Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp tìm cách xây dựng hệ thống bán hàng

Văn Gia
08:27, 29/10/2024

Với các doanh nghiệp (DN) sản xuất, bán được hàng là điều kiện tiên quyết để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế còn nhiều khó khăn, thị trường thu hẹp, cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn thì bài toán bán hàng đang được ưu tiên hàng đầu.

Nhân viên Công ty CP Domilk (phải) làm việc với đại diện các cửa hàng để mở rộng điểm bán lẻ sản phẩm. Ảnh: V.M
Nhân viên Công ty CP Domilk (phải) làm việc với đại diện các cửa hàng để mở rộng điểm bán lẻ sản phẩm. Ảnh: V.M

Xây dựng, hợp tác với các đại lý, điểm bán hàng là giải pháp mà DN áp dụng để làm cầu nối đưa sản phẩm tới tay khách hàng. Bên cạnh đó, nhiều DN đã nhạy bén hơn, áp dụng bán hàng đa kênh, tận dụng tối đa sức mạnh của nền tảng số để mở rộng tăng tương tác với khách hàng.

Nỗ lực xây dựng hệ thống đại lý và điểm bán lẻ hàng hóa

Đợt suy thoái kinh tế hậu đại dịch Covid-19 đã khiến cho việc kinh doanh sản phẩm bánh kẹo của Công ty CP Domilk (huyện Long Thành) tại những trạm dừng chân, khu du lịch phục vụ du khách sụt giảm.

Giám đốc Công ty CP Domilk Nguyễn Thị Thanh Thanh cho biết, năm 2023, DN đã phải tái cơ cấu, đẩy mạnh sự hiện diện của mình ra các khu vực khác, thay vì lân cận Đồng Nai như trước. Domilk đã tích cực mở rộng điểm bán hàng thông qua các đại lý, đối tác.

Hiện nay, DN đang hiện diện tại 63/63 tỉnh, thành trên toàn quốc với hơn 400 đại lý và điểm bán. Bên cạnh các trạm dừng chân truyền thống, các sản phẩm bánh kẹo của DN đã vào được các siêu thị lớn như: Mega Market, Go!, Sài Gòn Co.op; đặc biệt là các trạm dừng chân trên các tuyến đường cao tốc, giúp nâng tầm thương hiệu hơn.

Theo các chuyên gia, thị hiếu tiêu dùng ngày nay luôn có sự thay đổi. Do đó, trong kinh doanh đa kênh, các DN cần chủ động chuyển đổi số, nắm bắt được tâm lý, thói quen mua sắm trực tuyến của khách hàng để có các kênh tiếp thị, bán hàng phù hợp.

Đối với Công ty TNHH Thương mại, sản xuất cơ khí Phước Hưng (thành phố Biên Hòa), khi năng lực sản xuất đảm bảo, việc giới thiệu, tìm kiếm khách hàng là vấn đề được ưu tiên. Sản phẩm eke máy lạnh của Phước Hưng đang hướng tới thị trường bán lẻ trong nước, chia sẻ bớt tỷ trọng sản phẩm phục vụ xuất khẩu của các mặt hàng khác để tạo nên sự bền vững hơn.

Những đối tác mà Phước Hưng mong muốn được hợp tác là các nhà sản xuất máy lạnh, các trung tâm điện máy lớn, nhỏ trên thị trường bởi nhu cầu tiêu thụ máy lạnh ngày càng cao thì cơ hội để tiêu thụ mặt hàng này cũng thuận lợi hơn.

Bà Nguyễn La Anh Đào, Giám đốc công ty, chia sẻ không chỉ dừng lại ở sản phẩm eke máy lạnh, DN sẽ mở rộng cung ứng các mặt hàng như: giá đỡ tivi, chân đế tủ lạnh... nhằm tạo ra hệ sinh thái sản xuất, giúp DN tiết giảm được tối đa chi phí, nhân công, tận dụng được máy móc có sẵn và bớt đi trở ngại khi quá phụ thuộc vào một lĩnh vực.

Theo tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền, Phó Trưởng phòng Thông tin và xúc tiến thương mại, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương), vẫn còn những thách thức đối với các DN trong việc xây dựng kênh bán hàng của mình. Đối với DN nhỏ và vừa, sự phối hợp chưa chặt chẽ trong chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà bán lẻ chưa thực sự nhuần nhuyễn. Bán lẻ truyền thống vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn, nguồn hàng hóa chưa phong phú, thiếu tính cạnh tranh cả về hàng hóa và giá cả. Quá trình kiểm soát chất lượng chưa đảm bảo và chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Áp dụng thương mại đa kênh để tạo hiệu quả cao hơn

Những năm trở lại đây, nhiều DN đã chú trọng, tập trung phát triển mô hình kinh doanh bán hàng đa kênh, vừa kết hợp kênh truyền thống với các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội. Với sự nhanh nhạy, tiện lợi của thương mại điện tử như các sàn lớn Tiki, Shopee, Lazada… cùng trang mạng xã hội Facebook, TikTok, Zalo… thì việc bán hàng ngày nay đã thuận lợi hơn. Điều này giúp gia tăng sự hiện diện thương hiệu của từng DN trên thị trường, thu về tệp lớn khách hàng tiềm năng, tạo ra doanh thu cao hơn trước.

Bà Nguyễn La Anh Đào cho biết thêm, cùng với sản xuất, trọng tâm của Phước Hưng trong giai đoạn này là đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho DN và quảng bá sản phẩm trên hệ thống đa kênh. Công ty đang từng bước quảng bá sản phẩm trên nền tảng đa kênh, từ gặp gỡ trực tiếp, chào hàng tận tay đối tác đến thương mại điện tử và các chương trình kết nối giao thương... DN đã làm việc với đối tác vận chuyển nhằm tạo thuận lợi nhất cho việc cung ứng sản phẩm tới khách hàng, đại lý một cách nhanh nhất, bởi logistics rất quan trọng. Việc tiếp cận thị trường, tiếp cận các đối tác sản xuất trên địa bàn để cung ứng các sản phẩm phụ trợ cho họ cũng cần được các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ thêm.

Tương tự, theo ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh (thành phố Biên Hòa), để thúc đẩy doanh số, thời gian qua, DN đã lập thêm các đơn vị trực thuộc nhằm chuyên môn hóa trong từng công đoạn cũng như xây dựng các phân khúc sản phẩm riêng. Các sản phẩm nệm thương hiệu Thế Linh đã hiện diện trên thị trường các tỉnh, thành phía Nam.

Cùng với việc nghiên cứu, ra mắt những dòng sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng, hướng tới bảo vệ sức khỏe tốt hơn thì xây dựng lại hệ thống đại lý, bán hàng đa kênh là điều hết sức cấp bách của DN.            

Văn Gia

Tin xem nhiều