Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch - Trảng Bom được xem là “tứ giác công nghiệp” của tỉnh. Trong năm 2024, các địa phương sẽ thu hồi hơn 3,7 ngàn hécta đất nông nghiệp để thực hiện các dự án giao thông, công nghiệp, dịch vụ nhà ở…
Sẽ thu hồi hơn 1,98 ngàn hécta đất nông nghiệp năm 2024 tại huyện Long Thành. Ảnh: H.Lộc |
Việc thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương công nghiệp hóa, được định hướng trở thành đô thị là cần thiết và phù hợp, song cần đảm bảo quyền lợi cho người dân và sớm đưa đất vào sử dụng.
* Thu hồi hơn 3,7 ngàn hécta đất nông nghiệp tại 4 địa phương
Cuối năm 2023, UBND tỉnh phê duyệt hàng loạt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của các huyện, thành phố. Trong từng quyết định đều thể hiện rõ diện tích, loại đất sẽ thực hiện thu hồi. Đáng chú ý trong đó là tốp 4 địa phương: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom sẽ có nhiều diện tích đất nông nghiệp phải thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng để triển khai các dự án trên nhiều lĩnh vực.
Đứng đầu là huyện Long Thành, được UBND tỉnh chấp thuận cho thu hồi gần 1,98 ngàn hécta đất nông nghiệp. Các xã có chỉ tiêu thu hồi đất cao là: Bình Sơn (700 hécta), Long Đức (gần 330 hécta), Long Phước (204 hécta).
Trong báo cáo thuyết minh kế hoạch sử dụng đất năm 2024, huyện Long Thành cho biết, so với toàn tỉnh, huyện có nền kinh tế khá phát triển, tốc độ tăng trưởng cao và cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch tích cực. Năm 2023, ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại dịch vụ đã phát huy được thế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của tỉnh với giá trị sản xuất tăng tương ứng hơn 24% và hơn 23%, trong khi ngành nông - lâm nghiệp chỉ tăng hơn 4,6%. Năm 2024 và các năm tiếp theo, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi cần sắp xếp, bố trí hợp lý quỹ đất phù hợp với phát triển kinh tế, đảm bảo nhu cầu dân sinh và môi trường.
Tiếp theo đó, huyện Nhơn Trạch có chỉ tiêu thu hồi đất nông nghiệp năm 2024 hơn 860 hécta. Các xã sẽ thu hồi đất nông nghiệp nhiều là: Phước Khánh (hơn 250 hécta), Đại Phước (hơn 120 hécta), Vĩnh Thanh (gần 120 hécta)…
Theo UBND huyện Nhơn Trạch, năm 2023, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp được duyệt của huyện là hơn 21,5 ngàn hécta, đến hết năm kết quả thực hiện là hơn 22,4 ngàn hécta, cao hơn 864 hécta. Lý do là một số dự án có quỹ đất lớn chưa hoàn thành thủ tục về đất đai; một số chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở hộ gia đình, cá nhân đăng ký nhưng chưa thực hiện.
Năm 2024, huyện Long Thành sẽ thu hồi gần 1,98 ngàn hécta đất nông nghiệp, huyện Nhơn Trạch thu hồi hơn 860 hécta, thành phố Biên Hòa thu hồi 520 hécta và huyện Trảng Bom thu hồi 414 hécta. |
Năm nay, huyện Nhơn Trạch sẽ thực hiện 66 dự án với quỹ đất hơn 1,7 ngàn hécta, trong đó 52 dự án chuyển tiếp từ kế hoạch sử dụng đất năm 2023 và 14 dự án bổ sung mới. Việc đề xuất thu hồi quỹ đất nông nghiệp nói trên là đáp ứng yêu cầu và phù hợp với các nghị quyết, chủ trương đã được duyệt.
Hai địa phương còn lại cũng thực hiện thu hồi hàng trăm hécta đất nông nghiệp. Cụ thể, thành phố Biên Hòa sẽ thu hồi hơn 520 hécta, trong đó phường Hiệp Hòa sẽ thu hồi hơn 265 hécta, phường Phước Tân 77 hécta… Huyện Trảng Bom thu hồi 414 hécta, trong đó xã Bắc Sơn thu hồi nhiều nhất hơn 270 hécta, tiếp đến là xã Sông Trầu gần
84 hécta…
* Đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất
Thành phố Biên Hòa và các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom được xem là “tứ giác công nghiệp” của tỉnh. Đây cũng là những địa phương có nhiều dự án trọng điểm quốc gia. Do đó, việc điều chỉnh giảm quỹ đất nông nghiệp để thực hiện công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội là phù hợp và cần thiết.
Trong quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu UBND các huyện, thành phố thực hiện thu hồi đất theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt; kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm kế hoạch sử dụng đất. Tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng đất chặt chẽ, bảo đảm các chỉ tiêu sử dụng đất đã được phê duyệt.
Để việc thu hồi đất nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, vào cuối năm 2023, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức ký ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND về đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.
Trọng tâm là Sở Tài nguyên và môi trường rà soát, điều chỉnh bảng giá đất phù hợp với điều kiện thực tế; tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định mới về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất… Sở Tài chính tham mưu điều chỉnh quy định về tiêu chuẩn, trình tự, điều kiện bố trí tái định cư khi thu hồi đất; phối hợp cùng các sở liên quan đề xuất biện pháp hỗ trợ khác để ổn định đời sống, sản xuất của người bị thu hồi đất; đồng thời, xây dựng đơn giá bồi thường tài sản, cây trồng, vật nuôi trên đất; tham mưu tỉnh bố trí nguồn vốn cho các địa phương đầu tư xây dựng khu tái định cư…
Cấp huyện tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân đồng thuận với chủ trương thu hồi đất. Phối hợp với các cơ quan liên thực hiện các khâu trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Chủ động bố trí nguồn vốn, quỹ đất, thủ tục nhanh chóng đầu tư xây dựng các khu tái định cư trước khi thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng…
Hoàng Lộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin