Giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Việc người dân sử dụng xe đạp, đi bộ, sử dụng giao thông công cộng, các phương tiện sử dụng năng lượng nhiên liệu sạch; hạn chế sử dụng ô tô cá nhân được xem là giao thông xanh.
Những năm gần đây, TP.HCM và TP.Hà Nội đã chú trọng phát triển giao thông xanh với việc đưa hệ thống xe buýt điện vào hoạt động, được đông đảo người dân hưởng ứng. Đặc biệt, các địa phương này đã đề ra chương trình và lộ trình cụ thể cho việc phát triển giao thông xanh trong thời gian tới, với việc sẽ đầu tư mới toàn bộ xe buýt công cộng, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh. Đây cũng là một xu thế tất yếu của giao thông trong tương lai, nhất là ở các đô thị lớn, hướng tới việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững.
Đồng Nai là một trong những địa phương đông dân, với hơn 3,2 triệu người, có nhiều đô thị sầm uất và 31 khu công nghiệp đang hoạt động. Đồng Nai đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức về tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm do khí thải từ các phương tiện giao thông ở các đô thị lớn.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành GT-VT trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đặt mục tiêu phát triển hệ thống GT-VT xanh hướng tới mục tiêu phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Từ nay đến năm 2030, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành GT-VT đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực. Đến năm 2050, chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng GT-VT sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Để thực hiện kế hoạch này, Đồng Nai còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết vẫn là công tác tuyên truyền về lợi ích của giao thông xanh đối với sự phát triển bền vững của các đô thị trong tương lai để đông đảo người dân, doanh nghiệp hưởng ứng.
Ngoài việc đề ra chương trình và lộ trình cụ thể cho việc phát triển giao thông xanh trong thời gian tới, Đồng Nai cũng cần cụ thể hóa các giải pháp về chính sách; chuyển đổi phương tiện, năng lượng xanh; phát triển hạ tầng bến xe, trạm dừng chân, trạm sạc điện… để người dân, doanh nghiệp không ngần ngại khi chuyển đổi sang giao thông xanh, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng. Vì phát triển hệ thống xe buýt điện không chỉ tạo chuyển biến về nhận thức của người dân về việc sử dụng phương tiện công cộng sử dụng năng lượng sạch, mà còn góp phần giảm thiểu đáng kể lượng khí thải do các xe cá nhân thải ra môi trường; giảm ùn tắc, kẹt xe, là những vấn nạn ở các đô thị lớn như hiện nay.
Thư Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin