Hầm sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) lại tiếp tục xuất hiện những vết nứt mới. Là hạng mục quan trọng nhất trong dự án xa lộ Đông - Tây nhưng thời gian gần đây, sự xuất hiện hàng loạt vết nứt mới, dày đặc và dài hơn vết cũ trên nóc đốt giữa hầm và cả dưới nền khiến người dân rất lo lắng.
Hầm sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) lại tiếp tục xuất hiện những vết nứt mới. Là hạng mục quan trọng nhất trong dự án xa lộ Đông - Tây nhưng thời gian gần đây, sự xuất hiện hàng loạt vết nứt mới, dày đặc và dài hơn vết cũ trên nóc đốt giữa hầm và cả dưới nền khiến người dân rất lo lắng.
Bằng mắt thường và nhìn từ xa vẫn thấy rõ những vết nứt dài từ 0,5m - 2 m ở cả làn đường dành cho xe 2 bánh và làn đường dành cho ô tô, cả 2 chiều từ quận 2 và quận 1. Chủ đầu tư đã cho trám xi măng lại và hiện tại, hầm vẫn cho xe lưu thông bình thường.
* Chi chít vết nứt
Tình trạng nứt của công trình này đã xuất hiện ngay trong quá trình đúc đốt hầm. Sau nhiều biện pháp khắc phục, dìm hầm, các vết nứt và hiện tượng thấm nước tiếp tục xuất hiện. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, nhà thầu thi công phải tiến hành duy tu, chống thấm nước nhiều đợt.
Hầm sông Sài Gòn và những vết nứt dài trong đường hầm (ảnh nhỏ). |
Tuy nhiên, trong những ngày này, nếu ai lưu thông qua hầm sông Sài Gòn, sẽ dễ dàng nhận thấy hàng chục vết nứt cả mới lẫn cũ chi chít nhau với mật độ dày. Theo quan sát của người dân, ban đầu những vết nứt này còn nhỏ, hẹp, khó thấy bằng mắt thường, nhưng sau các đợt duy tu chống thấm, các vết nứt này mới được thấy rõ hơn vì nhà thầu tiến hành bơm keo, trám trét lại. Những vết nứt được trám trét tạo thành những đường ngoằn ngoèo khắp đường hầm. Khu vực nhiều vết nứt là làn đường dành cho xe máy. Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị thành phố, trong phương án sửa chữa thấm đường hầm sông Sài Gòn do nhà thầu Obayashi đề xuất và được tư vấn giám sát chấp thuận, công tác sửa chữa thấm đường hầm sẽ có nhiều đợt cách nhau để quan trắc, đánh giá hiệu quả và chuẩn bị triển khai bước tiếp theo.
Những thông tin trên báo chí gần đây làm người dân lo lắng: Không ai lường trước được sẽ có chuyện gì xảy ra.
* Liệu có an toàn?
Trả lời báo chí mới đây, ông Lương Minh Phúc, đại diện chủ đầu tư hầm sông Sài Gòn khẳng định: “Các vết nứt do co ngót bê tông ở bề mặt, hoàn toàn không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực và chống thấm của bản đáy đường hầm”.
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (thuộc Sở Giao thông - vận tải), từ ngày khánh thành đến nay, hầm sông Sài Gòn đã xảy ra 85 lỗi hệ thống thiết bị. Các lỗi này xuất hiện ở các hệ thống: điện, thông gió, thoát nước và chữa cháy, thông tin liên lạc và quan sát đường hầm. |
Cũng theo ông Phúc, những vết nứt ở hầm sông Sài Gòn chỉ xuất hiện trên bề mặt lớp bê tông phủ đường hầm trong giai đoạn thi công, đã được tư vấn giám sát và nhà thầu thi công kiểm tra, xử lý “đạt yêu cầu kỹ thuật” trước khi đưa đường hầm vào sử dụng. Cụ thể là: theo thiết kế, kết cấu bản đáy đường hầm sông Sài Gòn có 3 lớp. Trên cùng là bê tông phủ bề mặt (nơi xuất hiện các vết nứt) dày bình quân 0,2m có chức năng tạo độ dốc bề mặt đường hầm. Tiếp theo là lớp bê tông dằn (dày 0,8-1,2 m) có chức năng chịu lực và tạo trọng lực cân bằng cho đường hầm. Dưới cùng là lớp bê tông bản đáy (dày 1,2 m) là kết cấu chịu lực chính.
Theo chủ đầu tư, việc xuất hiện vết nứt do co ngót bê tông ở bề mặt lớp phủ trên cùng hoàn toàn không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực và khả năng chống thấm của bản đáy đường hầm. Việc lưu thông qua lại hầm vẫn đảm bảo an toàn.
Mạnh Trần