Cho đến thời điểm hiện tại, ngành Điện đang đối mặt với nhiều khó khăn do nhiều hồ thủy điện cạn nước, việc đàm phán nhập khẩu than còn chậm, trong khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao do nắng nóng.
Cho đến thời điểm hiện tại, ngành Điện đang đối mặt với nhiều khó khăn do nhiều hồ thủy điện cạn nước, việc đàm phán nhập khẩu than còn chậm, trong khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao do nắng nóng.
Nhân viên Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai kiểm tra trạm điện trong doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: H.Lộc |
Tuần qua, Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung và ổn định hệ thống điện.
* Có thiếu hụt cục bộ, ngắn hạn
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nắng nóng, hạn hán làm 17/47 hồ thủy điện về mực nước chết hoặc gần mực nước chết, 20/47 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của quy trình vận hành liên hồ chứa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các nhà máy thủy điện.
Từ cuối tháng 4 đến nay, nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc tăng cao. Đỉnh điểm ngày 19-5-2023, phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục mới gần 924 triệu kWh/ngày, cao nhất từ đầu năm đến nay. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu điện.
Theo EVN, đến ngày 21-5-2023, 17/47 hồ thủy điện lớn (trong đó có thủy điện Trị An, Đồng Nai) đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết, tần suất nước về nhiều hồ thấp nhất trong 100 năm qua. |
Trước đó, ngày 18-5-2023, làm việc với các bộ, ngành về tình hình cung ứng điện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận: Tổng công suất các nguồn điện của hệ thống điện quốc gia hoàn toàn có thể đáp ứng tổng nhu cầu, không thiếu hụt trong dài hạn. Tuy nhiên, việc cung ứng điện có thể thiếu hụt cục bộ và ngắn hạn. Nguyên nhân là do nắng nóng gay gắt khiến nhu cầu sử dụng diện tăng cao và đợt khô hạn khiến lượng nước tại các hồ thủy điện giảm, trong khi việc nhập khẩu than từ Indonesia bị chậm, không đáp ứng yêu cầu của các nhà máy nhiệt điện.
Tại Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai cho hay, các trạm 110kV/220kV đang hoạt động tương đối ổn định, không xảy ra quá tải cục bộ. Tuy nhiên, khi các nguồn điện trên hệ thống điện quốc gia bị thiếu hụt cục bộ và ngắn hạn sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất trên hệ thống. Khi đó, Trung tâm Hệ thống điện quốc gia sẽ tính toán công suất thiếu hụt và phân bổ công suất khả dụng cho Tổng công ty Điện lực miền Nam. Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai sẽ căn cứ vào mức phân bổ công suất để theo dõi giám sát, điều chỉnh phụ tải và tiết giảm công suất khẩn cấp nếu cần thiết. Thời gian, khu vực tiết giảm sẽ được thông báo đến khách hàng theo quy định.
* Đẩy mạnh tiết kiệm điện
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát động tiết kiệm điện (TKĐ) năm 2023, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho rằng, sử dụng TKĐ và hiệu quả là giải pháp quan trọng, cấp bách hiện nay để đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) và người dân cả nước có những hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào sử dụng TKĐ.
Về phía EVN, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho rằng, bên cạnh việc quyết liệt thực thi các giải pháp để tăng cường khả năng sản xuất, cung ứng điện, rất cần sự đồng lòng và hưởng ứng của người dân, DN trong TKĐ. Các địa phương đẩy mạnh truyền thông về TKĐ và khó khăn trong cung ứng điện hiện nay. Xây dựng biểu đồ sử dụng điện của từng ngành, lĩnh vực, chú trọng điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại. Xem xét tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phát triển năng lượng tái tạo sử dụng tại chỗ.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, hiện tại nguồn cung ứng điện trên địa bàn tỉnh tương đối ổn. Tuy nhiên, Đồng Nai là tỉnh tiêu thụ điện lớn và chịu ảnh hưởng chung của hệ thống điện quốc gia. Để góp phần đảm bảo cung ứng điện an toàn, người dân, DN cần tăng cường TKĐ. Vào ngày 19-5 vừa qua, tỉnh đã ban hành công văn đẩy mạnh TKĐ và đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định trên địa bàn tỉnh trong mùa khô và cả năm 2023. Từ nay đến ngày 30-6, các đơn vị, DN thực hiện các giải pháp cấp bách như: giảm đèn chiếu sáng, tham gia điều chỉnh phụ tải khi có yêu cầu. Riêng với khối DN, ngoài các tiết giảm trên thì chủ động điều chuyển sản xuất sang sau 22 giờ, khuyến khích sử dụng nguồn điện dự phòng của DN.
Thực tế, thiếu điện dù ít, dù nhiều cũng tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, DN. Nhu cầu sử dụng điện mùa khô tăng cao, tình trạng thiếu điện cục bộ, ngắn hạn là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, có thể giảm ảnh hưởng bằng cách tiết giảm nhu cầu, TKĐ. Về lâu dài, nhu cầu sẽ tăng, cần phát triển các nguồn điện để đảm bảo sản xuất, sinh hoạt.
Hoàng Lộc