Báo Đồng Nai điện tử
En

Bình yên nơi chân núi Chứa Chan

10:03, 12/03/2020

Cách đây khoảng 30 năm, "cò chùa" từng là nỗi ám ảnh của bao tài xế cũng như khách hành hương mỗi khi đến với núi Chứa Chan, chùa Gia Lào (H.Xuân Lộc).

Cách đây khoảng 30 năm, “cò chùa” từng là nỗi ám ảnh của bao tài xế cũng như khách hành hương mỗi khi đến với núi Chứa Chan, chùa Gia Lào (H.Xuân Lộc).

Khách hành hương, du lịch từ các nơi đến Khu du lịch Núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc) rất đông nhưng tình hình an ninh trật tự tại đây luôn được đảm bảo. Ảnh: H.Đình
Khách hành hương, du lịch từ các nơi đến Khu du lịch Núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc) rất đông nhưng tình hình an ninh trật tự tại đây luôn được đảm bảo. Ảnh: H.Đình

Từ khi các ngành chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc, cùng với sự góp sức của người dân sinh sống ven đường vào núi Chứa Chan, nhiều năm nay tình hình an ninh trật tự ở khu vực núi Chứa Chan đã được giữ vững.

* Một thời phức tạp vì nạn “cò chùa”

Trước năm 1990, chùa Gia Lào, núi Chứa Chan còn rất hoang vu, do còn ít người biết đến. Tiếng lành đồn xa, càng về sau, lượng khách hành hương từ nhiều tỉnh, thành đổ về đây ngày một đông, nhất là vào các dịp Tết Nguyên đán, tháng giêng, tháng 2 âm lịch, có ngày cao điểm lên đến hàng chục ngàn người.

Theo một số người dân sinh sống dưới chân núi Chứa Chan (thuộc ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường), khi xưa con đường lên chùa chỉ là lối mòn nhỏ của thợ rừng. Sau này, khi khách đi chùa đông lên, lối mòn này được mở rộng thành đường đi cho xe đò, xe khách. Thời ấy, dân thập phương đến đây mưu sinh bằng việc buôn bán hàng ăn uống và  đồ lễ... Do nhà chùa chỉ nhận những lễ phẩm như: gạo, muối, nước tương, mì gói... nên công việc buôn bán của các hộ dân nơi đây rất xôm tụ. Ban đầu chỉ vài ba hộ, sau đó tăng lên hàng chục, hàng trăm hộ. Rồi nạn chèo kéo, ẩu đả, giành giật khách cũng từ đó phức tạp lên.

Ông Hồ Thanh Sang, có hơn 30 năm sinh sống dưới chân núi Chứa Chan  kể, để có thể giành được khách, chủ cửa hàng thường thuê từ 1-2 người đi xe máy đứng đợi ở ngã ba Suối Cát hoặc ngã ba Bảo Định, cách đường vào chùa 15-20km để “đón lõng” xe khách đi hành hương. Lực lượng này thường gọi là “cò chùa”, có thể là dân địa phương hoặc từ nơi khác đến. Khi phát hiện xe khách đi viếng chùa, ngay lập tức “cò chùa” rú ga để kè theo.

“Trong quá trình đeo bám, các đối tượng ngồi sau xe máy đánh đu thành cửa của xe khách để “xí” người. Ai “xí” được khách áo màu gì hoặc đặc điểm như thế nào thì sẽ la to để các cò kia không được “xí” nữa.  Thỏa thuận với nhau là thế, nhưng khi khách hành hương xuống xe “cò chùa” vẫn thường cãi vã, thậm chí là ẩu đả với nhau để giành giật khách” - ông Sang kể .

Ông Sang nhớ lại, lúc bấy giờ “cò chùa” rất đông, có thời điểm lên đến vài chục người, hoạt động suốt ngày lẫn đêm. Hầu hết các xe như: Min Khơ, 67, Citi... đều được xoáy nòng, đôn cốt hết mức có thể. Mỗi khi gặp “con mồi” là đua nhau kéo hết ga để giành khách.

