Báo Đồng Nai điện tử
En

Đông Nam bộ, vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước

08:01, 14/01/2023

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 đã đề ra định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội với 6 vùng trên cả nước; trong đó, vùng Đông Nam bộ được định hướng trở thành vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 đã đề ra định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội với 6 vùng trên cả nước; trong đó, vùng Đông Nam bộ được định hướng trở thành vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.

Vùng Đông Nam bộ được định hướng trở thành vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. Trong ảnh: Cảng Phước An, cảng biển lớn nhất của Đồng Nai đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: P.Tùng
Vùng Đông Nam bộ được định hướng trở thành vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. Trong ảnh: Cảng Phước An, cảng biển lớn nhất của Đồng Nai đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: P.Tùng

Có 4 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ gồm: TP.HCM, Đồng  Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu được xác định trở thành vùng động lực phía Nam và TP.HCM là cực tăng trưởng.

* Đóng góp 32% GDP cả nước

Vùng Đông Nam bộ từ lâu đã được xác định là vùng kinh tế đầu tàu, động lực của cả nước. Đây là vùng có địa hình rộng, đa dạng, thuận lợi phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đô thị, xây dựng hệ thống giao thông - vận tải...

Các tỉnh, thành trong vùng liên kết, tiếp giáp với nhiều vùng khác như: phía Bắc giáp với Nam Trung bộ và Nam Tây nguyên, là những vùng giàu tài nguyên, khoáng sản; phía Tây và Tây - Nam giáp đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tiềm năng lớn nhất về nông nghiệp của cả nước; phía Đông và Đông Nam giáp Biển Đông, giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhất là tài nguyên hải sản, dầu mỏ và khí đốt, cũng như thuận tiện kết nối với tuyến đường biển quốc tế quan trọng, nhộn nhịp bậc nhất thế giới, kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương; phía Tây Bắc tiếp giáp với Campuchia, có cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh), tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác với Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar theo tuyến đường bộ xuyên Á.

Theo quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 3 hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030, trong đó có hành lang kinh tế Mộc Bài - TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu gắn với hành lang kinh tế xuyên Á, là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Tây nguyên.

Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, những năm qua, vùng Đông Nam bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng Đông Nam bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và gấp 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Vùng Đông Nam bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.

Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch theo hướng hiện đại, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh; tỉ trọng khu vực dịch vụ vượt mục tiêu đề ra; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ cao nhất cả nước.

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, vùng Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.

* Phát triển hạ tầng, đô thị kết nối

Cuối năm 2022, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai quyết liệt, hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức các bộ, cơ quan trung ương và địa phương vùng Đông Nam bộ. Trong đó, phát triển hạ tầng và đô thị được xem là “điểm nhấn” tạo ra động lực phát triển cho vùng Đông Nam bộ.

Theo Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thắng, vùng Đông Nam bộ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; là đầu tàu kinh tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước với vùng động lực TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vùng Tàu; đồng thời, là vùng kinh tế năng động, đầu mối giao thông quan trọng với đầy đủ 5 phương thức vận tải, đóng vai trò kết nối quan trọng trong giao thương với cả nước và quốc tế.

Tuy nhiên, dự báo nhu cầu vận tải vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ.

Chính vì vậy, trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với TP.HCM, cảng hàng không quốc tế Long Thành, cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải đặc biệt được chú trọng. Hiện nay, Bộ GT-VT đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4/5 quy hoạch ngành quốc gia, đây sẽ là cơ hội tốt để tích hợp trong quy hoạch vùng, quy hoạch các tỉnh, thành trong vùng, góp phần hình thành một hệ thống giao thông vận tải hoàn chỉnh, đồng bộ, tạo tiền đề, là động lực để duy trì vị thế là trung tâm động lực kinh tế của cả nước.

Trong đó, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ, vùng Đông Nam bộ sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây, các tuyến cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP.HCM; cùng với 20 tuyến quốc lộ dài khoảng 1.743km sẽ đảm nhận vận tải hành khách, hàng hóa để kết nối liên vùng. Bộ GT-VT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam bộ khoảng 413 ngàn tỷ đồng.

Với vị thế vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, vùng Đông Nam bộ cũng là vùng có hệ thống đô thị phát triển bậc nhất, trong đó, TP.HCM đóng vai trò đô thị trung tâm, đô thị lớn nhất vùng và của cả nước.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, theo thống kê, hiện dân số toàn vùng Đông Nam bộ khoảng 18,3 triệu người, chiếm 22% dân số cả nước; trong đó có tới 14,9 triệu người ở khu vực đô thị, đạt tỷ lệ đô thị hóa hơn 67%, cao nhất trong các vùng kinh tế - xã hội của cả nước và cao hơn nhiều tỷ lệ đô thị hóa bình quân chung cả nước năm 2022 là 41%.

Dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng quá trình phát triển đô thị của vùng Đông Nam bộ cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức làm hạn chế tiềm năng, thế mạnh và sự phát triển đô thị.

Là vùng kinh tế phát triển bậc nhất cả nước, Đông Nam bộ, đặc biệt là các đô thị lớn của vùng, thu hút rất đông dân cư đến làm ăn, sinh sống nên có tốc gia tăng dân số cơ học nhanh, mật độ dân số đô thị lớn. Chính điều này đã tạo ra sức ép rất lớn cho hạ tầng kỹ thuật và cho việc giải quyết các vấn đề về nhà ở, y tế, giáo dục, an sinh xã hội.

Để nâng cao chất lượng đô thị vùng Đông Nam bộ, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, cần quan tâm chú trọng các giải pháp tổng thể, tập trung phát triển hệ thống giao thông đường bộ, mạng lưới đường sắt đô thị nội vùng nhằm tăng cường kết nối vùng đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều