Trung Quốc là thị trường lớn tiêu thụ khoảng 80% sản lượng yến sào thế giới. Việc thị trường lớn này mở cửa nhập khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến Việt Nam mở ra cơ hội lớn về thị trường cho ngành hàng này.
Trung Quốc là thị trường lớn tiêu thụ khoảng 80% sản lượng yến sào thế giới. Việc thị trường lớn này mở cửa nhập khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến Việt Nam mở ra cơ hội lớn về thị trường cho ngành hàng này.
Thu hoạch tổ yến tại xã Gia Tân 3 (H.Thống Nhất). Ảnh: L.Quyên |
Tuy nhiên, để phát triển ngành yến có hiệu quả, nhất là tham gia tốt thị trường xuất khẩu cần đáp ứng nhiều điều kiện. Trong đó, việc xây dựng thương hiệu quốc gia về sản phẩm tổ yến cần được chú trọng.
* Được đánh giá cao về chất lượng
Theo Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, tổ yến là sản phẩm phục vụ xuất khẩu có lợi thế nhất trong các sản phẩm của ngành chăn nuôi. Thời gian qua, tổ yến chủ yếu được xuất khẩu tiểu ngạch, thu về khoảng 200-300 triệu USD/năm. Thị trường nhập khẩu chính tổ yến của nước ta là Trung Quốc, cộng đồng người Hoa ở các nước: Mỹ, Australia, New Zealand.
Theo Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, sản lượng yến dự kiến 350-400 tấn, với giá trị khoảng 1 tỷ USD, đây thực sự là một nghề quan trọng và có hiệu quả kinh tế cao trong ngành chăn nuôi.
TS NGUYỄN ĐỨC TRỌNG, Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần xây dựng và tiêu chuẩn hóa thương hiệu quốc gia về sản phẩm tổ yến; cam kết mạnh mẽ về hợp tác giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tổ yến với người nuôi chim yến; sự ủng hộ vào cuộc giữa các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy thị trường xuất khẩu tổ yến chính ngạch. |
Ngành này đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư như: Công ty Yến sào Khánh Hòa, Chi hội Nhà yến Việt Nam, Công ty CP Yến sào Nha Trang, Công ty TNHH MTV Cung ứng VTNL Khánh Hòa, Công ty CP Phát triển Tổ yến Việt Nam. Đặc biệt, tập đoàn chim yến hiện có ở Việt Nam cho sản phẩm tổ yến chất lượng cao nhất khu vực. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ cao vào các khâu ấp trứng, nuôi nhân tạo, di đàn, xây nhà yến, dẫn dụ, khai thác tổ yến với quy mô lớn, chế biến sâu; xây dựng trung tâm kiểm định chất lượng tổ yến, sử dụng phần mềm để quản lý nhà yến uy tín, xây dựng mã định danh quốc gia cho chủ nhà yến cho từng nhà yến, sản xuất sản phẩm theo chuỗi truy xuất được nguồn gốc phục vụ cho xuất khẩu.
Ông Trần Phương Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển tổ yến Việt Nam (VinBirdnest) cho biết, qua các đợt khảo sát thị trường, làm việc với các chủ shop kinh doanh yến sào, khách hàng trực tiếp tại Mỹ, Australia, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga…, hầu như ai cũng biết các sản phẩm từ tổ yến Việt Nam. Với nghị định thư được ký với Trung Quốc, cơ hội rất lớn cho yến sào Việt Nam từng bước chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới này.
Theo ông Tuấn: “Nhu cầu chăm lo cho sức khỏe tại đất nước gần 2 tỷ dân này ngày càng được chú trọng, số người đủ điều kiện sử dụng yến sào cũng tăng lên. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng tổ yến của người dân Trung Quốc tăng cao hơn rất nhiều so với trước”.
* Kỳ vọng vào thị trường lớn nhất thế giới
Ngày 9-11-2022, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc. Việc mở cửa xuất khẩu yến vào thị trường lớn nhất này là cơ hội rất lớn cho ngành yến Việt Nam.
Ông Vũ Cường, đại diện Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Bộ NN-PTNT nhận định, yến sào Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển khi thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Thị trường yến sào thế giới ước tính trị giá trên 5 tỷ USD với tổng sản lượng khoảng 2,8 ngàn tấn. Trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới với mỗi năm nhập khẩu trên 2 ngàn tấn. Trước đây, chỉ có 3 nước xuất khẩu chính ngạch tổ yến vào Trung Quốc là Indonesia, Malaysia và Thái Lan nhờ làm tốt truy xuất nguồn gốc. Hiện Việt Nam là nước thứ tư được xuất khẩu chính ngạch tổ yến vào Trung Quốc.
Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành của cả nước phát triển mạnh nghề nuôi chim yến. Đây là một trong những ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao của tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 1.289 nhà yến với sản lượng tổ yến khoảng 15 tấn/năm. Các cơ sở nuôi chim yến tập trung nhiều ở các huyện: Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, Đồng Nai rất quan tâm phát triển nghề nuôi chim yến theo hướng bền vững. Tỉnh đã có quy định khu vực không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến; chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Việc giám sát dịch bệnh trên chim yến cũng được địa phương quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh đã có 15 cơ sở chăn nuôi yến, sơ chế, chế biến tổ yến đã được cấp giấy chứng nhận, thuận lợi cho xuất khẩu.
Trong Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc, yêu cầu sản phẩm tổ yến xuất khẩu phải có sự giám sát theo chuỗi sản phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc từ gây nuôi, khai thác, sơ chế, chế biến, bảo quản, đóng gói, ghi nhãn đến sản phẩm cuối cùng, đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Hiện Cục Chăn nuôi đang lấy ý kiến các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia... để hoàn thiện và sớm ban hành hướng dẫn về đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi chim yến. Việc sớm ban hành hướng dẫn về đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi chim yến cũng đang được các địa phương và doanh nghiệp mong đợi để có thể sớm bắt tay vào xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc.
Lê Quyên