Báo Đồng Nai điện tử
En

Chính thức vào sân chơi EU

09:12, 08/12/2015

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đàm phán xong là mong đợi lớn của doanh nghiệp Việt Nam. Với Đồng Nai, châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn. Khi hiệp định ký kết, theo lộ trình 99% dòng thuế giảm dần về 0% sẽ giúp doanh nghiệp có thể tăng xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu để hưởng các ưu đãi.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đàm phán xong là mong đợi lớn của doanh nghiệp Việt Nam. Với Đồng Nai, châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn. Khi hiệp định ký kết, theo lộ trình 99% dòng thuế giảm dần về 0% sẽ giúp doanh nghiệp có thể tăng xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu để hưởng các ưu đãi.

Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa).
Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa).

Ngày 2-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker đã ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán EVFTA. Sau gần 3 năm đàm phán EVFTA đã được ký kết, làm thủ tục phê chuẩn hiệp định và đi vào thực thi cam kết. Dự tính, hiệp định có thể có hiệu lực từ đầu năm 2018.

* Sẽ tăng xuất khẩu

Theo Ban Quản lý dự án EU-MUTRAP, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này sẽ tăng mạnh. Dự tính vào năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 50% và năm 2025 là 93%. Trong đó, tăng mạnh nhất là mặt hàng: dệt may, giày dép, gỗ, sản phẩm từ gỗ. EU hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của cả nước cũng như Đồng Nai, chỉ sau Hoa Kỳ.

PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Trường đại học ngoại thương, cho biết: “Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường EU trong 15 năm qua đã tăng gần 9 lần, từ 4,1 tỷ USD (năm 2000) lên 36,8 tỷ USD (năm 2014). Từ năm 2012, EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Thuế suất trung bình cho hàng Việt Nam vào EU khoảng 7% kim ngạch xuất khẩu. Khi EVFTA hiệu lực, thuế về 0%, chắc chắn xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh”. EU là thị trường xuất siêu lớn của Việt Nam. Hiện nay, mặt hàng Việt Nam đang xuất khẩu nhiều vào EU là: dệt may, giày dép, điện thoại, linh kiện điện tử, máy tính, nông sản, thủy sản và sản phẩm gỗ. Nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều từ thị trường EU là: máy móc thiết bị, dụng cụ, dược phẩm, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, giày da.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai (TP. Biên Hòa) nhận định: “Công ty xuất hàng may mặc vào thị trường EU. Vì vậy, chúng tôi rất mong EVFTA sớm có hiệu lực để thuế giảm, hàng Việt Nam sẽ tăng sức cạnh tranh so với hàng hóa của những nước khác. Như vậy, công ty có thể mở rộng xuất khẩu vào thị trường này”.

Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long, xã Long An (huyện Long Thành) cho hay: “Công ty chuyên sản xuất dây thun, găng tay và đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. EU là thị trường công ty đang nhắm tới và đang tìm đối tác để mở rộng xuất khẩu vào thị trường này để hưởng các ưu đãi về thuế quan”

* Mở rộng thị trường

Thị trường EU gồm 28 nước, song doanh nghiệp Đồng Nai chỉ tập trung vào 5 đối tác lớn là: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan và Đan Mạch, chiếm hơn 65% tổng kim ngạch thương mại giữa hai khu vực. Vì thế, EVFTA sẽ là dịp để các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường giao thương với những quốc gia khác trong khối EU. Nhóm hàng Đồng Nai xuất khẩu vào EU nhiều là: giày dép, túi xách, hàng dệt may, sản phẩm gỗ... Còn các mặt hàng Đồng Nai nhập khẩu nhiều từ EU là: máy móc thiết bị, phụ tùng, dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may.

Theo Bộ Công thương, EVFTA có 15 nội dung chính là thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế.

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cố vấn đoàn đàm phán Chính phủ, EVFTA linh hoạt và không đòi hỏi gắt gao như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với may mặc xuất khẩu vào EU, chỉ cần đảm bảo 2 nguyên tắc là xuất xứ vải và chất lượng sản phẩm. Sau khi ký kết hiệp định, nếu bên nào vi phạm nguyên tắc chỉ thông báo để điều chỉnh chứ không xử lý”. Cũng theo ông Tuyển, muốn tận dụng các ưu đãi từ hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp Đồng Nai nên chủ động nguồn nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước trong khối EU. Và doanh nghiệp nên mở rộng thị trường xuất nhập khẩu ra nhiều quốc gia khác trong EU. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, chia sẻ: “EVFTA có hiệu lực thuế mặt hàng giày dép giảm dần về 0%. Đây là cơ hội doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, để hưởng các ưu đãi doanh nghiệp tìm nguồn nguyên liệu trong nước hoặc các nước trong khối EU”. Ngoài mở rộng thị trường xuất khẩu vào EU, đây là cơ hội để mời gọi đầu tư từ các nước EU vào Việt Nam. “Để đón đầu EVFTA, thời gian qua Sở Công thương đã tổ chức hội thảo để cung cấp trước thông tin cho các doanh nghiệp về thị trường EU. Qua đó, doanh nghiệp nắm được những thuận lợi, khó khăn khi Việt Nam chính thức ký kết Hiệp định để có chuẩn bị từ trước sẽ khai thác nhiều lợi thế hơn” - ông Dương Minh Dũng, Phó giám đốc Sở Công thương nói.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích