Sau hơn 41 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đồng Nai đã phát huy tiềm năng, lợi thế để xây dựng thành trung tâm công nghiệp năng động, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sau hơn 41 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đồng Nai đã phát huy tiềm năng, lợi thế để xây dựng thành trung tâm công nghiệp năng động, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đó là sự gắn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có sự góp sức to lớn của cán bộ, nhân viên ngành công thương Đồng Nai qua các thời kỳ.
Bộ Công thương tặng cờ thi đua đơn vị xuất sắc năm 2015 cho Sở Công thương Đồng Nai. |
Tháng 3-1976, Ty Thương nghiệp và Ty Công nghiệp Đồng Nai được thành lập để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của nền kinh tế kế hoạch tập trung, bảo đảm sản xuất ra của cải vật chất và phân phối hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Đây là tiền đề hình thành Sở Công thương hiện nay với chức năng quản lý Nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với quá trình đổi mới và hội nhập sâu cùng thế giới.
* Đi trước một bước
Hơn 41 năm trước, Đồng Nai là tỉnh nông nghiệp lạc hậu, mặc dù cố gắng thực hiện công nghiệp hóa nhưng suốt giai đoạn 1976-1985, tỉnh chỉ phát triển được 115 xí nghiệp quốc doanh và 2.101 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Từ năm 1986 đến nay, thực hiện chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đã đi trước một bước, tạo ra những đột phá và trở thành một trong những địa phương dẫn đầu trong cả nước về phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Nếu như năm 1976, Đồng Nai chỉ có 1 khu công nghiệp (KCN) thì nay tỉnh đã có 35 KCN được quy hoạch với tổng diện tích trên 12 ngàn hécta. Trong đó, có 31 khu đã đi vào hoạt động thu hút 1.586 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký 28,4 tỷ USD và 310 dự án trong nước có tổng vốn 31,6 ngàn tỷ đồng. Đến nay, các tập đoàn lớn trên thế giới đều có mặt tại tỉnh, như: Mabuchi Motor, Hyosung, Pouchen, CP, Amata, Fujitsu, Ajinomoto, Zamil Steel, Shell, Syngenta, Vision...
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết: “So với các tỉnh thành, Đồng Nai tham gia vào hội nhập sâu khá nhanh. Tỉnh đã chủ động tổ chức sớm các hội thảo giới thiệu cho doanh nghiệp nắm rõ những cơ hội, thách thức khi tham gia các FTA thế hệ mới để doanh nghiệp hiểu quy định về xuất xứ nguyên liệu, hàng hóa hưởng ưu đãi về thuế”. |
Các KCN đã tạo ra sản lượng hàng hóa rất lớn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tổng doanh thu của các KCN trong giai đoạn 1995-2000 đạt trên 5,6 tỷ USD, giai đoạn 2006-2010 đã tăng lên 43,4 tỷ USD. Các KCN cũng đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước: năm 1997 khoảng 21 triệu USD, năm 2005 tăng lên 235 triệu USD và năm 2015 hơn 630 triệu USD. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét: “Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp bài bản, hệ thống hạ tầng KCN hoàn chỉnh và chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp nên thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài”. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, Đồng Nai tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài phát triển, mở rộng sản xuất, khi doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc có thể phản ánh trực tiếp với lãnh đạo tỉnh để kịp thời tháo gỡ.
* Tốp đầu về xuất khẩu
Từ tỉnh nông nghiệp, sau 30 năm đổi mới Đồng Nai vươn lên nằm trong tốp đầu cả nước về xuất khẩu. Năm 1997, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 469 triệu USD, năm 2005 đã tăng lên 2,3 tỷ USD và năm 2015 là 14,4 tỷ USD. Sản phẩm hàng hóa của Đồng Nai đã xuất đi thị trường 140 nước trên thế giới, những thị trường xuất khẩu lớn của Đồng Nai là: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, ASEAN. Từ một tỉnh nhập siêu, 2 năm nay Đồng Nai trở thành tỉnh xuất siêu lớn.
Khi Việt Nam tham gia vào hội nhập sâu, Đồng Nai là tỉnh luôn có sự chủ động như: tổ chức đưa các doanh nghiệp của tỉnh đi, xúc tiến thương mại tại các nước, tổ chức các hội thảo giao thương với doanh nghiệp nước ngoài tạo cơ hội liên kết... Tổ chức các hội thảo giới thiệu về các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới Việt Nam đã ký kết hoặc sắp ký kết để doanh nghiệp trong tỉnh biết có sự chuẩn bị trước, tận dụng lợi thế do FTA mang lại. Các yếu tố trên đã góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai năm 2015 vươn lên xếp thứ 5 trong cả nước.
Uyển Nhi