Báo Đồng Nai điện tử
En

Di tích văn hóa, lịch sử - nơi lưu giữ hồn cốt cù lao Phố

01:01, 15/01/2023

Trên cù lao chỉ rộng khoảng 690ha, diện tích chỉ thuộc loại trung bình của TP.Biên Hòa, nhưng cù lao Phố (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) có nhiều chùa Phật, chùa Hoa, tịnh xá, biểu tòa Cao Đài; cùng hàng chục đình, miếu lớn nhỏ… Trong số đó, có đến 4 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Các đình, chùa, miếu… ở cù lao Phố không chỉ nhiều về số lượng mà còn đa dạng, độc đáo về loại hình văn hóa tín ngưỡng.

Trên cù lao chỉ rộng khoảng 690ha, diện tích chỉ thuộc loại trung bình của TP.Biên Hòa, nhưng cù lao Phố (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) có nhiều chùa Phật, chùa Hoa, tịnh xá, biểu tòa Cao Đài; cùng hàng chục đình, miếu lớn nhỏ… Trong số đó, có đến 4 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Các đình, chùa, miếu… ở cù lao Phố không chỉ nhiều về số lượng mà còn đa dạng, độc đáo về loại hình văn hóa tín ngưỡng.

Chùa Đại Giác
Chùa Đại Giác

Đình Bình Kính - nơi thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh

Thôn Bình Hoành thuộc cù lao Phố (còn gọi là Bình Kính Đông) xưa kia vừa có đình thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng chi thần vừa có đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, người có công hành chính hóa vùng đất Nam bộ vào lãnh thổ nước ta vào năm 1698.

Trong cuốn Lịch sử và văn hóa cù lao Phố có ghi: “Năm 1700, ông (Nguyễn Hữu Cảnh - PV) bị bạo bệnh mất ở cù lao Chưởng. Thôn Bình Hoành là một trong các nơi đình cửu (chỗ để quan sát tài đình trú) nên nhân đó dân chúng lập đền thờ để tưởng nhớ người có công khai cương thác địa”.

Là ngôi đình duy nhất trên đất cù lao thờ một nhân vật lịch sử có công lớn trong việc mở mang bờ cõi, đình Bình Kính được Trịnh Hoài Đức đánh giá là “miếu võ trang nghiêm” xây dựng trên vùng “địa linh”: “Trước mặt đền ngó xuống sông Phước Giang, lấy tảng đá lớn làm thủy thành, dưới đấy có con cá gáy gấp gió giỡn sóng, bơi lượn ra vào, khi gió mưa nước chọi vào đá tiếng vang ồ ạt, sóng dậy chập chờn, thanh oai lẫm liệt”. Sau đó, đình chịu số phận như Nông Nại Đại Phố, cuối thế kỷ XVIII hương khói lãnh đạm.

Đến năm Tự Đức thứ tư (1851), đình thờ Nguyễn Hữu Cảnh bị đất lở sụp phải dời đi. Đến cuối thế kỷ XIX, người dân đồng tâm cải đình Bình Hoành thành đình Bình Kính trang nghiêm thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Ông được người dân tôn thờ, thành kính biết ơn như một vị phúc thần của làng xã, thay thế Bổn Cảnh Thành Hoàng chi thần. Trong di tích, có câu đối ngưỡng vọng công ơn ông: “Định rừng núi sông, lương dân đều được hưởng. Mở mang bờ cõi, thiên hạ thảy chung nhờ”.

Đình Bình Kính là nơi thờ Nguyễn Hữu Cảnh và thờ những đạo sắc cấp thời Minh Mạng và Thiệu Trị, nơi được cấp sắc sớm nhất Nam bộ. Nơi huyền táng linh cửu ông, người dân xây mộ để tưởng vọng. Vào ngày 16-5 hàng năm, người dân tổ chức lễ giỗ của ông rất trang trọng.

Chùa Đại Giác - một trong 3 ngôi chùa cổ được khai phá sớm ở Đồng Nai

Nằm trên đường Đỗ Văn Thi, P.Hiệp Hòa, Đại Giác là ngôi cổ tự vẫn giữ được nét linh thiêng với lối kiến trúc cổ kính, chính diện là pho tượng Phật Quan âm Nam Hải trên tòa sen dưới tán cây bồ đề xanh mát. Trong không gian trầm mặc, thoang thoảng làn hương và tiếng chuông chùa, những vị khách đến chiêm bái cũng vọng tưởng về một nét xưa của vùng đất phương Nam.

Hiệp Hòa như tên gọi của nó, không chỉ là sự hiệp nhất của ba làng Nhứt Hòa, Nhị Hòa, Tam Hòa mà là sự hiệp nhất 11 thôn/ làng cũ thành một phường/xã với mỗi thôn cũ là một ngôi đình.

Được biết đến là ngôi chùa gắn liền với những câu chuyện truyền khẩu kỳ bí, chùa Đại Giác, do thiền sư Giác Liễu khai sơn từ thế kỷ XVII còn là chứng tích về con đường truyền bá Phật giáo từ những ngày đầu mở đất phương Nam. Chùa còn được gọi là chùa Phật lớn (tương truyền vua Gia Long cúng cho chùa một pho tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít rất lớn). Sách Đại Nam nhất thống chí cho rằng chùa xây dựng từ thời xa xưa nhưng không rõ năm nào.

