Đồng Nai có nguồn nước mặt dồi dào nhưng vì phân bố không đều, hạ tầng cấp nước chưa đáp ứng, ô nhiễm nguồn nước ngầm nên người dân ở nhiều nơi vẫn thiếu nước sạch sinh hoạt.
Sông Đồng Nai, nơi cung cấp nguồn nước dồi dào cho phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai và các tỉnh trong lưu vực. Ảnh: H.Lộc |
Theo chỉ đạo của tỉnh, Sở Xây dựng vừa trình dự thảo Kế hoạch Bảo vệ và mở rộng nguồn nước với mục tiêu đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội ở hiện tại và tương lai.
* Nhiều vấn đề đặt ra
Đồng Nai có nguồn nước dồi dào nhưng đến nay tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung (còn gọi nước máy) mới đạt khoảng 34%. Nhiều khu vực cả đô thị lẫn nông thôn người dân “khát” nước sạch do hạ tầng chưa đáp ứng, nước ngầm suy giảm lượng và chất.
Chia sẻ khó khăn trong thực hiện các dự án nước sạch, Phó giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Tấn Lộc cho rằng, dự án cấp nước đi qua nhiều địa bàn, hiện quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung một số địa phương chưa duyệt nên dự án phải chờ. Các dự án cấp nước phải sử dụng đất làm trạm bơm tăng áp nhưng pháp luật hiện hành chưa thể hiện rõ hình thức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay chỉ định thầu. Ngoài ra, quy định về điều kiện đầu tư, ưu đãi đầu tư, giá nước cũng ảnh hưởng đến việc triển khai dự án.
Đối với công tác đấu nối mở rộng phạm vi cấp nước sạch, hiện tỉnh có 6 doanh nghiệp kinh doanh nước sạch nhưng chủ yếu mới quan tâm cấp nước cho khu công nghiệp và khu đô thị, chưa mặn mà cấp nước sạch cho vùng nông thôn. Điển hình như hồ Cầu Mới (H.Long Thành) có doanh nghiệp khai thác nước sạch nhưng các xã lân cận Bàu Cạn, Tân Hiệp rất ít hộ dân được sử dụng nguồn nước này vì không có tuyến ống.
Về nước sạch nông thôn, toàn tỉnh có hơn 80 công trình nhưng do hư hỏng, xuống cấp nên hiệu quả hoạt động chỉ đạt hơn 50% công suất thiết kế.
Tại nhiều khu vực, nguồn nước ngầm suy giảm cả chất và lượng. Báo cáo kết quả quan trắc nước dưới đất ban hành ngày 10-10-2023 của Sở TN-MT cho thấy, mực nước ngầm tại các khu vực: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú khá thấp. Các khu vực như: Long Thành, Nhơn Trạch và Biên Hòa quan trắc phát hiện nước có kim loại và chất dinh dưỡng vượt quy chuẩn.
Đồng Nai có trữ lượng nước mặt khoảng 26 tỷ m3, hiện khai thác nước mặt mới khoảng 12,5 triệu m3/ngày đêm. Theo quy hoạch phát triển thủy lợi, từ nay đến năm 2035, tỉnh sẽ đầu tư thêm 10 hồ chứa nước dung tích khoảng 46 triệu m3 phục vụ nông nghiệp và khai thác nước sạch. |
Tồn tại trong công tác bảo vệ nguồn nước hiện nay là phần lớn nước thải sinh hoạt, nước thải từ các cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ chưa được thu gom, xử lý. Tỉnh đã ban hành danh mục khu vực hạn chế khai thác nước ngầm nhưng vì nước máy chưa đáp ứng nên người dân vẫn khai thác nước.
Từ những thực tế này, Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lập kế hoạch bảo vệ và mở rộng nguồn nước trong năm 2023.
* Đảm bảo nguồn nước cho phát triển kinh tế - xã hội
Dự thảo Kế hoạch Bảo vệ và mở rộng nguồn nước do Sở Xây dựng soạn thảo đề ra các mục tiêu: bảo vệ môi trường nước, tăng tỷ lệ cấp nước sạch cho người dân, xây dựng mô hình quản lý môi trường nước mặt phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước.
Sở TN-MT lấy nước sông Đồng Nai kiểm tra chất lượng nước |
Dự thảo đưa ra các giải pháp thực hiện. Ở nhóm bảo vệ nguồn nước mặt, các nhiệm vụ trọng tâm là kiểm soát việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm. Cải tạo, nâng cấp các công trình hồ, đập hướng tới phục vụ đa mục tiêu, trong đó có khai thác nước sạch. Kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước.
Ở nhóm giải pháp mở rộng nguồn nước mặt, Sở Xây dựng cho rằng cần quy hoạch và xây dựng thêm khoảng 10 hồ chứa cho các địa phương xa nguồn nước mặt. Phân bổ khai thác nguồn nước hợp lý, trong đó ưu tiên khai thác nước cấp từ các sông, hồ chứa lớn; các hồ chứa vừa và nhỏ kết hợp thủy lợi và khai thác nước cấp khu vực hạn chế nguồn nước. Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh làm việc với các công ty cấp nước có trách nhiệm đẩy nhanh việc đầu tư tuyến ống chính, hỗ trợ đầu tư một phần tuyến ống nhánh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, nước là nguồn tài nguyên quan trọng. Đồng Nai có nguồn nước mặt dồi dào nhưng nguy cơ ô nhiễm thường trực. Vì thế, cần có kế hoạch bảo vệ và mở rộng nguồn nước đáp ứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội hiện tại và tương lai.
Về giải pháp, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cần phải quản lý chặt chẽ nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Sở Xây dựng và các địa phương phải tham mưu, đề ra lộ trình triển khai dự án xử lý nước thải cụm công nghiệp, đô thị. Đối với việc mở rộng nguồn nước cần đánh giá lại hiện trạng, dự báo nhu cầu tương lai, trên cơ sở đó mới đề xuất công trình, vị trí, công suất. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng hoàn thiện dự thảo theo ý kiến đóng góp của các sở, ngành trong tháng 11 tới.
Sở NN-PTNT rà soát các công trình cấp nước sạch nông thôn, kiến nghị phương án xử lý đối với công trình không hoạt động, hiệu quả thấp; đồng thời theo dõi, báo cáo tiến độ mở rộng đầu tư nước sạch về nông thôn của các doanh nghiệp.
Hoàng Lộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin