Báo Đồng Nai điện tử
En

Chặng đường đi tới du lịch xanh

07:04, 01/04/2023

Năm Du lịch quốc gia 2023 vừa được khai mạc tại tỉnh Bình Thuận với chủ đề "Hội tụ xanh". Đây là sự kiện lớn về du lịch với quy mô cấp quốc gia, thu hút các tỉnh, thành trên cả nước tham gia để quảng bá hình ảnh, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam đến với người dân trong nước và quốc tế.

Năm Du lịch quốc gia 2023 vừa được khai mạc tại tỉnh Bình Thuận với chủ đề “Hội tụ xanh”. Đây là sự kiện lớn về du lịch với quy mô cấp quốc gia, thu hút các tỉnh, thành trên cả nước tham gia để quảng bá hình ảnh, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam đến với người dân trong nước và quốc tế. Đồng thời, đây cũng là dịp để các tỉnh, thành trên cả nước cùng liên kết phát triển du lịch.

Hiện nay, du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam và Chính phủ đã có những chính sách để thu hút đầu tư, khai thác, phát triển tiềm năng du lịch. Trong đó, Việt Nam hướng đến xây dựng các khu du lịch xanh để góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu.

Tại Đồng Nai du lịch được coi là ngành kinh tế quan trọng và tỉnh đang khuyến khích mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các dự án du lịch lớn với trên 1 tỷ USD. Trong đó, lợi thế của tỉnh là có nhiều rừng tự nhiên, sông, hồ, thác, các vườn cây ăn trái. Tỉnh cũng định hướng sẽ phát triển các khu du lịch sinh thái đảm bảo các tiêu chí xanh thân thiện với môi trường. Trong phát triển du lịch của tỉnh, môi trường luôn được xem trọng và đặt lên hàng đầu nên Đồng Nai sẽ không hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, chặng đường đi tới du lịch xanh không phải dễ dàng. Vì khi doanh nghiệp đầu tư vào các dự án du lịch sẽ tìm cách khai thác hết các tiềm năng sẵn có, xây dựng thêm những công trình để thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Theo đó, từ quá trình thẩm định hồ sơ, cấp phép đầu tư, đến thi công dự án, hoàn thành đưa vào khai thác cần được rà soát và theo dõi kỹ càng để yêu cầu chủ dự án thực hiện đúng quy hoạch, các cam kết về du lịch xanh. Những năm gần đây, nhất là sau đại dịch Covid-19, xu hướng của khách du lịch trong nước cũng như thế giới muốn tìm đến những khu, điểm du lịch xanh còn giữ được nhiều phong cảnh tự nhiên thanh bình. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy các nhà đầu tư dự án du lịch chú ý hơn đến việc bảo vệ cảnh quan tự nhiên và phát triển bền vững.

Trong các dự án du lịch sinh thái của tỉnh đang mời gọi đầu tư như: Safari, Hồ Bà Hào (H.Vĩnh Cửu); Thác Mai, Bàu nước sôi (H.Định Quán); Hồ Đa Tôn (H.Tân Phú); núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc); rừng ngập mặn Long Thành (H.Nhơn Trạch)… đều sử dụng đất rừng. Tỉnh sẽ cho các doanh nghiệp thuê đất rừng để triển khai dự án, nhưng trước khi cho thuê sẽ kiểm kê chi tiết cây rừng và bắt buộc nhà đầu tư phải đảm bảo giữ nguyên các cây rừng. Đồng thời, quá trình chủ đầu tư dự án khai thác các tiềm năng từ rừng cho phát triển du lịch phải giảm tối đa việc ảnh hưởng đến bảo tồn, đa dạng sinh học của rừng.

 Hiện nay, Đồng Nai là nơi còn giữ được rừng tự nhiên lớn nhất khu vực Đồng Nam bộ với trên 120 ngàn ha. Các cánh rừng của Đồng Nai được ví như lá phổi xanh cho toàn khu vực. Do đó, dù tỉnh đang ưu tiên mời gọi phát triển du lịch sinh thái rừng kết hợp với hồ, sông, thác nhưng chỉ chọn những nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm để phát triển các khu, điểm du lịch xanh.

Uyển Nhi

Tin xem nhiều