Năm 2024, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam đạt hơn 62 tỷ USD, vượt xa so với mục tiêu của ngành nông nghiệp. Theo mục tiêu của ngành nông nghiệp thì đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu nông sản sẽ đạt 60-62 tỷ USD. Thế nhưng, mới đến cuối năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam đã về đích trước 6 năm. Có được kết quả trên là do Việt Nam đã gắn kết tốt “5 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng). Từ đó, sản phẩm làm ra đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, giá cạnh tranh để xuất khẩu.
Đồng Nai tuy là tỉnh công nghiệp phát triển nhưng lĩnh vực nông nghiệp được quan tâm phát triển để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo thành chuỗi cung ứng cho thị trường trong nước, xuất khẩu. Trong năm 2024, tỉnh có đóng góp lớn cho xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam với kim ngạch trên 3,5 tỷ USD. Đồng Nai vẫn còn nhiều dư địa để tăng xuất khẩu sản phẩm nông - lâm - thủy sản, bởi tỉnh có tổng đàn heo, gà nằm trong tốp đầu cả nước. Lâu nay, sản phẩm heo, gà, trứng gà của Đồng Nai được chế biến để xuất khẩu, nhưng số lượng chưa nhiều. Hiện các trang trại chăn nuôi của Đồng Nai đa số áp dụng quy trình an toàn dịch bệnh, sản phẩm đạt chất lượng cao, rất thuận lợi để xuất khẩu. Mỗi năm, Đồng Nai cung ứng cho thị trường khoảng 680 ngàn tấn thịt heo, gà và hơn 1,3 triệu quả trứng. Nếu trong đó có 20-30% có thể đưa đi xuất khẩu thì giá trị, kim ngạch xuất khẩu ngành nông - lâm - thủy sản sẽ tăng rất cao.
Bên cạnh đó, Đồng Nai có diện tích cây ăn trái lớn, sản lượng gần 800 ngàn tấn/năm; đã hình thành các vùng sản xuất trái cây theo quy trình sạch để xuất khẩu. Tuy nhiên, trái cây của tỉnh chủ yếu xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc; thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu tuy có xuất khẩu nhưng số lượng còn ít. Vì thế, Đồng Nai còn nhiều cơ hội để kết nối “5 nhà” mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây tươi, trái cây chế biến.
Theo các chuyên gia kinh tế, khí hậu, thổ nhưỡng đã giúp Đồng Nai hình thành được những vùng sản xuất trái cây rất ngon. Do đó, tỉnh nên chú trọng liên kết “5 nhà”, đặc biệt là doanh nghiệp và nông dân, để đẩy mạnh xuất khẩu trái cây tươi. Sản lượng trái cây tươi còn lại chế biến thành các sản phẩm khác để tiếp tục xuất khẩu. Như vậy, giá trị của trái cây có thể tăng gấp 2-5 lần so với giá bán như hiện nay. Đồng thời, nông dân không phải lo đến việc đầu ra bấp bênh.
Khánh Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin