“Thực sự, tôi rất đau lòng khi biết những đồng tiền anh ấy mang về là những đồng tiền dơ bẩn, đồng tiền được đánh đổi bằng máu, nước mắt của bao gia đình khác. Liệu các con tôi có thể tự hào khi chúng được nuôi dưỡng bằng những đồng tiền đó không?”
“Thực sự, tôi rất đau lòng khi biết những đồng tiền anh ấy mang về là những đồng tiền dơ bẩn, đồng tiền được đánh đổi bằng máu, nước mắt của bao gia đình khác. Liệu các con tôi có thể tự hào khi chúng được nuôi dưỡng bằng những đồng tiền đó không?” - đó là những lời trình bày thật lòng của chị A.L. tại phiên tòa xét xử chồng chị về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Như bao người con gái khác, chị L. cũng khao khát có một tình yêu, một mái ấm gia đình hạnh phúc. Thế nhưng, trong khi chọn lựa bạn đời, chị đã vô tình quên đi câu nói của ông bà xưa: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, để rồi giờ đây chị phải cay đắng, ngậm ngùi.
* Người chồng vô tâm
Là anh lớn trong gia đình có 4 anh chị em, nhưng Nguyễn Hữu Đạt (SN 1987, ngụ xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ) không làm gương cho các em, mà chỉ thích ăn chơi, sống bám víu vào cha mẹ già.
Năm 2007, khi vừa tròn 20 tuổi, dù chưa có việc làm và thu nhập ổn định, Đạt lại một mực đòi cha mẹ cưới vợ cho mình. Đến khi đã có 2 con nhỏ, Đạt lại chẳng ý thức được trách nhiệm làm chồng, làm người cha gương mẫu, phải chịu khó lao động kiếm tiền lo cho gia đình. Ngược lại, với tính lười lao động, Đạt chỉ muốn làm những việc nhẹ nhàng mà dễ kiếm nhiều tiền.
Sẵn mối quen biết với những người nghiện tại huyện Xuân Lộc, Đạt nảy ý định mua bán ma túy để kiếm lời. Từ cuối tháng 9-2012 đến 1-2013, Đạt đã nhiều lần đi TP.Hồ Chí Minh mua ma túy về phân lẻ để bán lại cho các con nghiện tại huyện Xuân Lộc. Việc kiếm tiền bất chính diễn ra suôn sẻ đến ngày 29-1, thì Đạt bị Công an huyện Xuân Lộc bắt quả tang.
* Nỗi đau của người vợ
Chị L. từng được xem là hoa khôi của xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ. Ngày trước, bao nhiêu trai làng đến tán tỉnh, chị đều phớt lờ. Thế nhưng, dáng vẻ thư sinh và cách cư xử “ga-lăng” của chàng trai quê Nguyễn Hữu Đạt đã khiến trái tim chị rung động. Những lời ngọt mật của Đạt khiến chị nghĩ mình là người may mắn, vì đã tìm được người đàn ông lý tưởng.
Năm 2007, khi vừa bước qua tuổi 20, chị L. quyết tâm đến với Đạt, bất chấp những lời can ngăn của gia đình. Nhưng sau khi cưới nhau, Đạt đã thay đổi so với những gì thể hiện trước kia… Mặc dù đã có vợ con, Đạt vẫn không tu chí làm ăn, mà chỉ thích ăn chơi lêu lổng với đám bạn bè hút chích, bỏ mặc chị L. tự bươn chải lo cho 2 đứa con thơ.
Thế rồi, chị thấy chồng bỗng dưng có nhiều thay đổi. Dù vẫn hay đi sớm về khuya, nhưng thỉnh thoảng Đạt mang tiền về đưa cho vợ và nói là tiền đi làm công có được. Những lúc ấy, chị L. rất mừng, vì nghĩ chồng đã thay đổi cách sống, biết lo cho gia đình…
Nhưng niềm vui kéo dài chẳng được bao lâu, ngày 29-1, chị nghe tin Đạt bị công an bắt vì bán ma túy. Lúc này chị mới vỡ lẽ, bấy lâu nay Đạt đã lừa dối chị, đồng tiền Đạt mang về là đồng tiền bất lương. Nó được đánh đổi bằng sức khỏe, mạng sống và sự tan nát của bao gia đình khác và chị thấy hối hận vì bấy lâu nay đã vô tình sử dụng đồng tiền ấy để nuôi con.
Tại phiên tòa xét xử bị cáo Đạt về tội mua bán ma túy, trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử, bị cáo luôn trả lời lấp liếm cho hành vi tội lỗi của mình bằng lý do: “Có con nhỏ hay đau bệnh, bị cáo không có việc làm, cuộc sống gia đình khó khăn nên mới đi bán ma túy để lấy tiền phụ giúp vợ mua sữa cho con”.
Nhưng đó chỉ là những lời ngụy biện, vị Hội thẩm nhân dân chất vấn Đạt: “Bị cáo là một thanh niên có sức khỏe tốt, xã hội còn rất nhiều việc làm lương thiện để kiếm tiền nhưng bị cáo lại không làm, phải chăng vì bản chất lười lao động?”. Trước câu hỏi này, Đạt chỉ biết cúi mặt xuống vành móng ngựa thay cho lời nhận tội.
Phiên tòa kết thúc, Nguyễn Hữu Đạt phải lãnh mức án 8 năm tù. Chị L. ôm 2 đứa con thơ dõi mắt nhìn theo chiếc xe chở phạm nhân dần xa khuất...
Những người tham dự phiên tòa đều cảm thấy xót thương cho vợ con Đạt. Và hy vọng Đạt tích cực cải tạo, lao động để ngày trở về sẽ là người chồng, người cha tốt, một công dân lương thiện.
Hải Đình