Với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, Đông Nam bộ dẫn đầu trong phát triển nông nghiệp khi vừa là vùng chăn nuôi trọng điểm, vừa thuộc tốp đầu về phát triển cây ăn trái của cả nước.
Với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, Đông Nam bộ (ĐNB) dẫn đầu trong phát triển nông nghiệp khi vừa là vùng chăn nuôi trọng điểm, vừa thuộc tốp đầu về phát triển cây ăn trái của cả nước. Các tỉnh ĐNB còn có thế mạnh về phát triển thị trường cho nông sản khi đang hình thành các trung tâm cung ứng, chế biến, các chuỗi logistics dành riêng kết nối tiêu thụ nông sản.
Nông sản của các tỉnh, thành Đông Nam bộ tham gia Hội chợ xuất khẩu năm 2023 tại TP.HCM. Ảnh: B.NGUYÊN |
Các địa phương thuộc ĐNB, đặc biệt là Đồng Nai, có sự hợp tác chặt chẽ trong xây dựng, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
* Nhiều lợi thế về thị trường
Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và cũng là hạt nhân của khu vực Đông - Tây Nam bộ, TP.HCM được đánh giá là đầu mối giao thương hàng hóa nội địa và quốc tế. Đặc biệt, hầu hết nông sản, thủy sản của khu vực phía Nam được doanh nghiệp (DN) thành phố tập kết và xuất khẩu thông qua các cảng tại TP.HCM.
Tăng cường kết nối hai chiều giữa vùng nguyên liệu và DN xuất khẩu với TP.HCM - “cực nam châm” tăng trưởng sẽ là tiền đề quan trọng để nông sản Việt vươn xa. Đây cũng là một trong những chủ đề chính của hội nghị kết nối thông tin thị trường xuất khẩu với chủ đề “Nông sản Việt Nam vươn xa” vừa tổ chức tại TP.HCM. Việc DN đẩy mạnh kết nối 2 chiều giữa vùng nguyên liệu và DN xuất khẩu sẽ là tiền đề quan trọng để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày Đồng Nai cung ứng cho thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận gần 5 ngàn con heo thịt. Bên cạnh đó, Đồng Nai là nơi cung ứng nhiều gia cầm, trứng cho vùng ĐNB. |
Đồng Nai có lợi thế có vùng nguyên liệu sản xuất cây ăn trái lớn với diện tích gần 76,7 ngàn ha. Tỉnh cũng đi đầu trong làm mã số vùng trồng và nhân rộng các vùng sản xuất tập trung đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu. Theo đó, Đồng Nai là vùng nguyên liệu lớn luôn thu hút được các DN của cả vùng ĐNB về hợp tác đầu tư.
Công ty TNHH Thương mại quốc tế Sofia Shanghai (ở tỉnh Bình Dương) là DN có hơn 10 năm gắn bó với ngành xuất - nhập khẩu trái cây tươi Việt Nam, nhất là trái chuối. DN này rất quan tâm đến việc hợp tác xuất khẩu trái chuối tại Đồng Nai.
Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại quốc tế Sofia Shanghai Tạ Tổ Tường cho biết, ngành trồng chuối Việt Nam không ngừng phát triển, chất lượng và hương vị chuối cũng không ngừng được nâng cao nên ngày càng có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Vài năm trở lại đây, DN nhập khẩu chuối từ Việt Nam nói chung, của Đồng Nai nói riêng không ngừng tăng nhanh và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Về chăn nuôi, ĐNB đang đi đầu trong xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhận xét về phát triển thị trường cho sản phẩm chăn nuôi của vùng ĐNB, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quốc Toản khẳng định, ĐNB là cực tăng trưởng kinh tế - xã hội của phía Nam và cả nước. Đây là vùng sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực như trái cây và các nhóm thực phẩm, cũng như chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi vô cùng quan trọng. Vùng ĐNB đã có các chuỗi phân phối, nhất là TP.HCM với các chợ đầu mối, chuỗi siêu thị, các cửa hàng thực phẩm tiện lợi… để nâng cao năng lực phân phối tại chỗ, phát huy tăng trưởng nội địa.
