Nguyên nhân của kiến nghị này là do áp dụng bảng giá đất mới cộng với phần diện tích phát sinh nên kinh phí thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã vượt so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Nguyên nhân của kiến nghị này là do áp dụng bảng giá đất mới cộng với phần diện tích phát sinh nên kinh phí thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã vượt so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khi xây dựng hoàn thành sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông trên quốc lộ 1 Trong ảnh: Các phương tiện giao thông lưu thông trên quốc lộ 1, đoạn qua H.Xuân Lộc. Ảnh: P.TÙNG |
* Gấp rút giải phóng mặt bằng
Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông có chiều dài khoảng 99km. Trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 51,5km đi qua địa bàn các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP.Long Khánh. Để thực hiện dự án, Đồng Nai phải thu hồi diện tích đất khoảng 412ha.
Tại Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 1-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án chuyển đổi 3 tuyến từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công gồm: đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo do không thu hút được nhà đầu tư, tuyến dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 nối vào TP.Hà Nội và dự án Phan Thiết - Dầu Giây nối vào TP.HCM do có lưu lượng xe lớn và có ý nghĩa quan trọng. |
Ông Nguyễn Hồng Quế, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN-MT) cho biết, hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án tại các địa phương gồm Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP.Long Khánh đã cơ bản hoàn thành.
Riêng H.Xuân Lộc là địa phương có diện tích đất cần thu hồi lớn nhất với hơn 274ha. Hiện nay, H.Xuân Lộc đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ trong đợt 1 cho 325/522 trường hợp với tổng số tiền đã thực hiện chi trả là hơn 400 tỷ đồng. Với số tiền gần 300 tỷ đồng còn lại, địa phương cũng đang thực hiện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ để tiến hành chi trả cho người dân.
Đối với đợt 2, H.Xuân Lộc sẽ tiếp tục thực hiện thu hồi đất của 342 hộ gia đình và 10 tổ chức với diện tích hơn 116ha. Tổng kinh phí để thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân trong đợt 2 là hơn 769 tỷ đồng. Hiện nay, UBND tỉnh đã có kiến nghị Bộ GT-VT sớm chấp thuận phương án bồi thường đợt 2 trên địa bàn H.Xuân Lộc để địa phương sớm thực hiện chi trả cho người dân.
Đối với công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện, cấp nước, viễn thông) hiện cũng đang được các địa phương gấp rút triển khai. Tại TP.Long Khánh, UBND thành phố đã chỉ đạo lập hồ sơ trình các sở, ngành liên quan để di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Trong khi đó, tại H.Cẩm Mỹ đến nay đã hoàn thành lập dự toán di dời hệ thống điện trung thế, hệ thống viễn thông. Riêng đối với hệ thống điện cao thế, hiện nay đơn vị tư vấn đang lập hồ sơ báo cáo kỹ thuật. Tương tự, tại H.Xuân Lộc hiện nay cũng đang thực hiện khảo sát, tổng hợp danh mục, dự toán thực hiện di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Vào giữa tháng 5 vừa qua, tại cuộc làm việc với UBND tỉnh, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, Bộ GT-VT sẽ gấp rút xử lý các vấn đề về vốn để phấn đấu cuối quý III-2020 sẽ khởi công xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
* Chi phí giải phóng mặt bằng tăng gần 1,3 ngàn tỷ đồng
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn qua tỉnh Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vào tháng 7-2018. Đến tháng 10-2018, dự án được Bộ GT-VT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.
Theo khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, tổng mức đầu tư cho công tác giải phóng mặt bằng của dự án đoạn qua tỉnh Đồng Nai là hơn 1,4 ngàn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở TN-MT cho biết, trong năm 2019, nguồn kinh phí đã bố trí phục vụ cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án trên địa bàn tỉnh là hơn 545 tỷ đồng.
Đối với năm 2020, nguồn kinh phí phục vụ cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án theo báo cáo của các địa phương là hơn 2,1 ngàn tỷ đồng. Cụ thể, H.Xuân Lộc cần hơn 2 ngàn tỷ đồng, H.Cẩm Mỹ cần hơn 73 tỷ đồng, H.Thống Nhất cần khoảng 44 tỷ đồng và TP.Long Khánh cần hơn 8 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến nay, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua tỉnh Đồng Nai (năm 2019, 2020) là gần 2,7 ngàn tỷ đồng. Con số này đã vượt gần 1,3 ngàn tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt.
Theo Sở TN-MT, nguyên nhân kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án tăng so với tổng mức đầu tư ban đầu là do giá đất cụ thể để tính toán bồi thường cho các hộ dân có đất bị thu hồi tại địa bàn H.Xuân Lộc được áp dụng theo giá đất cụ thể năm 2020. Kéo theo đó, giá đất để hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cũng áp dụng bảng giá đất năm 2020. Ngoài ra, tại khu vực lõi nút giao tại xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc cũng phát sinh phần diện tích ngoài phạm vi thu hồi của dự án nên phải thực hiện bồi thường cho phần diện tích này.
Bên cạnh đó, một số trường hợp tại các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và TP.Long Khánh, người dân có một phần đất thuộc phạm vi dự án bị thu hồi nhưng có đề nghị thu hồi, bồi thường, hỗ trợ luôn cả phần diện tích đất còn lại nằm ngoài phạm vi thu hồi nhưng không thể tiếp tục sử dụng (bao gồm phần tài sản trên đất như nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng, tài sản khác...). Do đó, Hội đồng Bồi thường dự án phải tính toán, bổ sung cho phần diện tích nằm ngoài phạm vi thu hồi và bổ sung các chính sách hỗ trợ dẫn đến tăng kinh phí bồi thường, hỗ trợ của dự án.
Từ thực tế trên, Sở TN-MT đã đề nghị UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án) khẩn trương tổng hợp, báo cáo Bộ GT-VT xem xét, điều chỉnh lại tổng mức đầu tư dự án và sớm bố trí nguồn vốn năm 2020 phục vụ cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.
Phạm Tùng