Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trần Thị Thanh Hải, đối tượng gây ra vụ cháy nhà trọ ở P.Phú Đô (Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) khiến 6 người thương vong về các tội giết người và hủy hoại tài sản.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trần Thị Thanh Hải, đối tượng gây ra vụ cháy nhà trọ ở P.Phú Đô (Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) khiến 6 người thương vong về các tội giết người và hủy hoại tài sản.
Một trong những nguyên nhân chính khiến Hải gây ra vụ hỏa hoạn nói trên chỉ vì trả thù người yêu. Điều này khiến dư luận vô cùng phẫn nộ trước hành vi coi thường pháp luật của thủ phạm, chỉ vì tư thù cá nhân mà ra tay phóng hỏa gây nguy hiểm đến tính mạng của rất nhiều người đang sinh sống trong nhà trọ này. Thực tế đã có 1 người tử vong và 5 người bị thương. Tất cả các nạn nhân đều là người vô tội.
Không chỉ có vụ việc nêu trên, thời gian qua, ở một số tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai cũng xảy ra một số vụ việc phóng hỏa để trả thù tình… Cụ thể ngày 30-7-2019, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quang Dũng (43 tuổi, ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) tử hình về tội giết người. Đồng thời, buộc bị cáo Dũng phải bồi thường hơn 1,4 tỷ đồng cho gia đình bị hại. Trước đó, ngày 20-8-2018, do mâu thuẫn với vợ là chị Nguyễn Thị Huệ (ngụ P.Tam Phước), Dũng mua xăng mang đến nhà chị Huệ đốt khiến chị bị thương tích 68% và 2 con riêng của chị là V.T.T.L. (14 tuổi) và V.T.H.N. (12 tuổi) tử vong.
Từ 2 vụ án trên cho thấy, chỉ vì sự ích kỷ, ghen tuông, tư thù cá nhân mà không ít người sẵn sàng vi phạm pháp luật và có hành động vô cùng nguy hiểm cho xã hội. Bởi lẽ hành vi phóng hỏa không chỉ gây thiệt hại lớn đến tài sản (thường là nhà và xe) mà còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều người nếu không cứu kịp. Đặc biệt hơn, hậu quả của vụ việc không chỉ là nỗi ám ảnh của cả nạn nhân mà còn là nỗi day dứt không nguôi của thủ phạm. Chỉ vì một phút nóng giận mà phải vướng vào vòng lao lý, thậm chí có thể nhận mức án tử hình (tùy mức độ vi phạm).
Để tránh các vụ việc đau lòng như trên, điều quan trọng trước tiên là mỗi cá nhân, nhất là những người trẻ cần biết tự kiểm soát cảm xúc của chính mình; tránh giận mất khôn để phải trả giá đắt. Thứ hai là luôn sống và làm việc theo pháp luật. Phải bình tĩnh, biết nhận thức đúng sai và biết dừng lại khi biết các hành vi của bản thân có thể gây tổn hại cho người khác và vi phạm pháp luật.
Do đó, việc tăng cường và không ngừng đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với học sinh, sinh viên của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương là rất quan trọng. Qua đó nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi tổ chức, cá nhân, học tập, tìm hiểu và tự giác chấp hành pháp luật, cùng hướng tới xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật.
Đặng Ngọc