* Kết nối để khai thác thị trường vùng
Các tỉnh, thành vùng ĐNB như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… đang hình thành các trung tâm cung ứng, chế biến nông sản, các chuỗi logistics dành riêng kết nối tiêu thụ nông sản. Trong đó, các địa phương ĐNB có sự hợp tác chặt chẽ trong xây dựng, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản của cả vùng.
Đồng Nai là tỉnh đầu tiên xuất khẩu thịt gà Về phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm chăn nuôi, vùng Đông Nam bộ cũng đang dẫn đầu cả nước khi Công ty TNHH Koyu & Unitek tại Đồng Nai đi tiên phong xuất khẩu thịt gà và sản phẩm chế biến từ thịt gà vào thị trường khó tính Nhật Bản. Tiếp theo là Công ty TNHH CPV Food Bình Phước xây dựng thành công chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh từ nhà máy thức ăn, con giống, trang trại chăn nuôi gà thương phẩm, nhà máy giết mổ, chế biến sản phẩm xuất khẩu. Một số công ty, tập đoàn lớn trong chăn nuôi của các tỉnh, thành Đông Nam bộ cũng đang triển khai các dự án chăn nuôi an toàn để xuất khẩu. |
Từ nhiều năm qua, Sở NN-PTNT Đồng Nai đã hợp tác với TP.HCM triển khai nhiều đề án, kế hoạch hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi và nhiều nông sản khác. TP.HCM hiện là thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Đồng Nai, nhất là các sản phẩm chăn nuôi. Trong đó, vấn đề hợp tác được 2 địa phương đặc biệt quan tâm là đẩy mạnh thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng chuỗi cung ứng an toàn về nông sản, sản phẩm chăn nuôi cung cấp vào thị trường TP.HCM.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang cho biết, chương trình thực hiện truy xuất sản phẩm heo, gà trên địa bàn tỉnh ngày càng thu hút đông đảo DN, cơ sở giết mổ và các trang trại chăn nuôi tham gia. Ngoài ra, nhiều kênh bán lẻ hiện đại và truyền thống trên địa bàn tỉnh sẽ được tăng cường, mở rộng hoạt động truy xuất các sản phẩm chăn nuôi theo hướng công nghệ cao; quản lý sản phẩm từ trang trại, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến đến các kênh phân phối, bán lẻ. Việc thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi không chỉ giúp cho việc quản lý chăn nuôi thuận lợi hơn, mà quan trọng là góp phần nâng giá trị cho thịt heo, gà của Đồng Nai ở cả thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Trong lĩnh vực trồng trọt, Đồng Nai là vùng nguyên liệu lớn thu hút DN xuất khẩu, chế biến nông sản, trái cây tươi của vùng ĐNB quan tâm, đầu tư.
Một doanh nghiệp tại TP.Biên Hòa tổ chức pha lóc thịt heo cung cấp cho thị trường TP.HCM |
Bà Liêu A Kiều, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Kelly Swangle (TP.HCM) cho hay, DN đã đầu tư xưởng sơ chế, đóng gói chuối xuất khẩu tại H.Trảng Bom. Vị thế của trái chuối tươi Việt Nam trên thị trường quốc tế đang tăng lên. Hiện có nhiều đối tác muốn ký hợp đồng dài hạn với số lượng lớn xuất khẩu trái chuối tươi nói riêng, mặt hàng trái cây tươi nói chung nên DN đang mở rộng vùng nguyên liệu chuối tại Đồng Nai để có sản lượng lớn và đồng nhất về chất lượng cung cấp cho thị trường xuất khẩu.
Góp ý về những giải pháp để nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng thịt và trứng gia cầm vùng ĐNB, Trưởng phòng Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi (Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản) Vũ Cường cho rằng, các tỉnh, thành ĐNB đã hình thành các chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Đây là cơ sở để vùng ĐNB tiếp tục phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chăn nuôi và nông sản sát với nhu cầu thị trường và theo chuỗi liên kết để có đầu ra bền vững.
Bình Nguyên