Trong thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị và địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về các khu công nghiệp, nhà máy; tổ chức các phiên chợ công nhân, các chuyến hàng bình ổn giá, xây dựng các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam tại các địa phương vùng xa trong tỉnh...
Trong thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị và địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về các khu công nghiệp, nhà máy; tổ chức các phiên chợ công nhân, các chuyến hàng bình ổn giá, xây dựng các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam tại các địa phương vùng xa trong tỉnh...
Một điểm bán hàng bình ổn giá lưu động tại xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ) được triển khai vào thời điểm giáp Tết Tân Sửu 2021. Ảnh: L.Phương |
* Nhiều chương trình được triển khai
Theo Sở Công thương, dịp Tết Tân Sửu vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 67 điểm bán hàng bình ổn giá (trong đó có 8 đơn vị vay vốn với tổng số tiền cho vay là 3,4 tỷ đồng) với 16 điểm bán hàng bình ổn giá, 51 điểm bán hàng bình ổn bằng vốn tự có của doanh nghiệp. Trong đó, có nhiều điểm bán hàng bình ổn giá tại các chợ ở những khu vực vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.
Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đã phê duyệt cho 6 HTX tổ chức các chuyến bán hàng lưu động với tổng số tiền hỗ trợ chi phí vận chuyển, nhân công và bao bì hơn 325 triệu đồng để triển khai 132 chuyến hàng đến những địa phương vùng xa của các huyện: Tân Phú, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và Trảng Bom. Thời gian tổ chức các chuyến hàng lưu động từ ngày 21-12-2020 đến 7-2-2021 (tức từ ngày 8-11 đến 26-12 âm lịch).
Ông Nguyễn Danh Thịnh, Giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ Phương Lâm, Trưởng ban quản lý chợ Phương Lâm cho biết, trong dịp Tết vừa qua, HTX đã bố trí 1 điểm bán hàng bình ổn giá tại chợ Phương Lâm và 20 chuyến hàng lưu động về các xã vùng xa của H.Tân Phú như: Đắc Lua, Nam Cát Tiên, Phú An, Tà Lài… Đây là những hoạt động kết nối hàng Việt, góp phần giúp người dân ở các địa phương vùng xa có thể mua sắm các mặt hàng thiết yếu, sản phẩm Việt, hàng hóa Tết với giá bình ổn.
Tương tự, chị Phan Thị Kiều, nhân viên bán hàng tại một điểm bán hàng bình ổn giá lưu động ở xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ) của HTX Dịch vụ thương mại nông nghiệp Quyết Tiến (H.Cẩm Mỹ) vào dịp Tết chia sẻ, điểm bán hàng lưu động với giá bình ổn được khá đông người dân, nông dân ở địa phương đến mua sắm vào dịp Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu như: dầu ăn, bột ngọt, đường, nước tương…
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công thương), trong năm 2020 vừa qua, đơn vị đã tổ chức 6 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại các huyện: Trảng Bom, Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và Long Thành. Ngoài ra, còn tổ chức nhiều phiên chợ công nhân, chuyến hàng Việt về các nhà máy, khu công nghiệp để phục vụ nhu cầu của công nhân, người lao động trong tỉnh vào dịp cuối năm.
Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn cũng như phiên chợ công nhân, chuyến hàng về các khu công nghiệp nằm trong hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá hàng Việt, đồng thời cung cấp các sản phẩm có thương hiệu đến tay người tiêu dùng ở các địa phương trong tỉnh...
Bên cạnh đó, đơn vị còn khai trương và đưa vào hoạt động thêm 5 điểm bán hàng Việt với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam tại 4 huyện: Tân Phú, Cẩm Mỹ, Long Thành, Trảng Bom. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 23 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam.
* Kết nối hàng Việt trong tình hình mới
Trong năm 2021, các chương trình kết nối cung cầu, giới thiệu, quảng bá các mô hình cung ứng hàng Việt cho người dân tại khu vực nông thôn, các địa phương vùng sâu, vùng xa... cần được chủ động triển khai một cách phù hợp, hiệu quả, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến khó lường.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Công thương năm 2021, bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai chia sẻ, trước những ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 với nhiều diễn biến phức tạp, trong năm 2021, trung tâm sẽ triển khai các hoạt động kết nối hàng Việt, xúc tiến thương mại trong điều kiện, trạng thái “bình thường mới” với các nội dung, chương trình, cách thức phù hợp.
Theo đó, đối với hoạt động xúc tiến thương mại chuyên đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong năm nay, trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị và địa phương liên quan dự kiến tổ chức 30 chuyến hàng Việt về các khu công nghiệp và nhà máy phục vụ công nhân, người lao động. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức 2 phiên chợ công nhân và 6 phiên chợ hàng Việt về nông thôn trong năm nay. Trung tâm cũng dự kiến triển khai xây dựng 6 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam trên địa bàn các địa phương trong tỉnh.
Cũng tại hội nghị này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu Sở Công thương cần tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ bình ổn thị trường trong nước, nhất là kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu năm 2020-2021; tham mưu, đề xuất đơn vị quản lý hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh đảm bảo hiệu quả.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện dự án đầu tư chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, triển khai xây dựng các điểm bán hàng Việt… Đặc biệt, cần chủ động nghiên cứu, đổi mới hình thức, nội dung xúc tiến thương mại, mở rộng đối tượng doanh nghiệp tham gia, đảm bảo phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19.
Lam Phương