Bản thân cũng từng là một “cò chùa”, ông Sang cho biết: “Có nhiều trường hợp xe chở khách đi chùa nhầm tưởng chúng tôi là cướp nên tài xế hoảng sợ, la hét rồi tăng tốc bỏ chạy, có khi chạy tới
100-110km/giờ. Nhớ lại mà nổi da gà. Thời đó đường sá ít xe cộ chứ như bây giờ thì nhiều “cò chùa” đã bỏ mạng vì tai nạn giao thông”.

* Vì sự bình yên của khu du lịch

Do tình hình buôn bán dưới chân núi Chứa Chan quá phức tạp nên năm 1993, chính quyền địa phương đã bố trí bến xe, khu mua bán hàng cho khách hành hương; đồng thời ra quân xử lý nghiêm đối với  nạn “cò chùa”. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cử lực lượng giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực chân núi Chứa Chan.

Theo đó, tất cả những người buôn bán gạo, muối, đồ lễ như: nhang, đèn, vàng mã... được lên danh sách và chia thành các tổ để luân phiên buôn bán. Riêng đối với những người gánh thuê (hay còn gọi là cửu vạn) sẽ được sắp xếp thành một đội để hoạt động có nội quy, nền nếp.

Ông Trần Văn Phượng, người dân kinh sống hơn 40 năm tại chân núi Chứa Chan cũng cho biết, từ khi nạn “cò chùa” được dẹp bỏ, bà con buôn bán rất yên ổn. Khách muốn mua ở đâu thì tùy, giá cả đều tương đồng. Hơn nữa có thể gửi hành lý tại hàng quán để leo lên viếng chùa chính mà không lo mất mát. Từ Tết Nguyên đán năm 2020 đến nay, bản thân ông đã trả lại 2 điện thoại di động loại đắt tiền cho khách khi để quên tại quán.

Ông Phan Như Huê, Tổ trưởng Tổ bảo vệ Khu du lịch Núi Chứa Chan cho hay, cụm dân cư xung quanh khu du lịch có khoảng 200 hộ dân, tập trung sinh sống dọc theo hai bên lối lên chùa Bửu Quang. Để đảm bảo tốt vấn đề an ninh trật tự, thì ngoài lực lượng bảo vệ của khu du lịch, ban quản lý còn phối hợp cùng lực lượng Công an huyện, Công an xã trong việc tuần tra, kiểm soát tại khu vực này.

Hiện nay Khu du lịch Núi Chứa Chan lắp đặt nhiều camera an ninh, hệ thống đèn chiếu sáng dọc theo lối lên chùa, nhất là những đoạn đường vắng không có nhà dân, hàng quán. Riêng đối với những người bán hàng rong, đơn vị cũng phối hợp cùng Khu du lịch cáp treo Núi Chứa Chan bố trí các gian hàng mua bán để có cuộc sống ổn định.

 Ông Trần Văn Phượng cho biết thêm, chân núi Chứa Chan là mái nhà chung của các tiểu thương buôn bán nơi đây. Mọi người sống rất đoàn kết, nghĩa tình với nhau. Mặc dù là khu du lịch, lượng người từ các nơi đến đông nhưng tình hình an ninh trật tự luôn được đảm bảo. Người dân luôn có ý thức trong việc bảo vệ tài sản của mình và của du khách. Ngoài ra, trong quá trình buôn bán, nếu phát hiện có đối tượng khả nghi, các tiểu thương đều theo dõi, báo tin cho lực lượng bảo vệ khu du lịch, Công an xã. Nhờ vậy hơn 10 năm trở lại đây, Khu du lịch Núi Chứa Chan đã ngăn chặn được tình trạng cướp giật, móc túi hay chèo kéo, chặt chém giá cả gây phiền lòng khách du lịch, hành hương.

Hải Đình

Tin xem nhiều