Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17-9-2018 về một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17-9-2018 về một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam.
Đây được xem là động thái mạnh mẽ của Chính phủ sau một thời gian số lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến. Rất nhiều lô hàng phế liệu đã liên tục nhập về Việt Nam từ đầu năm 2018 đến nay. Mới đây nhất, Tổng cục Hải quan cho biết, sắt thép phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam trong 8 tháng của năm 2018 tăng mạnh với mức tăng 20,7% về lượng và tăng 50,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Một số quốc gia xuất khẩu phế liệu sang Việt Nam tăng phi mã, chẳng hạn sắt thép phế liệu nhập khẩu từ thị trường Hà Lan trong 8 tháng qua đã tăng gấp 403 lần về lượng và tăng gấp 602 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2017... Các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hong Kong, Hoa Kỳ, Nhật Bản... cũng tăng mạnh về số lượng xuất khẩu phế liệu sang Việt Nam (nguồn: Tổng cục Hải quan).
Nguyên nhân khiến Việt Nam đột nhiên trở thành “bãi đáp” của phế liệu thế giới được cho là do ảnh hưởng từ việc Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu. Điều này dẫn đến hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng mạnh, có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống. Vừa qua, Bộ Công an đã phải vào cuộc điều tra một số lô hàng phế liệu nhập khẩu không đảm bảo các tiêu chí về môi trường liên tục cập cảng khiến dư luận bức xúc. Chưa kể, nhiều lô hàng hiện đang tồn đọng tại các cảng biển của Việt Nam mà chưa có hướng giải quyết. Nếu không sớm có biện pháp, khả năng thời gian tới phế liệu sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam với tốc độ nhanh và số lượng nhiều một cách khó kiểm soát.
Chính vì vậy, Chỉ thị 27 ban hành kịp thời với những nội dung quan trọng để hạn chế và kiểm soát tốt các lô hàng phế liệu nhập khẩu về Việt Nam, để tránh biến Việt Nam thành bãi rác của thế giới trong tương lai. Theo đó, từ ngày 1-10-2018, không cho phép nhập khẩu phế liệu thông qua các cửa khẩu bằng đường bộ và đường sắt vào Việt Nam; không cấp mới giấy xác nhận, không gia hạn giấy xác nhận đối với đơn vị nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu.
Chính phủ cũng chỉ đạo các ngành liên quan không cấp phép cho các cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại nguyên liệu; không cho phép hoạt động đối với các làng nghề tái chế gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, sẽ điều chỉnh danh mục phế liệu được phép nhập khẩu, theo hướng không cho phép nhập khẩu các loại phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, những loại phế liệu trong nước đang sẵn có nguồn nguyên liệu, phế liệu. Chỉ thị cũng nêu rõ, sẽ tiến hành áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam; kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật (nguồn: trang web Chính phủ).
Hy vọng rằng với động thái này, sắp tới đây tình hình nhập khẩu phế liệu về Việt Nam sẽ được kiểm soát tốt hơn về mọi mặt để tránh nguy cơ “rác” của thế giới tuồn về Việt Nam một cách không kiểm soát nổi như thời gian qua.
Vi Lâm