Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp tìm cách giảm phát thải khí nhà kính

07:02, 11/02/2023

Để hạn chế diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu thì giảm phát thải khí nhà kính là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp trên toàn cầu. Việt Nam đã có lộ trình thực hiện giảm phát thải để hướng đến phát triển bền vững.

Để hạn chế diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu thì giảm phát thải khí nhà kính là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp (DN) trên toàn cầu. Việt Nam đã có lộ trình thực hiện giảm phát thải để hướng đến phát triển bền vững.

Sản xuất tại Công ty CP Kết cấu thép GSB (H.Vĩnh Cửu). Doanh nghiệp này đang đẩy mạnh các ứng dụng để giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động. Ảnh: V.GIA
Sản xuất tại Công ty CP Kết cấu thép GSB (H.Vĩnh Cửu). Doanh nghiệp này đang đẩy mạnh các ứng dụng để giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động. Ảnh: V.GIA

Tại Đồng Nai, DN đã quan tâm hơn đến vấn đề này, trong đó có nhiều đơn vị đầu tư nguồn lực để thực hiện.

* Xu thế không thể đảo ngược

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các DN, bởi xu hướng tiêu dùng đang thay đổi. Sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững là mối quan tâm hàng đầu hiện nay nên những sản phẩm được đánh giá không đáp ứng tiêu chuẩn xanh sẽ khó có thể đáp ứng nhu cầu của quốc gia nhập khẩu, chưa kể họ sẽ áp một loại thuế lên những mặt hàng này.

Cùng với thế giới, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Từng bước thực hiện lộ trình trên, Nghị định 06/2022/NĐ-CP ban hành ngày 7-1-2022 đã có quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Đồng thời, có hàng ngàn DN đã được đưa vào danh sách nhằm thực hiện thí điểm việc báo cáo phát thải khí nhà kính vào năm 2025.

Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025: giảm từ 5-8% mức tiêu hao nguyên, vật liệu của các ngành sản xuất như: dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng; 70% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Ở cấp độ địa phương, Đồng Nai có kế hoạch hành động về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030. Tỉnh khuyến khích phát triển, sử dụng các nguồn tài nguyên, nhiên, vật liệu có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trên nền tảng đổi mới, sáng tạo; phát triển, phổ biến các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam), bên cạnh vai trò định hướng của Nhà nước thì quan trọng nhất là sự vào cuộc, thể hiện trách nhiệm của mỗi DN. Vị chuyên gia này cho rằng, cần xây dựng cơ chế, nguồn vốn khuyến khích, hỗ trợ các DN đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó là các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, hỗ trợ thị trường cho những sản phẩm do các DN sản xuất ra.

* Thúc đẩy sự hưởng ứng của DN

Tại Đồng Nai, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam là điển hình của kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nestlé là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đầu tư vào Đồng Nai 3 nhà máy sản xuất cà phê và sản phẩm nước uống dinh dưỡng. Tất cả bã cà phê sau khi sản xuất được tái sử dụng làm nguyên liệu sinh khối và nguồn nguyên liệu này sẽ làm chất đốt vận hành lò hơi. Sau đó, chất thải từ lò hơi được tái chế trở thành gạch không nung và phân bón hữu cơ. Mô hình này được đánh giá là giúp DN giảm phát thải được gần 12,7 ngàn tấn CO2/năm.

Nestlé cũng thay ống hút nhựa bằng ống giấy, 94% bao bì có thể tái chế, giảm tỷ lệ nhựa nguyên sinh, không phát thải chôn lấp. Mục tiêu đặt ra là không có sản phẩm bao bì nào của Nestlé trở thành chất thải chôn lấp hay ra đại dương.

Giám đốc Công ty CP Green Connect (TP.HCM) Huỳnh Hạnh Phúc cho hay: “DN đang thực hiện dự  án Larva Yum, nâng vòng đời rác hữu cơ thành protein cho chăn nuôi. Dự án này tạo ra sản phẩm là trứng gà sạch chất lượng cao, hợp tác với các đối tác để tạo sinh kế bền vững cho nông dân. Hiện công ty đã xây dựng một trang trại chăn nuôi gà ở H.Vĩnh Cửu để áp dụng quy trình trên. Sản phẩm của dự án này sẽ có chất lượng cao, thân thiện môi trường”.

Tương tự, Công ty CP Kết cấu thép GSB (KCN Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) bên cạnh các giải pháp để tối ưu hóa chi phí sản xuất, tiết kiệm nguyên, vật liệu trong quá trình chế tạo các kết cấu thép đã chú trọng sử dụng năng lượng mặt trời tạo ra điện phục vụ sản xuất.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kết cấu thép GSB Nguyễn Tấn Lộc cho hay, hệ thống máy lạnh lớn trong nhà xưởng được làm mát từ nguồn năng lượng tự nhiên với việc sử dụng pin năng lượng mặt trời. Ngoài tiết giảm năng lượng tại nhà máy của mình, chúng tôi cũng ký kết với đối tác sản xuất thép lớn đến từ Australia để có thể tạo ra những công trình tối ưu hóa sử dụng năng lượng. Điều này sẽ giúp cho việc sản xuất tại các nhà máy mới theo hướng bền vững.

 Văn Gia

Tin xem nhiều