Tính chung 9 tháng của năm 2013, tai nạn giao thông (TNGT) ở Đồng Nai giảm sâu về số vụ, số người chết, số người bị thương. Nhưng riêng tháng 9-2013, TNGT tăng cao đáng ngại cả 3 mặt so với các tháng đầu năm.
Tính chung 9 tháng của năm 2013, tai nạn giao thông (TNGT) ở Đồng Nai giảm sâu về số vụ, số người chết, số người bị thương. Nhưng riêng tháng 9-2013, TNGT tăng cao đáng ngại cả 3 mặt so với các tháng đầu năm.
Trong 9 tháng của năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 486 vụ TNGT và va chạm giao thông, làm chết 312 người, bị thương 414 người. So với cùng kỳ năm 2012, giảm gần 41% số vụ, giảm gần 28 người chết và gần 51% người bị thương. Nhưng trong tháng 9-2013, Đồng Nai xảy ra 60 vụ TNGT, làm chết 42 người, bị thương 41 người. Chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm, cần phải ngăn chặn đà gia tăng TNGT để bảo đảm năm an toàn giao thông (ATGT), cũng như đem lại an toàn hơn cho xã hội.
* Nguyên nhân gia tăng
Báo cáo của Công an tỉnh cho thấy, nguyên nhân TNGT chủ yếu do ý thức người tham gia giao thông còn kém. Có trên 90% lỗi gây tai nạn do ý thức chủ quan của con người. Có nhiều trường hợp cố tình vi phạm pháp luật giao thông, khi bị lực lượng tuần tra kiểm soát phát hiện thì người vi phạm tìm mọi cách trốn tránh. Cụ thể, trong 9 tháng qua, có 1 ngàn trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, 2 trường hợp chống đối, cản trở người thi hành công vụ, 143 trường hợp đưa hối lộ để được bỏ qua lỗi vi phạm...
Các xe tải kéo nhau vượt đèn đỏ trên quốc lộ 51, đoạn thuộc phường Long Bình Tân (ảnh chụp tháng 9-2013). |
Nói về việc kém ý thức của người đi đường, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban ATGT tỉnh Đinh Quốc Thái nhận định, tình trạng vượt đèn đỏ vẫn còn xảy ra phổ biến trên đường. Đáng nói là, những người vượt đèn đỏ lại có vẻ khoái trá, vui vẻ khi thực hiện được hành vi vi phạm mà không bị cảnh sát giao thông (CSGT) xử lý. Hành vi này dẫn đến tâm lý chung đáng buồn của một số đáng kể người đi đường là chỉ chấp hành pháp luật giao thông khi thấy có lực lượng CSGT trên đường.
Trưởng ban ATGT tỉnh cũng nhận định, TNGT có chiều hướng gia tăng ở đường tỉnh, huyện, đường nông thôn, ở vùng sâu. Điều này cho thấy, công tác tuyên truyền pháp luật giao thông chưa đến với nhiều đồng bào dân tộc, nông dân vùng sâu...
Bên cạnh đó, chất lượng đường sá thấp, hư hỏng nhiều, nhiều công trình thi công chậm, đơn vị thi công không thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, gây tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông. Điển hình như: tuyến quốc lộ 20, nút giao thông cầu Hóa An, công trình cầu vượt ngã tư Vũng Tàu, mở rộng nâng cấp quốc lộ 51...
Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Phó giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng ban ATGT tỉnh, cho biết có nhiều đoạn đường tỉnh, quốc lộ đèn đường được chiếu sáng theo kiểu “bật trễ, tắt sớm”; hệ thống biển báo chưa phù hợp cũng góp phần làm gia tăng TNGT. Trong các buổi giám sát của HĐND tỉnh về thực hiện kinh phí duy tu, sửa chữa công trình giao thông vừa qua, UBND một số huyện đều phản ảnh tình trạng xe quá tải (nhất là xe tải ben) gây hư hỏng đường tỉnh, huyện, góp phần làm mất ATGT ở địa phương, tăng chi phí duy tu, sửa chữa vốn luôn bị thiếu hụt.
* Một số giải pháp
Trưởng ban ATGT tỉnh Đinh Quốc Thái chỉ đạo, TNGT có xu hướng tăng vào những tháng cuối năm, nên Ban ATGT các cấp phải triển khai ngay các kế hoạch, nội dung nhằm tiếp tục kéo giảm TNGT ở cả 3 mặt: số vụ, số người chết và bị thương. Các cơ quan chức năng cần phải tăng cường tuyên truyền, cưỡng chế thi hành pháp luật giao thông để ý thức của người đi đường được cải thiện hơn nữa. Các đơn vị thi hành, lực lượng tuần tra kiểm soát phải triển khai ngay các kế hoạch, cao điểm bảo đảm ATGT, thực hiện quyết liệt hơn nữa. Nếu có vướng mắc phải phản ảnh ngay để kịp thời xử lý, nhằm bảo đảm kết quả kéo giảm TNGT trong năm 2013. Đặc biệt chú ý tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường ngoài tuyến quốc lộ để kéo giảm TNGT đang có chiều hướng gia tăng.
Ban ATGT tỉnh nhận định, mặc dù Thông tri 18 của Tỉnh ủy chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện công tác bảo đảm ATGT, nhưng hoạt động của các thành viên Ban ATGT tỉnh chưa đều khắp và mạnh mẽ, mới tập trung thực hiện ở các ngành chủ công trong công tác tuyên truyền, cưỡng chế thi hành pháp luật. Một số địa phương chưa quan tâm triển khai kế hoạch một cách rộng rãi, hoặc thiếu kiểm tra việc thực hiện ở cấp cơ sở, khu phố, ấp. |
Ban ATGT tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật giao thông; tuyên truyền phải đúng đối tượng thường xuyên cầm lái, chủ động tham gia giao thông. Công an tỉnh cần tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo của tỉnh để thường xuyên kiểm tra, xử lý bảo đảm ATGT trên quốc lộ 20, công trình cầu vượt ngã tư Vũng Tàu, sửa chữa cầu Đồng Nai cũ, cầu Hóa An, đường tỉnh 769. Ngành giao thông lắp đặt thêm dải phân cách tim đường trên quốc lộ 1, đoạn qua TX.Long Khánh; khắc phục các “điểm đen” giao thông mới phát sinh trong năm 2013. Lực lượng tuần tra kiểm soát cần triển khai các phương án điều hòa, hướng dẫn giao thông trên các tuyến đường bộ, điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Hoạt động này tập trung vào các “điểm nóng”, như: ngã tư Vũng Tàu, khu vực các cầu Đồng Nai, Hóa An, ngã tư Tam Hiệp, Amata, ngã ba Sặt, quốc lộ1... Cơ quan đường thủy phòng ngừa va đập, tai nạn ở các cây cầu, nhất là cầu Long Thành trên đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ban ATGT các cấp tập trung thực hiện các chương trình đã ký kết, như: Vì sự an toàn của trẻ em trên sông nước; Nông dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT; Phụ nữ tham gia ATGT vì hạnh phúc của mỗi gia đình; Tăng cường công tác cấp cứu, y tế nhằm giảm thiệt hại từ TNGT; Tăng cường giáo dục ATGT trong học sinh, sinh viên giai đoạn 2013-2018...
Thanh Toàn