Báo Đồng Nai điện tử
En

Ứng phó với cước vận tải biển tăng

Văn Gia
09:00, 02/03/2024

Xung đột ở một số khu vực trên thế giới, đặc biệt là khu vực Biển Đỏ đã làm ảnh hưởng đến các luồng, tuyến vận tải biển quốc tế. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp (DN) xuất, nhập khẩu (XNK) phải chịu chi phí vận tải cao hơn khi phải đi quãng đường dài hơn, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp.

Cước vận tải biển gia tăng. Ảnh minh họa: V.Gia

Theo các chuyên gia, để giảm thiểu rủi ro, cơ quan nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ, các DN phải chủ động hơn trong việc lựa chọn phương thức vận tải một cách phù hợp.

* Áp lực giá dịch vụ vận tải biển

Thông thường, hành trình ngắn nhất và tối ưu nhất của tuyến vận tải biển từ châu Á đến châu Âu là đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez. Tuy nhiên, từ cuối năm 2023, do xung đột tại khu vực Biển Đỏ, các hãng tàu đã phải thay đổi tuyến đường, không đi qua kênh đào Suez mà phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), làm cho hành trình của tàu kéo dài thêm từ 10-14 ngày so với trước đây. Điều này khiến cho các DN không chỉ mất thêm thời gian mà còn làm phát sinh rất nhiều chi phí vận chuyển.

Giá dịch vụ vận tải container từ châu Á đi châu Âu, châu Mỹ trong tháng đầu năm 2024 biến động lớn. So với thời điểm cuối năm 2023, giá cước tăng khoảng 60%; so với cùng kỳ năm 2023 tăng 25%. Giá cước vận chuyển tăng cao, cùng với đó, dự báo hiện tượng thiếu container để chở hàng hóa có thể xảy ra khiến các DN lo lắng. Điều này tác động lên thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có các DN XNK và DN dịch vụ logistics Việt Nam.

Triển vọng doanh thu về vận tải thế giới vẫn khả quan khi nhiều tổ chức quốc tế dự báo sản lượng container trên toàn cầu trong năm 2024 tăng khoảng 3-4% so với năm 2023.

Bên cạnh đó, từ ngày 15-2-2024, giá dịch vụ bốc dỡ container XNK tại một số khu vực được điều chỉnh tăng khoảng 10% so với trước đây. Riêng 2 cảng biển nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải được áp khung giá riêng cao hơn, thực hiện theo Thông tư số 39/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.

Đại diện một DN ngành gỗ cho hay, cước vận tải biển đã ảnh hưởng lớn đến ngành trong vài năm qua. Xuất khẩu đồ gỗ phần lớn đi các thị trường xa như: Mỹ, châu Âu, Trung Đông, do đó việc biến động ở khu vực Trung Đông gây ra căng thẳng trực tiếp đến hầu hết DN xuất khẩu do phải lựa chọn giải pháp khác với chi phí cao hơn và rủi ro cũng lớn hơn.

Trước tình hình như trên, mới đây Cục Hàng hải Việt Nam đã yêu cầu các cảng vụ hàng hải, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với các cảng biển để hỗ trợ DN. Giải pháp cần kíp nhất là hạn chế tối đa thời gian lưu kho, lưu bãi để giảm chi phí, trực tiếp hỗ trợ cho DN, góp phần giảm giá thành vận tải. Cục sẽ tiếp tục thu thập thông tin, xử lý, báo cáo Bộ Giao thông vận tải để có giải pháp kịp thời.

* Chủ động tìm cách ứng phó

Khi xung đột ở một số nơi trên thế giới vẫn chưa thuyên giảm, đặc biệt là khu vực Biển Đỏ, ảnh hưởng đến giá cước vận tải biển thì các DN cần phải nỗ lực, chủ động tìm giải pháp ứng phó.

Theo Phó cục trưởng Cục XNK (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, DN nên phân luồng hàng hóa và lựa chọn tuyến đường thay thế. Bên cạnh tuyến đường biển hiện tại, các DN có hoạt động XNK với thị trường châu Âu có thể xem xét các tuyến đường thay thế, ví dụ tuyến đường sắt liên vận từ Việt Nam qua Trung Quốc, Nga, Belarus đến châu Âu; hoặc xem xét tuyến đường vận tải đa phương thức kết hợp đến các khu vực xuất khẩu hàng hóa của mình.

Song song đó, DN xây dựng các tùy chọn nguồn cung ứng hàng hóa đa dạng để giảm thiểu ảnh hưởng khi tuyến đường đi qua Biển Đỏ gặp sự cố, cũng như ứng phó với sự cố tương tự trong tương lai. Điều thuận lợi là Việt Nam với đường lối đối ngoại đa phương, rộng mở đang trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, một trong những trung tâm sản xuất hàng hóa lớn của thế giới với 17 hiệp định thương mại đang được thực thi. Vì vậy, việc thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung ứng từ các khu vực khác nhau trên thế giới ngày càng trở nên bức thiết.

Tương tự, Phó chủ tịch Hội XNK Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát (thành phố Biên Hòa) Nguyễn Duy Hưng khuyến nghị, DN chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ, rủi ro, tổn thất từ các sự cố trong thương mại, vận chuyển quốc tế và các vấn đề liên quan. Theo ông Hưng, các sự cố quốc tế là điều rất khó tránh khỏi nên việc chủ động từ các DN là vấn đề sống còn. DN qua đó cải thiện sự linh hoạt và khả năng chống chịu với các biến động của môi trường kinh doanh quốc tế để khi xảy ra các sự cố không mong muốn thì giảm thiểu được những thiệt hại không đáng có.

 Văn Gia

Tin xem nhiều