Báo Đồng Nai điện tử
En

Việt Nam có vaccine phòng dịch tả heo châu Phi

08:06, 13/06/2022

Bộ NN-PTNT đã công bố vaccine phòng dịch tả heo châu Phi và doanh nghiệp sản xuất bắt đầu đưa sản phẩm này ra thị trường. Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công và lưu hành thương mại vaccine tả heo châu Phi. Tuy nhiên do đây là vaccine mới nên chưa được sử dụng đại trà.

Bộ NN-PTNT đã công bố vaccine phòng dịch tả heo châu Phi và doanh nghiệp sản xuất bắt đầu đưa sản phẩm này ra thị trường. Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công và lưu hành thương mại vaccine tả heo châu Phi. Tuy nhiên do đây là vaccine mới nên chưa được sử dụng đại trà.

Trại heo giống tại xã Bình Minh, H.Trảng Bom là một trong những cơ sở được chích vaccine phòng dịch tả heo châu Phi trong đợt đầu đưa ra thị trường. Ảnh: Bình Nguyên
Trại heo giống tại xã Bình Minh, H.Trảng Bom là một trong những cơ sở được chích vaccine phòng dịch tả heo châu Phi trong đợt đầu đưa ra thị trường. Ảnh: Bình Nguyên

* Chưa lưu hành rộng rãi

Vaccine NAVETCO-ASFVAC do Công ty NAVETCO (tiền thân là Viện Quốc gia vi trùng học) là doanh nghiệp trực thuộc Bộ NN-PTNT nghiên cứu và sản xuất được Cục Thú y cấp phép lưu hành từ ngày 18-5-2022. Đây là vaccine mới, để có thêm dữ liệu khoa học về an toàn và hiệu quả phòng bệnh, Bộ NN-PTNT chỉ đạo việc sử dụng vaccine thực hiện theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, cả nước được sử dụng 600 ngàn liều, tiêm phòng cho heo từ 8-10 tuần tuổi, địa điểm tiêm phòng phải được giám sát chặt chẽ của Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh, trạm chăn nuôi thú y huyện, thành phố. Giai đoạn 2 sau khi có kết quả thực hiện giai đoạn 1, Bộ NN-PTNT và Cục Thú y xem xét thực hiện sử dụng vaccine ở quy mô đại trà. Theo công bố của doanh nghiệp sản xuất vaccine, trong điều kiện sản xuất, vaccine tả heo châu Phi bảo hộ trên 80% tổng số heo nuôi. Độ dài miễn dịch đạt 6 tháng đối với heo thịt từ 8-10 tuần tuổi. Giá bán vaccine NAVETCO-ASFVAC đến người chăn nuôi là 36.015 đồng/liều.

Việc Việt Nam sản xuất thành công và lưu hành thương mại vaccine tả heo châu Phi có ý nghĩa rất lớn với ngành chăn nuôi heo vì dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện và gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Đây là dịch bệnh trong vòng 100 năm qua kể từ khi phát hiện nhưng thế giới chưa có vaccine thương mại phòng bệnh này.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán, là tỉnh có tổng đàn heo lớn so với cả nước, Đồng Nai là một trong những địa phương được Công ty NAVETCO chọn triển khai khảo nghiệm vaccine phòng dịch tả heo châu Phi. Qua khảo nghiệm, đa số heo khi chích mũi 1 đã đạt từ 70% kháng thể trở lên, chích mũi 2 có con vượt 100% kháng thể, heo được tiêm vaccine phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, với heo có trọng lượng lớn, trong đó có heo nái, hiệu quả của vaccine cần được đánh giá thêm. Hiện Đồng Nai chỉ mới có 2 đơn vị có trại heo con đã được tiêm vaccine phòng dịch tả heo châu Phi; các trại này đều được Cục Thú y giám sát về hiệu quả sử dụng vaccine cũng như công tác phòng, chống dịch.

* Không lơ là giải pháp an toàn sinh học

Tuy thời gian qua, dịch tả heo châu Phi đã được khống chế. Nhưng đây vẫn là dịch bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi heo. Từ đầu năm đến nay, dịch này vẫn xảy ra phổ biến tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nguy cơ tái phát bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn rất cao do virus có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp và hiện vaccine phòng bệnh này đa số người chăn nuôi heo vẫn chưa tiếp cận được.

Ông Nguyễn Văn Trung, chủ trại chăn nuôi tại xã Lộ 25, H.Thống Nhất chia sẻ, đa số trại chăn nuôi, nhất là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa tiếp cận được vaccine phòng dịch tả heo châu Phi. Dịch này vẫn là nỗi lo rất lớn với người chăn nuôi vì nguy cơ tái phát dịch lớn và khi tái phát, người chăn nuôi vẫn thiệt hại rất lớn về tài sản.

Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Thống Nhất cho biết, đa số các cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn huyện vẫn chưa tiếp cận được với vaccine phòng dịch tả heo châu Phi. Theo đó, giải pháp hiện nay để bảo vệ đàn heo trước dịch tả heo châu Phi vẫn là thực hiện tốt những biện pháp an toàn sinh học. Các trại nuôi nên áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi và mầm bệnh; kết hợp với nhiều giải pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại như: rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng thường xuyên; bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi…

Từ đầu năm 2022 đến nay, công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật ra vào tỉnh được kiểm soát chặt chẽ. Các địa phương đều đã triển khai công tác tiêu độc, khử trùng các cơ sở giết mổ và phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm đợt 1-2022. Với những khu vực có nguy cơ cao, các địa phương tiếp tục tăng cường giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện, xử lý không để dịch bệnh lây lan.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều