Báo Đồng Nai điện tử
En

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần chính sách đặc thù

09:07, 16/07/2020

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí, vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Đây cũng là khu vực có nguồn thu lớn nhất điều tiết về Trung ương để giải quyết những vấn đề chung của cả nước.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí, vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Đây cũng là khu vực có nguồn thu lớn nhất điều tiết về Trung ương để giải quyết những vấn đề chung của cả nước. Tuy nhiên, Nhà nước đầu tư lại cho vùng chưa tương xứng để bồi dưỡng nguồn thu và giải quyết những khó khăn do dân số tăng cơ học cao. Điều này dẫn đến các địa phương trong vùng đều gặp khó khăn về đầu tư cơ sở hạ tầng  đồng bộ, hiện đại và giải quyết an sinh xã hội...

Từ năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Tổ Điều phối phát triển gắn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trên 5 lĩnh vực là: giao thông; tiêu thụ sản phẩm; bảo vệ môi trường; thực hiện quy hoạch vùng; xây dựng cơ sở dữ liệu chung các ngành kinh tế, lĩnh vực xã hội của vùng. Thế nhưng trong quá trình hoạt động, Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gặp nhiều khó khăn như: thiếu ngân sách thực hiện các dự án mang tính chất liên vùng và các hoạt động toàn vùng. Ngân sách thực hiện các dự án được quản lý và điều phối ở quy mô cấp vùng chưa có. Cơ chế, chính sách đặc thù về ngân sách, ưu đãi đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư cho cả vùng còn thiếu.

Quyết định 2360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22-12-2015 về quy chế tổ chức hoạt động và phối hợp của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020 vẫn còn khá chung chung, chưa cụ thể hóa được phương án phối hợp giữa các địa phương. Các quy định về cơ chế điều phối và đảm bảo thực thi công việc điều phối chưa mang lại nhiều hiệu quả cả về ngân sách lẫn vấn đề tổ chức bộ máy và trách nhiệm. Các cơ quan thực hiện điều phối chủ yếu được giao nhiệm vụ phối hợp hơn là làm nhiệm vụ điều phối, vì không được trao quyền và nguồn lực cần thiết để thực thi chức năng của mình.

Về cơ chế phối hợp liên vùng, hiện chưa có quy định về vai trò chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cả vùng. Tuy Trưởng ban Chỉ đạo vùng là Phó thủ tướng Chính phủ nhưng nhiều nội dung vướng mắc của vùng như: cơ chế vốn đầu tư, mối quan hệ phối hợp giữa các tỉnh, thành trong vùng để triển khai quy hoạch vượt quá thẩm quyền của Phó thủ tướng, vì các nội dung trên thực hiện theo các luật liên quan. Hiện Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa có quy định hữu hiệu trong việc đảm bảo kết nối cơ sở dữ liệu chung của vùng gây khó khăn cho quy hoạch vùng.

Để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã đề xuất Chính phủ trong quá trình lập quy hoạch vùng cần nghiên cứu ban hành đồng bộ cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng để cụ thể hóa việc phát triển vùng. Trong đó, tập trung vào quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng, định hướng lĩnh vực ưu tiên phát triển từng địa phương để tránh tình trạng địa phương tự làm, đầu tư dàn trải gây ảnh hưởng đến hiệu quả chung trong phát triển vùng. Điều chỉnh nhanh các vướng mắc của hệ thống pháp luật giữa Luật Đầu tư với Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Khoáng sản... Tháo gỡ được những vướng mắc về chính sách, các doanh nghiệp, nhà đầu tư ổn định sản xuất, kinh doanh sẽ đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước.

Hương Giang

Tin xem nhiều