Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp tục đề cao ý thức thượng tôn pháp luật

09:11, 08/11/2020

Pháp luật là phương tiện, công cụ quan trọng để duy trì, bảo vệ trật tự xã hội, tạo điều kiện và định hướng cho sự phát triển xã hội, nên đòi hỏi mọi cá nhân, tổ chức phải tuân thủ nghiêm khắc,...

Pháp luật là phương tiện, công cụ quan trọng để duy trì, bảo vệ trật tự xã hội, tạo điều kiện và định hướng cho sự phát triển xã hội. Chính vì vậy, pháp luật đòi hỏi mọi cá nhân, tổ chức phải chấp hành, tuân thủ một cách đúng đắn, đầy đủ, nghiêm khắc và không có ngoại lệ. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm.

Giám đốc Sở Tư pháp, Phó chủ tịch Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Võ Thị Xuân Đào
Giám đốc Sở Tư pháp, Phó chủ tịch Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Võ Thị Xuân Đào

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề nâng cao ý thức chấp hành, thượng tôn pháp luật cho người dân, doanh nghiệp, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó chủ tịch Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh Võ Thị Xuân Đào cho biết:

- Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng. Pháp luật là phương tiện không thể thiếu nhằm bảo đảm cho sự tồn tại, vận hành bình thường của xã hội nói chung và của nền đạo đức nói riêng. Pháp luật không chỉ là một công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, mà còn tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ý thức đạo đức, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội và góp phần bồi đắp nên những giá trị mới.

* Trong thực tiễn cuộc sống, vấn đề vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức vẫn xảy ra, theo bà, nguyên nhân chính là do đâu?

- Trong thực tiễn cuộc sống, vấn đề vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức vẫn xảy ra, khó tránh khỏi. Nguyên nhân, có thể do họ vô ý, cố ý hoặc ý thức thượng tôn pháp luật chưa cao.

Ngoài ra, trong thời gian qua, hệ thống pháp luật vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ ở nhiều lĩnh vực, vẫn còn “kẽ hở” để một số bộ phận nào đó lợi dụng để trục lợi hay quyền lợi hợp pháp của một số đối tượng, đặc biệt là người dân chưa được quan tâm một cách triệt để. Bên cạnh đó, công tác PBGDPL ở một số đơn vị vẫn chưa được chú trọng, còn hình thức, đối phó nếu như không nói là còn bị xem nhẹ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành luật của các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập, kinh nghiệm xây dựng hệ thống pháp luật và quản lý xã hội bằng pháp luật còn nhiều hạn chế.

Trong những năm gần đây có thể thấy, hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng được hoàn thiện, các quy định pháp luật chưa phù hợp dần được xem xét, bãi bỏ, tính răn đe pháp luật cũng được nâng tầm với mục đích nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh việc nâng các mức phạt mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật thì cũng cần có biện pháp phòng ngừa, ví dụ như phòng ngừa những hành vi tiêu cực trong bộ máy quản lý nhà nước, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ.

* Vậy giải pháp nào để hạn chế đến mức thấp nhất hoặc hiệu quả nhất các hành vi vi phạm pháp luật trong đời sống xã hội, thưa bà?

- Ở nước ta hiện nay còn nhiều vấn nạn xã hội cần quan tâm như: tệ nạn ma túy, cờ bạc, mại dâm; trộm cắp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, hoạt động “tín dụng đen”... Nguyên nhân của các vấn nạn xã hội nêu trên xuất phát từ ý chí chủ quan của chính người thực hiện hành vi đó (được xem là nguyên nhân chủ quan). Nguyên nhân khách quan là do kinh tế, đời sống vật chất của một bộ phận người dân chưa được đảm bảo, trình độ dân trí còn thấp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tệ nạn xã hội hay do chính sách quản lý, điều hành của Nhà nước còn nhiều “lỗ hổng”; các hoạt động phòng, chống, ngăn chặn của ngành chức năng chưa được thực hiện chặt chẽ, cồng kềnh và nhiều thủ tục, chưa bắt kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, để từng bước hạn chế dần các vấn nạn nêu trên, cần thực hiện các giải pháp sau: tăng cường công tác PBGDPL, thông qua đẩy mạnh công tác này có thể giúp người dân hiểu được tác hại của các tệ nạn xã hội, từ đó kiểm soát hành vi của mình; đồng thời tác động với người thân, bạn bè để phòng tránh. Tập trung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội. Cần kịp thời ban hành các văn bản pháp luật (chủ yếu là các quy phạm pháp luật) quy định về những chế tài xử phạt đối với các tệ nạn xã hội, bao gồm xử lý vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe. Đồng thời, thông qua việc ban hành các văn bản thì nội dung của văn bản đó nên lồng ghép đưa ra những nội dung hoạch định, chính sách nhằm ngăn ngừa và hạn chế tệ nạn xã hội.

Giám đốc Sở Tư pháp, Phó chủ tịch Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Võ Thị Xuân Đào trao bằng khen cho đơn vị TP.Biên Hòa đoạt giải nhất tập thể trong cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2020.
Giám đốc Sở Tư pháp, Phó chủ tịch Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Võ Thị Xuân Đào trao bằng khen cho đơn vị TP.Biên Hòa đoạt giải nhất tập thể trong cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2020. Ảnh: Đoàn Phú

* Trong thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai nhiều hoạt động PBGDPL cho người dân, doanh nghiệp, vậy đến nay hiệu quả đạt được ra sao, thưa bà?

- Mặc dù ngay từ đầu năm 2020, nước ta chịu ảnh hưởng nhiều từ đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động bị trì trệ, nhất là các hoạt động sản xuất, kinh doanh, theo đó các hoạt động PBGDPL trực tiếp cũng không thể diễn ra. Tuy nhiên, với mục tiêu đề ra, Sở Tư pháp tỉnh đã chủ động và đa dạng hóa việc tuyên truyền pháp luật như: tuyên truyền thông qua các hình thức phát tờ bướm, tờ gấp, poster, bản tin... nhằm kịp thời tuyên truyền các quy định mới của pháp luật đến người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, tăng cường phổ biến pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh, Đồng Nai tiếp tục tổ chức thành công cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật năm 2020 và đạt được nhiều kết quả ngoài mong đợi.

Đồng thời, Sở Tư pháp cũng tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công hội thi Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2020 quy tụ hơn 200 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của 11 đội thi đến từ các địa phương tham gia. Thông qua sân chơi này nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động phổ biến, tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh; tăng cường đại đoàn kết toàn dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, hướng tới xây dựng một xã hội trong sạch, vững mạnh.

* Xin cảm ơn bà!

Theo Điều 8, Luật PBGDPL, ngày 9-11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật và khuyến khích công dân chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật. Khuyến khích mọi người nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và các quy định của pháp luật.

Đoàn Phú (thực hiện)

 

Tin xem nhiều