Hơn 2 tháng nay, các trang trại trong vùng quy hoạch khuyến khích chăn nuôi của xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) đứng ngồi không yên vì bãi rác chuyển về sát bên. Hàng ngày rác bốc mùi hôi thối làm heo, gà bị ảnh hưởng nặng nề, gây thiệt hại lớn cho các trại chăn nuôi.
Hơn 2 tháng nay, các trang trại trong vùng quy hoạch khuyến khích chăn nuôi của xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) đứng ngồi không yên vì bãi rác chuyển về sát bên. Hàng ngày rác bốc mùi hôi thối làm heo, gà bị ảnh hưởng nặng nề, gây thiệt hại lớn cho các trại chăn nuôi.
Bãi rác Vĩnh Tân bốc mùi hôi thối nồng nặc vì rác đưa về được đổ ngay xuống hố. |
Theo UBND xã Cây Gáo, khu quy hoạch khuyến khích phát triển chăn nuôi của xã nằm ngay sát Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân ở xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu). Hơn 2 tháng nay, rác từ Vĩnh Cửu đưa về chôn lấp trong các hố gần sát khu chăn nuôi, xung quanh không có che chắn khiến nhiều chủ trang trại rất bức xúc. Một số chủ trang trại chăn nuôi phải bán đổ bán tháo đàn gà, tạm thời đóng cửa trại. Nhiều trại đã mua đất trong vùng này chuẩn bị xây dựng trại để di dời theo yêu cầu của tỉnh, tạm thời phải ngưng vì sợ ô nhiễm.
* Mất tiền tỷ vì bãi rác
Khu khuyến khích phát triển chăn nuôi của xã Cây Gáo nằm trên địa bàn ấp Tân Lập 2, rộng khoảng 200 hécta được tỉnh phê duyệt ngày 23-12-2010. Trong khu hiện có trên 40 trại heo, gà, tổng đàn gà trên 200 ngàn con và đàn heo hơn 2 ngàn con nên khi bãi rác tiến hành chôn lấp, gây thiệt hại cho các trại gần đó khiến các chủ trang trại trong khu vực này đều lo lắng.
Tại cuộc họp ngày 12-11-2015 về phân loại rác tại nguồn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chỉ đạo xem xét lại tình trạng xử lý rác sinh hoạt ở bãi rác Vĩnh Tân, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan có giải pháp xử lý kịp thời, tránh gây ô nhiễm môi trường làm thiệt hại cho người chăn nuôi gần khu vực này. |
Bà Bùi Thị Tuyết Lan, ấp Tân Lập 2, xã Cây Gáo, cho hay: “Tôi có 9 trại gà đẻ với tổng đàn 55 ngàn con, đang chăn nuôi thuận lợi thì bãi rác chuyển về đây chôn lấp, mùi hôi rác bốc lên nồng nặc khiến đàn gà bị bệnh, tốn rất nhiều tiền thuốc để chữa trị nhưng vẫn không được. Tôi đã phải bán tống bán tháo đàn gà đang đẻ trứng để vớt vát chút nào hay chút đó và bỏ trại không nửa tháng nay không dám nuôi lại”.
Theo tính toán của bà Lan, ước thiệt hại bà phải gánh chịu do ô nhiễm từ bãi rác Vĩnh Tân lên đến trên 3 tỷ đồng. Và số thiệt hại này sẽ còn gia tăng do trang trại phải bỏ trống, chưa biết khi nào mới nuôi lại được, nguy cơ trắng tay rất dễ xảy ra.
Ông Nguyễn Thanh Phi Long, chủ trang trại gà thịt gần bãi rác, nói: “Trại của tôi nuôi khoảng 60 ngàn con gà thịt. Đây là một trong số ít trại được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2012 còn duy trì được đến nay. Song mới đây bãi rác chuyển về, mùi hôi bốc lên nồng nặc mỗi ngày làm đàn gà chậm lớn, nguy cơ không đạt được chứng nhận VietGAP trong lần tái chứng nhận tới”. Trang trại ông Long đầu tư khoảng 10 tỷ đồng đang có nguy cơ phải “treo” chuồng nếu bãi rác không được xử lý sớm.
* Lỗi do quy hoạch?
Vùng khuyến khích chăn nuôi của xã Cây Gáo nhiều năm nay không để xảy ra dịch bệnh, trong đó có nhiều trại được Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn công nhận chăn nuôi an toàn trong nhiều năm. Tỉnh đang hướng dẫn thực hiện thêm một số yêu cầu để đạt và xin cấp chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh. Có được chứng nhận trên, các trang trại rất thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm, thế nhưng bãi rác chuyển về đem theo mùi hôi thối kèm ruồi muỗi, mầm bệnh vùng này rất khó đạt tiêu chuẩn vùng an toàn dịch.
“Nếu môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm, vùng này sẽ khó được công nhận an toàn dịch bệnh. Vì trong quy định, để được chứng nhận an toàn dịch bệnh đòi hỏi rất gắt gao tiêu chí về môi trường” - ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết.
Theo ông Trần Văn Tươi, Phó chủ tịch UBND xã Cây Gáo, xã là vùng chăn nuôi lớn nhất huyện Trảng Bom. Trên địa bàn xã hiện có hơn 250 trang trại chăn nuôi, riêng trong vùng khuyến khích là hơn 40 trại, nhiều trại khác nằm ngoài vùng đang định di dời vào vùng quy hoạch. Song từ khi bãi rác xuất hiện gây ô nhiễm, nhiều hộ đã ngưng không đầu tư để di chuyển vào nữa.
Trang trại gà của ông Nguyễn Thanh Phi Long, ấp Tân Lập 2, xã Cây Gáo nằm cách bãi rác một con đường đang bị ảnh hưởng nặng nề. |
Ngoài việc các trang trại chăn nuôi lo lắng thì nhiều người dân tại khu vực này cũng bất an, vì sợ rác về nhiều sẽ biến vùng đất nông thôn mới đang có môi trường trong lành thành nơi ô nhiễm trầm trọng. Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lương Thị Lan cho hay: “Huyện cũng đã nhận được phản ánh của một số trang trại gần bãi rác về tình trạng mùi hôi bốc lên nhiều gây ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi, có đi khảo sát và thấy đúng như người dân nói. Vì đây là bãi rác thuộc địa bàn Vĩnh Cửu nên huyện kiến nghị tỉnh sớm xử lý dứt điểm việc này để không ảnh hưởng đến các trang trại”.
Có mặt tại bãi rác Vĩnh Tân ngày 13-11-2015, chúng tôi thấy hố chôn rác chỉ cách các trang trại chăn nuôi một con đường đất nhỏ, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Theo Sở Tài nguyên - môi trường, đây là hố rác chôn tạm của Công ty TNHH một thành viên dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai. Hiện mỗi ngày hố rác tiếp nhận khoảng trên 70 tấn rác thải sinh hoạt của huyện Vĩnh Cửu để chôn lấp.
Theo quy hoạch, tới đây khi bãi rác Trảng Dài (TP.Biên Hòa) đóng cửa, rác ở TP.Biên Hòa sẽ được vận chuyển về đây xử lý và chôn lấp, khi đó lượng rác sẽ tăng gấp nhiều lần hiện nay. Nhiều người dân xã Cây Gáo lo lắng nói, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì sẽ mang ô nhiễm từ nơi khác về vùng này. Thắc mắc lớn nhất của người dân và các chủ trang trại là tại sao quy hoạch khu khuyến khích phát triển chăn nuôi lại sát ngay bên khu xử lý chất thải?
Hương Giang