Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường lắp đặt camera giám sát đối với xe kinh doanh vận tải

09:03, 29/03/2022

Đến nay, Đồng Nai có số lượng phương tiện hoàn thành lắp đặt camera giám sát hình ảnh đạt gần 85%. Với tỷ lệ lắp đặt camera cao, sắp tới đơn vị quản lý sẽ truy cập vào hệ thống giám sát hình ảnh từ camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải (KDVT) để theo dõi, giám sát.

Đến nay, Đồng Nai có số lượng phương tiện hoàn thành lắp đặt camera giám sát hình ảnh đạt gần 85%. Với tỷ lệ lắp đặt camera cao, sắp tới đơn vị quản lý sẽ truy cập vào hệ thống giám sát hình ảnh từ camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải (KDVT) để theo dõi, giám sát.

Lực lượng Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) kiểm tra một phương tiện chở khách lắp đặt camera giám sát hình ảnh. Ảnh: Thanh Hải
Lực lượng Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) kiểm tra một phương tiện chở khách lắp đặt camera giám sát hình ảnh. Ảnh: Thanh Hải

* Chuyển biến tích cực

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, qua theo dõi cho thấy, từ ngày 1-1-2022, các xe có hoạt động KDVT đã thực hiện quy định lắp đặt camera theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện KDVT bằng xe ô tô (gọi tắt là Nghị định 10).

Kết quả số lượng phương tiện trên toàn quốc đã hoàn thành việc lắp đặt này đạt trên 100 ngàn xe, số phương tiện ngừng hoạt động và chưa thực hiện lắp camera còn chiếm tỷ lệ khá cao với hơn 38%. Riêng Đồng Nai, Sở GT-VT cho biết, trong tổng số 10 ngàn phương tiện thuộc diện phải lắp camera giám sát thì đến nay đạt gần 85% (tương đương 8,5 ngàn phương tiện).

Để đảm bảo các phương tiện KDVT lắp đặt camera theo đúng quy định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GT-VT tiếp tục có văn bản gửi các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, đôn đốc các đơn vị KDVT có kế hoạch lắp đặt camera để đảm bảo lắp đặt đầy đủ và duy trì hoạt động trước khi đưa phương tiện tham gia hoạt động KDVT theo quy định. Nhiều chuyển biến tích cực sau khi quy định lắp camera hành trình trên phương tiện KDVT được đi vào thực hiện.

Ông Nguyễn Minh Thái (lái xe khách tuyến Đồng Nai - Cà Mau) cho biết, ông làm nghề lái xe khách gần 20 năm. Trước đây, khi chưa có camera giám sát, trong quá trình điều khiển phương tiện vẫn hay có thói quen dùng điện thoại, quên thắt dây an toàn, chở hàng hóa… Hiện nay, ông không dám vi phạm vì có camera giám sát và truyền hình ảnh về cho nhà xe và cơ quan quản lý. Nếu bị phát hiện, ngoài bị nhắc nhở, còn có thể làm căn cứ để “phạt nguội”.

Tương tự, anh Phạm Văn Tín (lái xe chạy tuyến Đồng Nai đi các tỉnh phía Bắc) cho biết, trên xe có 2 camera được lắp đặt theo tiêu chuẩn. Từ khi có camera, anh chỉ tập trung vào việc lái xe, tuân thủ các quy định về an toàn giao thông. Các công việc khác đều giao lại cho phụ xe thực hiện, tránh để xảy ra vi phạm.

Theo anh Tín, khi chưa có camera giám sát hành trình không chỉ các lái xe vi phạm quy định khi lái xe mà nhiều lái xe và phụ xe khách còn tự ý mang hàng cồng kềnh, nhồi nhét lên ghế ngồi, lối đi… vừa nguy hiểm, vừa gây khó chịu, phiền phức cho hành khách. Thế nhưng, tình trạng này hiện nay đã gần như chấm dứt, qua đó giúp khách hàng an tâm, doanh nghiệp dễ giám sát.

* Có thể khai thác dữ liệu hình ảnh trên xe KDVT

Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Mạnh Hưng cho hay, từ khi triển khai quy định này, Sở GT-VT đã có nhiều văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp (DN), HTX KDVT nhanh chóng triển khai. Trước đây, số lượng phương tiện lắp đặt camera giám sát trên địa bàn tỉnh còn thấp, nhưng từ tháng 10-2021, khi hoạt động vận tải trở lại bình thường thì các phương tiện muốn lưu thông trên đường, không bị lực lượng chức năng xử phạt buộc phải thực hiện công tác này.

Bên cạnh đó, Sở GT-VT cũng thành lập các đoàn kiểm tra làm việc với các đơn vị KDVT. Qua đó nhắc nhở, chấn chỉnh công tác thực hiện của các DN vận tải. Những trường hợp không chấp hành thì không được phép hoạt động, đồng thời không cấp phù hiệu. Đây là biện pháp mạnh nhằm bắt buộc các DN phải thực hiện theo đúng quy định của Nghị định 10.

Hình ảnh ghi lại từ camera giám sát không chỉ giúp DN kiểm soát được hoạt động của tài xế và các nhân viên, mà còn giúp ngành chức năng kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Từ đó, có cơ sở để xử lý vi phạm giao thông. Đặc biệt, thông qua hình ảnh camera giám sát ghi lại sẽ giúp cơ quan nhà nước có các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế tai nạn giao thông, giảm thiểu được thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa cung cấp tài khoản cho sở GT-VT các tỉnh, thành phố để truy cập vào hệ thống giám sát hình ảnh từ camera trên xe ô tô KDVT. Theo đó, đơn vị này cung cấp 2 tài khoản truy cập vào hệ thống giám sát hình ảnh từ camera trên xe ô tô KDVT để phục vụ công tác khai thác, sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô theo quy định.

Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ giữa tháng 3-2022 trở đi, Sở GT-VT có thể truy cập và sử dụng thử nghiệm để có ý kiến góp ý hoàn thiện phần mềm trước khi đưa vào sử dụng chính thức. Việc quản lý tài khoản và gắn trách nhiệm cho người được cấp tài khoản thực hiện chế độ bảo mật tài khoản theo quy định; thực hiện khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ công tác quản lý hoạt động KDVT đảm bảo không để lộ, lọt, phát tán thông tin dữ liệu hình ảnh và bảo mật dữ liệu theo đúng quy định.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định, xe KDVT chưa lắp camera giám sát khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt 1-2 triệu đồng đối với lái xe; 5-6 triệu đồng đối với cá nhân và 10-12 triệu đồng đối với tổ chức. Phương tiện còn bị thu hồi phù hiệu 1-3 tháng.

Thanh Hải

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích