Báo Đồng Nai điện tử
En

Thách thức lớn trong giải ngân vốn đầu tư công

Phạm Tùng
09:01, 03/10/2023

Kết thúc quý III-2023, Đồng Nai đang có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Chính vì vậy, tỉnh đang đứng trước thách thức rất lớn trong những tháng còn lại của năm để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công.

Dự án Xây dựng hương lộ 2 (TP.Biên Hòa) thi công cầm chừng vì vướng mặt bằng, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư

Đồng Nai đặt mục tiêu năm 2023 giải ngân đạt trên 95% tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

* Nhiều lý do chậm giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh là hơn 14,7 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết quý III-2023, nguồn vốn đầu tư công đã được giải ngân trên địa bàn tỉnh chỉ đạt xấp xỉ 4 ngàn tỷ đồng, tương ứng với khoảng 27% kế hoạch. Đây là tỷ lệ giải ngân thấp nhất của tỉnh so với cùng kỳ nhiều năm gần đây và thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước.

Theo Phó giám đốc Sở KH-ĐT Trần Vũ Hoài Hạ, nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt thấp là do những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, năng lực chủ đầu tư cũng như các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công các dự án.

Để thực hiện 25 dự án trong năm 2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh được bố trí nguồn vốn hơn 1,1 ngàn tỷ đồng. Tính đến tháng 9, đơn vị đã giải ngân nguồn vốn gần 388 tỷ đồng, đạt hơn 31% kế hoạch vốn được giao. Đáng chú ý, trong 25 dự án được giao triển khai thực hiện, có 4 dự án vẫn chưa thể giải ngân nguồn vốn.

Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Dương Minh Tâm cho biết, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công vẫn nằm ở công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thi công các dự án. Phần lớn các dự án đang triển khai thi công đều bị chậm tiến độ vì thiếu mặt bằng thi công.

Xây dựng khu tái định cư tại xã Long Đức (H.Long Thành) phục vụ dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Xây dựng khu tái định cư tại xã Long Đức (H.Long Thành) phục vụ dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Tương tự, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Ngọc Liên cho biết, công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án trên địa bàn thành phố như: Hương lộ 2 (đoạn 1, giai đoạn 1), Đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu), Đường ven sông Cái (đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản) đều đang gặp vướng mắc.

Lý giải về con số giải ngân vốn đầu tư công 0% sau 9 tháng của năm 2023, lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, do đơn vị tư vấn lập hồ sơ dự án sửa chữa, cải tạo trụ sở làm việc của Sở chưa đạt yêu cầu nên quá trình thẩm định hồ sơ phải chỉnh sửa. Chính vì vậy, đến thời điểm này, đơn vị vẫn chưa giải ngân được nguồn vốn.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, do đơn vị thi công dự án Nâng cấp, sửa chữa hệ thống sân đường, hàng rào, mương thoát nước, vỉa hè của bệnh viện chậm thực hiện hợp đồng nên tỷ lệ giải ngân nguồn vốn của đơn vị đến nay là 0%. 

 

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh QUẢN MINH CƯỜNG: Phải công tâm, khách quan ngay từ khi lựa chọn nhà thầu

Đối với các nhà thầu yếu kém cần lập danh sách báo cáo Sở KH-ĐT để hủy hợp đồng, thanh lý hợp đồng. Đây cũng là bài học để lựa chọn những nhà thầu đủ năng lực, phải công tâm, khách quan ngay từ khi chọn thầu mới giải ngân được vốn đầu tư công, còn nếu chọn nhà thầu “vui vẻ” với nhau sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Đối với các dự án lớn, cơ quan an ninh kinh tế phải vào cuộc ngay từ đầu, vào cuộc để phát hiện những nhà thầu không đủ năng lực.

 

Phó giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Đồng Nai PHẠM VŨ HIỆU: Đã tổ chức đoàn công tác tháo gỡ khó khăn

Thời gian qua, trực tiếp đồng chí Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Đồng Nai đã tổ chức đoàn công tác đến các huyện để gặp gỡ các giám đốc kho bạc nhà nước huyện cũng như ban quản lý dự án để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đến nay, giữa Kho bạc Nhà nước tỉnh Đồng Nai và các đơn vị này đã không còn vướng mắc gì. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, UBND tỉnh cần đôn đốc các đơn vị sớm hoàn thành hồ sơ thanh toán khối lượng các công trình để Kho bạc Nhà nước tỉnh Đồng Nai thanh toán.

Quỳnh Nhi (ghi)

* Phải sớm tháo gỡ các vướng mắc

Ngày 27-9 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh các tháng cuối năm 2023. Trong đó, UBND tỉnh tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu trong năm 2023 phấn đấu tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh phải đạt trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Điều này đồng nghĩa, trong hơn 3 tháng còn lại của năm, tỉnh phải giải ngân được 68% tổng vốn trở lên.

Thi công dự án Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt
Thi công dự án Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, thời gian còn lại của năm rất ngắn, trong khi khối lượng công việc còn lại rất nhiều. Chính vì vậy, các cơ quan liên quan phải sớm có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có một số dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Nguồn vốn này chỉ có thời hạn giải ngân đến hết năm 2023, nếu không thể giải ngân hết nguồn vốn này thì sang năm sẽ không được Trung ương hỗ trợ vốn. 

“Nguồn vốn bố trí cho công tác đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng chiếm khối lượng khoảng 2/3 tại mỗi công trình. Do đó, nếu giải tỏa được các vướng mắc, giải ngân được nguồn vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng thì tỷ lệ giải ngân vốn sẽ đạt kết quả khả quan hơn” - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức phân tích.

Để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu các địa phương trong thời gian còn lại của năm 2023 phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy, con người thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng quy trình phối hợp theo hướng chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ. Thành lập các tổ vận động bàn giao mặt bằng để làm công tác vận động người dân bàn giao mặt bằng. Phải cải tổ bằng được đội ngũ và quy trình phối hợp theo hướng chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm chính đối với tiến độ công tác giải phóng mặt bằng các dự án.

Cùng với đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên. Xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Kịp thời thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà cũng như kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, từng quý.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều