Đồng Nai được đánh giá là tỉnh khá "chảnh" trong thu hút đầu tư, vì những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đều bị từ chối. Nhưng năm 2016, các doanh nghiệp đến thuê đất làm công nghiệp tăng cao...
Đồng Nai được đánh giá là tỉnh khá “chảnh” trong thu hút đầu tư, vì những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đều bị từ chối. Nhưng năm 2016, các doanh nghiệp (DN) đến Đồng Nai thuê đất trong khu công nghiệp để làm nhà xưởng sản xuất tăng hơn 2,3 lần so với kế hoạch.
Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 là nơi thu hút nhiều doanh nghiệp thuê đất, nhà xưởng để sản xuất. Ảnh: H.GIANG |
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, kế hoạch năm 2016 các khu công nghiệp sẽ cho các nhà đầu tư thuê khoảng 100 hécta, song kết quả diện tích đất cho thuê gần 233 hécta, gấp hơn 2,3 lần so với kế hoạch. Những khu công nghiệp thu hút nhiều nhà đầu tư đến thuê đất là: Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, Nhơn Trạch 6A (huyện Nhơn Trạch), Giang Điền (huyện Trảng Bom), Dầu Giây (huyện Thống Nhất) và Long Khánh (TX.Long Khánh).
“Chảnh” vẫn hút nhà đầu tư
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, thà thu hút dự án có vốn đầu tư 1 triệu USD mà đóng thuế mỗi năm 400 ngàn USD còn hơn thu hút dự án 10 triệu USD mà mỗi năm chỉ đóng thuế 200 ngàn USD. |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng đánh giá Đồng Nai là cái nôi phát triển công nghiệp sớm nhất của cả nước, các khu công nghiệp của tỉnh được đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh. Tỉnh là điểm đến đầu tư được nhiều DN trong và ngoài nước lựa chọn. Với vị trí địa lý, khí hậu thuận lợi, lại là tỉnh cửa ngõ về giao thông, sát với TP.Hồ Chí Minh thì Đồng Nai được nhiều nhà đầu tư để mắt đến là việc đương nhiên. Những năm gần đây, DN trong và ngoài nước đến thuê đất làm nhà xưởng sản xuất tăng cao. Để thuận lợi cho DN trong việc liên kết sản xuất, cung ứng sản phẩm cho nhau, tỉnh hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành và nhiều chính sách ưu đãi mời gọi DN trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Ông Nguyễn Thành Đạt, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A, cho hay: “Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A có diện tích 219 hécta và mới hoàn thành hạ tầng, đang cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất để sản xuất. Đây là khu chuyên về dệt may. Trong năm 2016, diện tích đất cho thuê khoảng 40 hécta, hầu hết là DN đến từ Hàn Quốc. Số DN đến tìm hiểu dự tính đầu tư rất đông nên gần 180 hécta còn lại khả năng cuối năm 2018 sẽ cho thuê hết”. Sau khi lấp đầy 100% giai đoạn 1 của Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, chủ đầu tư hạ tầng là Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa đã tiếp tục mở rộng giai đoạn 2. Ngoài việc cho thuê đất tại đây, Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa còn làm nhà xưởng với nhiều diện tích khác nhau để cho các DN vừa và nhỏ đến thuê. “Trong năm, các khu công nghiệp tại Đồng Nai do Tín Nghĩa đầu tư hạ tầng đã cho 38 DN thuê đất với hơn 118 hécta. Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 là nơi thu hút nhiều nhà đầu tư đến thuê đất, nhà xưởng nhất” - đại diện của Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa chia sẻ.
Chọn lọc kỹ
Trong buổi làm việc với các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã nhấn mạnh: “Trong giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ không quy hoạch phát triển thêm khu công nghiệp nên các công ty hạ tầng còn đất cho thuê phải chú ý chọn lựa các dự án thân thiện với môi trường, trả lương cao cho người lao động và đóng góp thuế nhiều cho Nhà nước”. |
Đến cuối năm 2016, Đồng Nai có 32 khu công nghiệp được thành lập, dẫn đầu các tỉnh, thành trong cả nước về số khu công nghiệp. Khoảng 4 năm trở lại đây, thu hút đầu tư của tỉnh được chọn lọc kỹ và khắt khe, những dự án gây ô nhiễm nặng đều bị từ chối. Việc này đã làm giảm bớt các DN nước ngoài đến tỉnh, song không phải vì thế mà Đồng Nai kém hấp dẫn nhà đầu tư.
“Trong năm, Khu công nghiệp Giang Điền cho các DN thuê khoảng 30 hécta để sản xuất. Quá trình xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư rất kỹ, trong sản xuất các linh kiện máy chỉ cần một công đoạn liên quan đến xi mạ cũng bị loại. Điều này làm chậm lại việc thu hút đầu tư của các khu công nghiệp” - ông Phan Đình Thám, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần phát triển khu công nghiệp, nói. Tuy nhiên, ông Thám cũng chia sẻ thêm, với hạ tầng khu công nghiệp tốt lại được kết nối với các đường giao thông lớn thì khả năng chỉ trong 3 năm tới, Khu công nghiệp Giang Điền có diện tích 529 hécta sẽ được lấp đầy. Theo ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Khu công nghiệp Long Khánh, 2 năm trở lại đây DN đến Khu công nghiệp Long Khánh cho thuê đất đông nên đã gần lấp đầy, diện tích cho thuê chỉ còn khoảng 30 hécta. Khu công nghiệp có diện tích 264 hécta và hiện đang đề xuất tỉnh cho mở rộng khu công nghiệp thêm 365 hécta.
Tới đây, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và một số đường cao tốc được xây dựng, Đồng Nai sẽ tiếp tục là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Diện tích đất cho thuê trong các khu công nghiệp ngày càng giảm nên công ty hạ tầng nên chọn những dự án đem lại hiệu quả cao, tránh chạy theo kiểu chỉ chú ý đến thu hút vốn đầu tư lớn, nhanh lấp đầy còn thuế đóng cho Nhà nước rất thấp.
Hương Giang