Báo Đồng Nai điện tử
En

Mở rộng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

07:06, 20/06/2022

Trong thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều ngân hàng, công ty dịch vụ thanh toán đã mở rộng các dịch vụ ngân hàng số đến công nhân, người lao động, cũng như phát triển nhiều giải pháp khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt ở các vùng nông thôn…

Trong thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều ngân hàng, công ty dịch vụ thanh toán đã mở rộng các dịch vụ ngân hàng số đến công nhân, người lao động, cũng như phát triển nhiều giải pháp khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt ở các vùng nông thôn…

Khách hàng trải nghiệm một điểm giao dịch ngân hàng số - Autobank CDM trên đường 30-4 (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Hà
Khách hàng trải nghiệm một điểm giao dịch ngân hàng số - Autobank CDM trên đường 30-4 (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Hà

* Tỷ lệ giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến tháng 4-2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng và 27,5% về giá trị; giao dịch qua internet cũng tăng tương ứng về số lượng và giá trị lần lượt gần 48,4% và 32,8%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,6% và 86,7%; qua QR code tăng tương ứng 56,5% và 111,6% so với cùng kỳ năm 2021…

Tại Đồng Nai, trong thời gian qua, các ứng dụng, dịch vụ về thanh toán không dùng tiền mặt cũng ngày xuất hiện nhiều hơn. Các ngân hàng trên địa bàn Đồng Nai đã triển khai nhiều dịch vụ ngân hàng trực tuyến trải nghiệm, máy ATM đa chức năng… để giúp người dân có thêm điều kiện để trải nghiệm, sử dụng các dịch vụ ngân hàng số dễ dàng và thuận tiện hơn.

Ông Trang Phúc, phụ trách bộ phận thu ngân Co.opmart Biên Hòa cho biết, tỷ lệ giao dịch, thanh toán bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng tại Co.opmart Biên Hòa, chiếm khoảng 30% tổng lượt thanh toán ở siêu thị. Đối tượng khách hàng sử dụng hình thức này phần lớn đến từ nhóm 18-40 tuổi với các cách thức phổ biến như: quẹt thẻ ngân hàng, dùng internet banking, ví điện tử Momo, chuyển khoản trước khi đến siêu thị nhận hàng…

Siêu thị đã bố trí khoảng 20 máy quẹt thẻ máy POS (hỗ trợ ATM thanh toán tiền hóa đơn/dịch vụ hàng hóa) tại tất cả các quầy tính tiền để hỗ trợ khách hàng sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ của tất cả các ngân hàng. Bên cạnh đó, siêu thị còn triển khai 27 thiết bị thanh toán bằng ví điện tử Momo tại các quầy thu ngân…

Phó giám đốc NHNN chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo chia sẻ, ngành Ngân hàng trong tỉnh đã và đang chú trọng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; tập trung triển khai hiệu quả, thực chất cải cách hành chính; tăng cường hiệu quả, chất lượng hoạt động thanh toán thẻ qua các máy POS…

* Tiếp cận các đối tượng người dùng mới

Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều dịch vụ, ứng dụng ngân hàng số với các thao tác đơn giản, thuận tiện, giúp cho nhiều đối tượng người dùng như công nhân, người lao động vốn chưa quen với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán trực tuyến nhiều hơn…

Chị Thanh Trúc, công nhân ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa cho biết: “Trước đây, khi đến dịp trả lương, tôi vẫn thường đến các ATM để rút tiền mặt. Nhưng hiện nay khi có nhiều ứng dụng về ngân hàng số, ví điện tử, tôi đã đẩy mạnh các hoạt động giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là khi thanh toán tại các siêu thị, đặt hàng trực tuyến. Vì vậy, tôi không cần phải rút nhiều tiền hay sợ rơi rớt tiền mặt, thẻ ngân hàng... như trước đây. Ngoài ra, các ngân hàng, ví điện tử ngày càng có nhiều ưu đãi hoàn tiền, giảm giá, rút thăm trúng trưởng để thu hút người dùng”.

Ông Phạm Quốc Bảo chia sẻ thêm, việc phát triển ngân hàng số là một trong những tiện ích góp phần nhân rộng, phát triển đề án không dùng tiền mặt trên địa bàn Đồng Nai, giúp khách hàng tiếp cận ngày càng thuận tiện hơn với các dịch vụ ngân hàng theo hiện đại, thuận tiện và ngày càng nâng cao tính bảo mật, chất lượng về dịch vụ…

Phát biểu tại hội thảo Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt vừa được tổ chức ngày 17-6, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, trong thời gian qua, các ngân hàng đã ưu tiên đầu tư nguồn lực để tập trung chuyển đổi số trước, do giao dịch thanh toán, vốn chiếm phần lớn trong các giao dịch ngân hàng, thanh toán liên quan mật thiết tới cuộc sống thường nhật, thiết yếu của người dân và đóng vai trò cửa ngõ để kết nối thuận tiện với các dịch vụ, nghiệp vụ ngân hàng - tài chính khác như tiền gửi, tiết kiệm, vay vốn, bảo hiểm, quản lý tài chính cá nhân… và cả những dịch vụ ngoài ngân hàng như: gọi xe, mua vé xem phim, đặt nhà hàng, tour du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe…

Hiện nay, các ứng dụng mobile banking, ví điện tử không đơn thuần chỉ để chuyển tiền, vấn tin mà người dân còn có thể sử dụng đa dạng các tiện ích như: thanh toán hóa đơn, thương mại điện tử, mua vé xem phim, vé máy bay, tour du lịch…  Ngược lại, người dân cũng có thể sử dụng gián tiếp các dịch vụ ngân hàng thông qua các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ khác như mua trả góp, mua trước - trả sau…

Nhiều ý kiến cho rằng các dịch vụ về ngân hàng số cần được đẩy mạnh triển khai không chỉ ở các đô thị lớn, khu vực đông dân cư mà còn cần hướng tới các địa phương vùng xa, vùng nông thôn, qua đó tạo điều kiện cho người dân ở những khu vực này, nhất là các nơi không có chi nhánh ngân hàng được tiếp cận, sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt.

Chia sẻ tại hội thảo Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt, Phó tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Đăng Hùng cho hay, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, NAPAS sẽ tiếp tục hoàn thiện các hạ tầng thanh toán, phối hợp với các ngân hàng thương mại, công ty tài chính tiêu dùng khuyến khích người dùng, nhất là những khách hàng, người dùng ở khu vực nông thôn sử dụng thẻ thanh toán nội địa, đặc biệt là giải pháp thẻ tín dụng nội địa. Hơn thế nữa, trong bối cảnh hiện nay, chiếc điện thoại thông minh chính là chất xúc tác để đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, quá trình chuyển đổi số ở cả khu vực thành thị lẫn ở nông thôn…

Theo Thống đốc NHNN Việt Nam NGUYỄN THỊ HỒNG, đến nay tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hằng năm đạt hơn 90%; nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...; gần 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán; khoảng 1,1 triệu tài khoản mobile money đã được mở, khoảng 60% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Hải Quân

Tin xem nhiều