Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp dệt may trước áp lực 'xanh hóa'

Hoàng Lộc
08:01, 16/11/2023

Các doanh nghiệp (DN) dệt may đang đứng trước nhiều áp lực về phát triển bền vững. Đó là hệ thống các quy định của pháp luật về môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; yêu cầu từ đối tác; sự cạnh tranh thị trường…

Sản xuất may mặc tại Công ty TNHH Saitex International (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa). Ảnh: H.LỘC
Sản xuất may mặc tại Công ty TNHH Saitex International (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa). Ảnh: H.LỘC

Tại hội thảo Tham vấn về tình hình thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành dệt may mới đây, các DN đã chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích.

* Điều kiện để giữ đơn hàng

Ngành dệt may có kim ngạch xuất khẩu lớn, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là ngành gây ô nhiễm môi trường hàng đầu. Chính vì vậy, sản xuất và tiêu dùng bền vững thông qua tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, giảm phát thải là yêu cầu bức thiết.

Hiện nay, Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chương trình, kế hoạch, cam kết để hướng đến mục tiêu này. Có thể kể đến Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 ngành dệt may giảm 5-8% mức tiêu hao năng lượng và đến năm 2030 giảm 7-10%; cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025 tại COP26 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Kế hoạch hành động về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025 của UBND tỉnh cũng đặt mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng tương tự với ngành dệt may.

Tại Đồng Nai, dệt may là một trong 6 ngành sản xuất và xuất khẩu chủ lực. Bình quân mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Đồng Nai đạt 1,6-1,8 tỷ USD

Phó trưởng phòng Kỹ thuật và quản lý năng lượng (Sở Công thương) Nguyễn Thị Lan cho rằng, trước đây Chính phủ, các bộ, ngành khuyến khích thực hiện giảm tiêu hao năng lượng. Hiện tại, nội dung này đã được luật hóa thông qua chương trình, kế hoạch, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

TS Nguyễn Thị Lê Liên, giảng viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, các thị trường lớn như: châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ ngày càng gia tăng tiêu chuẩn đối với sản phẩm dệt may nhập khẩu. Điều này đồng nghĩa với DN muốn giữ được đơn hàng, mở rộng thị trường phải chuyển sang sử dụng nguyên liệu, hóa chất thân thiện với môi trường; thực hiện tiết kiệm năng lượng, nước trong quá trình sản xuất; tái chế và tái sử dụng để hạn chế thấp nhất phát thải ra môi trường.

Cùng trao đổi về nội dung này, PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Phượng (Viện Công nghiệp môi trường, TP.HCM) phân tích, dệt may là ngành là sử dụng nhiều năng lượng, nguyên vật liệu và hóa chất nên tỷ lệ phát thải nhiều. Về tiêu thụ nước, ngành sử dụng khoảng 93 tỷ m3 nước/năm, tương đương khoảng 4% tổng lượng nước ngọt khai thác toàn cầu. Bình quân 1kg sản phẩm may mặc tiêu thụ
1,5-7kg hóa chất khác nhau; tỷ lệ phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2/năm…

Thực tế này đặt ra bài toán thiết kế phải loại bỏ dần các yếu tố gây hại cho con người và môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, phát triển vật liệu sản xuất mới, chuyển đổi sang quy trình sản xuất ít phát thải hơn…

“Các nhãn hàng, thị trường lớn đang có xu hướng hợp tác, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Việc thực hiện các giải pháp trên là “chìa khóa” để DN hoạt động hiệu quả hơn, ổn định đơn hàng, từ đó gia tăng lợi nhuận” - PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Phượng nhấn mạnh.

* Cơ hội vươn lên

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Phượng, thực hiện sản xuất bền vững trong giai đoạn này có nhiều khó khăn do hạ tầng chưa đáp ứng, nguồn nguyên, vật liệu mới còn hạn chế và giá thành cao, công nghệ tái chế và tái sử dụng chưa thực sự phát triển, nhu cầu tiêu dùng giảm do kinh tế suy giảm… Tuy nhiên, nếu DN không bắt tay ngay từ bây giờ sẽ khó trụ vững.

ThS Nguyễn Ngọc Kim Oanh, Trưởng phòng Vệ sinh an toàn lao động bền vững Công ty TNHH Saitex International (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) chia sẻ, dệt may ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành ngành công nghiệp không bền vững - thời trang nhanh. Việc tập trung vào chi phí thấp, số lượng nhiều, mẫu mã đẹp khiến nhu cầu sử dụng nguyên liệu, nước, năng lượng, hóa chất gia tăng. Là DN hợp tác với nhiều nhãn hàng lớn trên thế giới, ngay từ khi xây dựng nhà máy, công ty đã tính toán đến các yếu tố xanh. Hiện nhà máy giặt của công ty là nhà máy giặt duy nhất trên thế giới có chứng nhận quốc tế Bluesign - chứng nhận nhà máy xanh. Về nước thải, công ty đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo các quy trình: điện phân, vi sinh, lọc RO để tái sử dụng đến 98%. Vải vụn được phục chế thành sản phẩm mới như: quần, túi, thảm… Nguyên liệu bông, sợi, hóa chất đều đến từ những nhà cung cấp có chứng nhận quốc tế về mức độ an toàn cho người tiêu dùng.

“Chi phí đầu tư cho phát triển bền vững là rất lớn, có khi nhiều hơn chi phí tiết kiệm được. Tuy nhiên, công ty vẫn thực hiện và kết quả là đơn hàng ổn định kể cả khi dịch bệnh, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Có được các chứng nhận, chứng chỉ giúp nâng cao danh tiếng và thương hiệu, việc làm của công nhân được đảm bảo, lợi nhuận DN gia tăng” - bà Oanh chia sẻ.

Theo đại diện Công ty TNHH Samil Vina (Khu công nghiệp Long Thành, H.Long Thành), đặc thù ngành dệt, nhuộm sử dụng nhiều năng lượng. Thời gian qua, công ty áp dụng nhiều giải pháp để đạt mức giảm tiêu hao năng lượng theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, tỷ lệ % năng lượng xanh trong sản phẩm chưa đạt được do thủ tục đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất không dễ. Vì thế, DN mong muốn tỉnh kiến nghị Trung ương sớm tháo gỡ vướng mắc này để gia tăng tỷ lệ năng lượng xanh, nhân rộng mô hình sản xuất bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ngành dệt may.

Sản xuất và tiêu dùng bền vững là yêu cầu tất yếu của mọi ngành nghề, không riêng dệt may. Thực hiện yêu cầu này sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến động về nguồn cung nguyên, vật liệu. Hơn thế, đây là giải pháp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, gia tăng tính cạnh tranh. Giai đoạn đầu, DN có thể gặp khó khăn về nguồn vốn, công nghệ, con người thực hiện, nhưng vượt qua được sẽ là cơ hội hợp tác, vươn lên. Thực tế ở các DN tiên phong theo hướng phát triển bền vững cho thấy họ có đơn hàng ổn định và nhiều hơn, tăng trưởng và lợi nhuận tốt hơn.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều