Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân ứng dụng IMO và Mevi vào sản xuất sạch với chi phí rẻ

Bình Nguyên
08:01, 11/11/2023

Mô hình ứng dụng lợi khuẩn Probiotic (IMO) và nấm men rượu (MEVI) để tạo ra phân bón hữu cơ, thuốc sinh học từ nguồn rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp hữu cơ, chất thải chăn nuôi… giúp giảm chi phí đầu vào, cây trồng phát triển khỏe, chất lượng nông sản an toàn.

Nông dân trồng bưởi tại H.Vĩnh Cửu chuyển từ sản xuất hóa học sang hướng canh tác hữu cơ. Ảnh: B.Nguyên
Nông dân trồng bưởi tại H.Vĩnh Cửu chuyển từ sản xuất hóa học sang hướng canh tác hữu cơ. Ảnh: B.Nguyên

Thời gian đầu, mô hình này được H.Vĩnh Cửu đi đầu triển khai, hiện được nhiều địa phương nhân rộng vì mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Ngành Nông nghiệp khuyến khích các địa phương chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang hướng sản xuất theo hướng hữu cơ, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang là mục tiêu phát triển đột phá của tỉnh.

* Huyện Vĩnh Cửu tiên phong triển khai

Ứng dụng IMO và nấm men MEVI vào sản xuất nông nghiệp được H.Vĩnh Cửu đi đầu triển khai. Mục tiêu nhằm chuyển dần tập quán canh tác sản xuất vô cơ sang sản xuất theo hướng hữu cơ, giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng nông sản địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản địa phương, tạo sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện.

Những năm qua, toàn huyện đã triển khai 49 đợt tập huấn cho hơn 2,2 ngàn lượt nông dân tham dự với các nội dung ứng dụng IMO và MEVI xử lý rác hữu cơ, phụ phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng trên giúp nông dân tận dụng được các phụ phế phẩm nông nghiệp và rác thải hữu cơ, giảm chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng, không gây ô nhiễm môi trường trong khu vực sản xuất; phát triển du lịch sinh thái và phát triển thêm kênh tiêu thụ sản phẩm phục vụ du lịch trên địa bàn huyện.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng 80 mô hình ứng dụng IMO, Mevi sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô 1.454 ha cây trồng.

Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Vĩnh Cửu Nguyễn Đức Nam cho biết, toàn huyện hiện có hơn 238ha cây trồng, chủ yếu các cây chủ lực như: bưởi, xoài, cam, quýt... ứng dụng IMO và MEVI để ủ phân hữu cơ, làm thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong sản xuất trồng trọt. Ngoài ra, có hơn 30 hộ chăn nuôi, trang trại ứng dụng IMO để xử lý môi trường chăn nuôi, giảm mùi hôi do chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, tạo điểm nhấn ngành Nông nghiệp huyện, bảo vệ môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp, bảo vệ sức khỏe cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện.

* Tiền đề để phát triển nông nghiệp hữu cơ

Từ H.Vĩnh Cửu, mô hình thực hiện phân loại rác tại nguồn, sử dụng rác hữu cơ làm phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là giải pháp giúp đất đai ngày càng màu mỡ, tơi xốp, là điều kiện tiên quyết để phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Huyện Cẩm Mỹ cũng là địa phương đạt kết quả cao trong triển khai thực hiện chương trình này. Giai đoạn 2021-2023, trên địa bàn H.Cẩm Mỹ đã tổ chức 39 buổi tập huấn nhân rộng mô hình sản xuất men vi sinh IMO với hơn 1,5 ngàn lượt nông dân tham dự. Đến nay, trên địa bàn H.Cẩm Mỹ có 150 hộ nông dân với quy mô 170ha diện tích cây trồng ứng dụng mô hình sản xuất men vi sinh IMO vào sản xuất.

Ông Thang Văn Tú, nông dân ở xã Sông Thao (H.Trảng Bom) đã tận dụng các loại trái cây, lá rụng có sẵn trong vườn kết hợp với phân dơi, phân yến, ốc sên... để tự ủ làm phân bón hữu cơ sử dụng cho vườn bưởi rộng 8ha của gia đình. Ông Tú còn ứng dụng chế phẩm IMO kết hợp quả bồ hòn ủ tạo ra thuốc sinh học trừ sâu, bệnh cho cây trồng.

Ông Tú so sánh: “Giải pháp này giúp gia đình giảm từ 60-80% chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, mô hình này còn giúp cây trồng sinh trưởng tốt, trái cây đảm bảo an toàn nên được thị trường ưa chuộng”.

Ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung triển khai các chương trình hỗ trợ, khuyến khích nông dân chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Trong đó, việc tạo môi trường thuận lợi khuyến khích nông dân đầu tư bằng chính sách hỗ trợ được quan tâm. Trong đó, công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ vốn vay ưu đãi; hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm an toàn… là những nội dung được ngành Nông nghiệp tỉnh đặc biệt quan tâm hỗ trợ.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều