc tụ về nhiều, mà “đất lành chim đậu” nên cũng không nỡ bỏ. Thôi thì vừa làm vừa đợi, biết đâu sau này đến đời con cháu mình phất lên thì sao” - nói đoạn, ông Mười Thời chỉ cho chúng tôi xem đàn cò đã quay trở lại sau một lúc bay vào rừng.
* Nông trại ông Mười Thời
Lần này, chúng tôi chọn hướng đi từ trong rừng ra để chụp bằng được ảnh bầy cò. Anh đồng nghiệp đi cùng loay hoay dùng dây cột những cành cây khô vào máy ảnh để “ngụy trang”. Nắng giữa trưa tháng 3 gay gắt phả vào chúng tôi hơi nóng muốn “nổ tung” người, dù đang đi trong rừng tràm rợp bóng mát.
Men theo con đường mòn phía trong rừng tràm, vừa đi ông Mười Thời vừa chỉ cho chúng tôi những chiếc tổ cò ở phía trên cao, khuất sau những tán cây xanh um. “Chẳng biết từ khi nào mà nơi đây có rất nhiều chim chóc. Bọn chúng làm tổ trên cây, ban ngày thì xuống nông trại của tui ăn thức ăn rơi vãi của gà, heo và ban đêm thì lại về đây ngủ. Tui bắt đầu làm nông trại từ năm 2004, nuôi trồng đủ thứ loại, giờ chỉ còn bò, heo, nhím và cá sấu. Còn mấy ao này đào để thả cá nuôi chơi thôi, chủ yếu là lấy cảnh quan” - vừa nói, ông Mười Thời vừa dùng dao phạt những bụi cây mọc lan ra đường mòn, trong lúc chúng tôi tranh thủ quan sát những chiếc tổ cò bị che kín bởi những tán cây tràm.
Ông Mười Thời chăm sóc bầy heo trong nông trại. |
Ông Thời cho hay, sau khi xuất ngũ, ông về xã Lộc An làm nhiều nghề để kiếm sống, từ đi làm tài xế chở hàng đến thương lái. Nhưng do thu nhập không ổn định và nhiều rủi ro, nên ông đã bỏ và dành vốn làm nông trại. Gắn bó với mảnh đất Lộc An từ nhiều thế hệ, nên với ông, đất và người nơi đây đã hòa làm một, dù khó khăn thế nào ông cũng không nỡ lòng bỏ đi nơi khác.
“Ngày tui còn nhỏ, trong lời mẹ ru có bụi tre, cánh cò. Lớn lên chút thì tui cùng chúng bạn đi chơi khắp xóm, dùng tre làm cà kheo, rồi chạy theo những cánh cò suốt cả mùa hè… Lớn lên, tui đi bộ đội và làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. May mắn trở về lành lặn, tui lại càng yêu mến vùng đất này hơn. Khi thấy bầy cò bay tới kiếm ăn ở đây, tui mừng lắm, kỷ niệm ấu thơ lại quay về. Tui đã dặn người làm công không được săn bắn hay đuổi cò đi” - ông Mười Thời kể lại.
Hơn 30 phút đi trong rừng tràm, chúng tôi tiến lại được gần bầy cò hơn. Số lượng cò lúc này có hơn 30 con, chúng đang kiếm ăn quanh bờ ao, hoặc đậu trên một bụi lục bình lững thững trôi theo cơn gió. Nhưng khi anh bạn đồng nghiệp đi cùng đưa máy ảnh lên định chụp, thì như một phản xạ dây chuyền, những con ở gần bờ nhất vỗ cánh bay đi, kéo theo cả bầy hoảng hốt bay theo.
“Từ năm 2009, ông Mười Thời tham gia Hội Cựu chiến binh xã Lộc An và trở thành một trong những hội viên làm ăn giỏi, phát triển sản xuất ngay trên quê hương mình. Ông cũng có những đóng góp tích cực trong công tác xã hội, như cho những hội viên khác vay vốn làm ăn với số tiền từ 3-5 triệu đồng/người…” - ông Bùi Tới, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lộc An, nhận xét về ông Mười Thời. |
Ông Mười Thời thấy vậy cười lớn rồi nói: “Các anh không may rồi, bọn cò này nhát lắm, có lẽ do bị săn bắn quá nhiều làm chúng cảnh giác cao độ. Ngay cả tui, mỗi lần cho chúng ăn cái gì là phải để ở gần bờ ao, đi khuất mặt rồi cả bầy cò mới kéo xuống ăn. Còn có mặt tui ở đó thì không bao giờ đám cò dám bay xuống ăn”.
Chúng tôi đã thử nhiều cách tiếp cận bầy cò, nhưng cho đến tận lúc chiều tàn vẫn bất thành. Mặt trời lặn dần phía sau bụi tre trên nông trại ông Mười Thời, bầy cò cũng rời khỏi ao cá để bay về phía rừng tràm, để lại chúng tôi với một sự tiếc nuối. “Thôi về đi các anh, hẹn dịp khác rồi sẽ chụp được ảnh bầy cò này. Con người phá hoại thiên nhiên nhiều quá nên cũng không trách được khi thấy thiên nhiên quay lưng lại với mình…” - nói rồi, ông Mười Thời đứng dậy ra về, để lại phía sau tiếng chim gọi bầy sau một ngày kiếm ăn ở các nông trại thuộc xã Lộc An.
Minh Thành