Sản xuất, đặc biệt là các ngành nghề, lĩnh vực ứng dụng công nghệ hiện đại đang phát triển mạnh ở Việt Nam cũng như Đồng Nai. Tuy nhiên, theo nhiều chủ doanh nghiệp (DN), họ vẫn đang gặp khó khăn trong việc thiết kế, chế tạo sản phẩm. Trong đó, DN khó khăn trong tìm kiếm nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai đang đẩy mạnh hợp tác với trường đại học để đào tạo nhân lực cho lĩnh vực thiết kế sản phẩm. Ảnh: V.Gia |
Nhân lực chất lượng cao nói chung, nhất là ở khâu thiết kế, chế tạo sản phẩm đang thiếu, buộc các DN và đơn vị đào tạo phải tăng cường liên kết, cung ứng nhân lực hướng tới nhu cầu của sản xuất.
* Yếu về khâu thiết kế, chế tạo sản phẩm
Việt Nam đang nỗ lực để tự chủ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các ngành sản xuất nhưng còn gặp nhiều rào cản. Trong đó, kỹ năng và năng suất lao động hạn chế là một trong những rào cản lớn để hình thành những chuỗi cung ứng tự chủ trong nước.
Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) Phạm Tuấn Anh cho rằng, con đường tự chủ hóa trong ngành cơ khí, chế tạo sản phẩm là hướng đi tất yếu nếu Việt Nam muốn gia tăng vị thế cho công nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, các DN đang đối mặt với những hạn chế như: cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu tương đối gay gắt, thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh của DN trong nước chưa đủ mạnh. Nhiều công đoạn sản xuất mang giá trị gia tăng cao nằm ở nước ngoài như các nhóm hàng: máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, hóa chất, cao su, phương tiện vận tải và phụ tùng… khiến DN trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị phụ thuộc.
Trên thực tế, trước đây Việt Nam đã chú trọng thu hút các DN FDI để gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp trong nước, đồng thời khuyến khích việc chuyển giao công nghệ. Có thể nói, mục tiêu này đã không đạt được. Vì thế, DN trong nước khó chen chân vào chuỗi cung ứng. Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu đến năm 2025, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 25% GDP và đặt ra nhiệm vụ cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Từ đó có khả năng tham gia sâu và có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Đối với DN, theo Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật An Phát (chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ở TP.Biên Hòa) Nguyễn Hòa An, lâu nay việc tuyển dụng lao động đạt yêu cầu là rất khó khăn. Nhiều lao động dù có bằng cấp song DN phải đào tạo lại. Về lâu dài, việc gắn bó của người lao động cũng có vấn đề, bởi sẽ có những đơn vị khác chèo kéo nhân sự của mình. Đây là một bài toán khó mà nhiều DN đang cần phải gấp rút giải quyết.
* Kết nối đào tạo nhân lực
Việc kết nối hợp tác giữa DN và đơn vị đào tạo đang là vấn đề bức thiết hiện nay. Đơn cử như trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu gỗ, mặc dù Đồng Nai có giá trị xuất khẩu gỗ đứng thứ 2 cả nước song hiện nay đa phần đều là sản xuất theo đơn hàng gia công cho nước ngoài, hầu hết gỗ xuất khẩu chưa có mẫu mã thiết kế và thương hiệu riêng. Do đó, những năm gần đây, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai đang nỗ lực hỗ trợ DN nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm bằng cách đầu tư công nghệ và nhân lực. Hiệp hội đã triển khai chương trình hợp tác với Phân hiệu Trường đại học Lâm nghiệp tại Đồng Nai (H.Trảng Bom) nhằm phục vụ mục tiêu này trong cả trước mắt và dài hạn, nhất là nhân lực để phục trách khâu thiết kế sản phẩm.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai Lê Xuân Quân cho rằng, hợp tác với đơn vị đào tạo là điều kiện để ngành phát huy giá trị, phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Một đơn vị có nhiều năm hợp tác với DN là Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành). Từ 10 năm trước, trường đã hợp tác với Đức để đào tạo giảng viên trong lĩnh vực công nghệ tự động hóa, cơ điện tử, công nghệ robot, hàn công nghiệp, cắt gọt kim loại, điện lạnh… nhằm phục vụ đào tạo lại sinh viên. Hiện trường đã mở rộng hợp tác với nhiều đối tác hàng đầu về công nghiệp công nghệ cao như các tập đoàn: Bosch, Mercedes - Benz của Đức…
Tương tự, theo TS Nguyễn Tiến Mạnh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi, nhà trường luôn chú trọng hợp tác với DN trong đào tạo và tìm việc làm cho sinh viên. Trường hiện hợp tác với khoảng 60 DN lớn để đào tạo nhân lực các ngành, hướng đến các ngành đòi hỏi nhân lực cao. Đồng thời, nhà trường thường xuyên phối hợp với các DN đưa sinh viên đi thực tế, học tập, trải nghiệm ngay tại nhà máy, phòng nghiên cứu của DN để tạo điều kiện cho sinh viên đáp ứng được nhu cầu của DN ngay sau khi tốt nghiệp ra trường.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin