Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành Nông nghiệp tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất

Bình Nguyên
08:23, 25/11/2023

Bị ảnh hưởng bởi tình hình khó khăn chung của nền kinh tế nhưng ngành Nông nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng cao. Kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2023 của tỉnh đạt 37,4 ngàn tỷ đồng, tăng gần 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành Nông nghiệp luôn quan tâm triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất.

Mô hình trồng ca cao an toàn tại H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên
Mô hình trồng ca cao an toàn tại H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Đồng Nai đã thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trước và trong mùa mưa lũ năm 2023. Thời tiết trên địa bàn tỉnh đang trong mùa mưa nhưng ngành Nông nghiệp và các địa phương vẫn chủ động xây dựng kế hoạch tích nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất trong mùa khô.

* Hỗ trợ nhân rộng mô hình điểm

Việc triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn tỉnh được thực hiện hàng năm. Theo đó, ngay từ đầu năm, Sở NN-PTNT đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác khuyến nông thường xuyên ngành Nông nghiệp năm 2023. Mục tiêu đề ra trong năm là triển khai xây dựng và nhân rộng 30 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả gồm: 19 mô hình trồng trọt, 6 mô hình chăn nuôi, 5 mô hình thủy sản. Trong đó có 8 mô hình sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm như: VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học; 22 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của 2 dự án khuyến nông trung ương gồm: dự án Xây dựng mô hình mẫu thâm canh điều bền vững trên địa bàn xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu với diện tích 5ha của 5 hộ nông dân tham gia. Đến nay, tất cả các diện tích điều trong dự án đều sinh trưởng, phát triển tốt. Dự án Xây dựng mô hình chăn nuôi heo sinh sản năng suất, chất lượng cao tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại các tỉnh phía Nam năm 2023 đang được hoàn tất thủ tục. Ngoài ra, tiếp tục triển khai các nội dung của dự án Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ IoT sản xuất nấm mối đen trong nhà màng. Ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức 1 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản cho nông dân trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, các địa phương đang tập trung hỗ trợ triển khai nhân rộng 62 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Trong 9 tháng của năm 2023, toàn tỉnh đã triển khai nhân rộng được hơn 1.640ha cây trồng các loại, hơn 150 ngàn gia súc, gia cầm, hơn 1.162ha cây trồng ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Công tác tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được các địa phương chú trọng triển khai thực hiện.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT TRẦN ĐÌNH MINH cho hay, qua kiểm tra thực tế tại một số hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, các địa phương, đơn vị quản lý hồ chứa đã chủ động trong công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên, kiểm tra, phát dọn cỏ cây khu vực công trình; lập hồ sơ kiểm định an toàn các hồ, đập... bảo đảm an toàn công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Dù trong mùa mưa nhưng việc tích trữ nước vẫn được quan tâm nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất trong mùa khô.

Đặc biệt, trong thực hiện nhiệm vụ đột phát phát triển nông nghiệp hữu cơ đạt kết quả ấn tượng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có thêm hơn 18ha cây trồng được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ, tăng hơn 2,6 lần so với cuối năm 2022. Trong đó, diện tích cây trồng được chứng nhận hữu cơ chủ yếu là những cây trồng chủ lực của tỉnh như: tiêu, sầu riêng, rau…

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Thắng, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên nhân rộng các mô hình điểm, các nhân tố mới về nông nghiệp hữu cơ, tạo ra các ví dụ thực tế để động viên những người tham gia mới, từ đó hình thành đội ngũ chất lượng làm việc trong lĩnh vực này, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh.

* Chủ động nguồn nước sản xuất cho mùa khô

Theo dõi tình hình nguồn nước, tình hình mưa, lưu lượng dòng chảy, độ mặn tại các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, tổng lượng mưa tính đến nay đạt 99,9% so với trung bình nhiều năm, dung tích các hồ chứa đạt khoảng 88,6% và tăng 3,3% so với cùng kỳ. Nguồn nước đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2633/QĐ-UBND về việc tích nước hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh năm 2023. Trong đó, giao cho Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định có liên quan về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh; tham mưu đề xuất UBND tỉnh xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền xử lý của UBND tỉnh. Giao UBND các huyện: Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và TP.Long Khánh theo dõi, kiểm tra tình hình hoạt động, công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa trên địa bàn để phối hợp, chỉ đạo xử lý kịp thời.

Giao các đơn vị khai thác đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức vận hành công trình theo hướng dẫn của Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh năm 2023. Báo cáo, đề xuất kịp thời về Sở NN-PTNT, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh và UBND các huyện, thành phố các nội dung theo quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa.

Đến nay, các địa phương, đơn vị đã chủ động nguồn nước để đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt theo kế hoạch. Đặc biệt, Sở NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương, đơn vị kiểm tra, lập kế hoạch sửa chữa các hạng mục công trình thủy lợi bị hư hỏng sau lũ; nạo vét thượng, hạ lưu các đập dâng, các cửa lấy nước và hệ thống kênh mương để đảm bảo phục vụ sản xuất. Phối hợp tuyên truyền, khuyến cáo người dân vào vụ đồng loạt để nâng cao hiệu quả phục vụ nước tưới, không mở rộng thêm diện ngoài kế hoạch và ngoài khả năng phục vụ của công trình thủy lợi. Trong đó, công tác kiểm tra tình hình sản xuất, tình hình nguồn nước, công tác triển khai phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, kết hợp thăm đồng và công tác triển khai đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trước, trong mùa mưa lũ năm 2023 được chú trọng. Kết quả kiểm tra cho thấy các địa phương, đơn vị quản lý đã chủ động duy tu, sửa chữa thường xuyên để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi phục vụ sản xuất.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần chủ động triển khai các biện pháp để hạn chế tối đa ảnh hưởng khi xảy ra thiên tai. Các địa phương cũng phải chú trọng xem xét, nhận diện các nguy cơ xảy ra thiên tai trên địa bàn làm cơ sở xây dựng kế hoạch phòng, chống để triển khai thực hiện cụ thể, hiệu quả.

Bình Nguyên

Từ khóa:

nông nghiệp

ca cao

Tin xem nhiều