Tương truyền vào cuối thế kỷ XVIII, gia đình chúa Nguyễn có thời gian tạm trú tại chùa nên năm 1820, công chúa Ngọc Anh (con thứ ba vua Gia Long) đã cúng một bức hoành khắc ba chữ “Đại Giác Tự”. Nhân dịp này chùa Đại Giác cũng được triều đình đặc ân trùng tu mở rộng. Di tích hiện tại của chùa Đại Giác được tái thiết vào những năm 1959, nhưng vẫn còn giữ theo thức “tứ trụ” truyền thống và bảo lưu số di tượng cổ. Theo công trình Lịch sử và văn hóa cù lao Phố: “đặc biệt nữa là tại chùa Đại Giác có hai tượng Tiêu Diện đại sĩ. Một tượng thờ thường xuyên tại chùa. Một tượng dùng để rước ra chẩn tế cô hồn trong các ngày lễ trai đàn bạt độ. Điều đó chứng tỏ rằng ngành ứng phú tại cù lao Phố phát triển mạnh”…

Ngôi chùa này còn lưu truyền câu chuyện tình vừa lãng mạn nhưng bi ai của công chúa Ngọc Anh trên đường chạy trốn quân Tây Sơn đã đến lánh nạn (1779) ở chùa Đại Giác. Đây là mối tình đơn phương và bi ai với cái kết là thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đã phát hỏa tự thiêu để giữ vẹn tiết hạnh, còn công chúa cũng quyên sinh ở hậu viên chùa Đại Giác.

Chùa Đại Giác được xếp hạng Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, thu hút được nhiều du khách gần xa đến tham quan, chiêm bái. Chùa cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội, chia sẻ với người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Thất phủ cổ miếu - một trong những chùa cổ của cộng đồng người Hoa trên đất Nam bộ

Năm 1679, nhóm bình dân người Hoa theo Trần Thượng Xuyên đến lập nghiệp ở Biên Hòa. Họ góp phần làm cho cù lao Phố trở thành Nông Nại Đại Phố - một trung tâm thương lại lớn của xứ Gia Định. Năm 1684, Miếu Quan Đế được xây dựng để làm nơi thờ phụng Quan Công. Theo Gia Định thành thông chí thì đây là một “miếu điện nguy nga, có đắp tượng cao hơn một trượng, phía sau là quán Quan Âm, ngoài bao tường gạch, có con lân đá ngồi bốn góc, cùng với Hội quán Phước Châu đầu phía tây đường lớn và Hội quán Quảng Đông là 3 cái đền lớn”...

Sau các biến cố cuối thế kỷ XVII, cù lao Phố suy tàn, phố xá bị tàn phá, nhưng Miếu Quan Đế vẫn còn duy trì. Từ đó đến nay, miếu được trùng tu, trùng kiến, trở thành di tích kiến trúc - lịch sử quan trọng của vùng đất này. Đông đảo người dân địa phương và khách phương xa đến hành hương và lễ bái, nhất là lễ hội chùa Ông diễn ra vào tháng Giêng hàng năm. Ngoài phần lễ đặc trưng thì lễ hội chùa Ông còn có các hoạt động kết nối cộng đồng như biểu diễn lân - sư - rồng, thả hoa đăng trên sông Đồng Nai, biểu diễn võ thuật, hoạt cảnh sân khấu…

Ngoài lễ vía các thần, chùa Ông còn là nơi thu hút nhiều người dân đến lễ bái, cầu an... Chị Lý Thị Hồng Nhung (ngụ P.Hiệp Hòa) chia sẻ: “Những lúc rảnh rỗi hay gặp ưu phiền tôi thường hay đến đây vãn cảnh chùa, phóng sinh trên sông Đồng Nai và dâng hương cầu xin sức khỏe và tài lộc cho gia đình. Vào đầu năm tôi cũng hay tham dự lễ hội chùa Ông, thấy tâm thanh thản, bình yên hơn”.

Đình Bình Quan gắn liền với phong trào đấu tranh cách mạng

Cũng giống như đa số đình làng khác, đình Bình Quan được dựng chỗ đất cao ráo, có phong cảnh đẹp, giao thông thuận lợi để dân làng lui tới thường xuyên. Để tôn tạo phong cảnh xung quanh, từ lối vào và trong khuôn viên đình Bình Quan, người dân trồng những loại cây thích hợp với vùng đất thấp thường ngập nước, bóng cây tỏa mát quanh năm.

Đình Bình Quan
Đình Bình Quan

Đình Bình Quan còn một biển hiệu làm khoảng giữa thế kỷ XIX khắc bốn chữ “Bình Quan Võ Miếu”. Đây cũng là khoảng thời gian được cho là xây dựng đình. Tiền đình được dựng với cấu trúc nhà gồm 3 gian 2 chái. Chánh điện với trung tâm thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh. Ngoài ra, dân làng còn phối thờ: Tả ban, Hữu ban, Thổ thần, Tiên sư Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ, Ngũ hành nương nương… Đình Bình Quan hiện còn thờ anh hùng liệt sĩ của P.Hiệp Hòa.

Trước đây, đình Bình Quan là ngôi nhà vuông của ấp Tam Hòa. Theo các nhà nghiên cứu, nhà vuông là những ngôi nhà chỉ có cột, kèo và mái che, tứ phía trống trải, thường được dựng ở những nơi giao thông thuận tiên để bà con hội họp, cúng tế cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt… Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình Bình Quan là cơ sở cách mạng, là điểm tập hợp hoạt động của lực lượng Thanh niên Tiền phong thời kháng Pháp. Còn trong thời kỳ chống Mỹ, đây là nơi học tập chính trị, địa bàn tập kết, cất giấu lương thực, tài liệu… của lực lượng cách mạng.

Hàng năm, đông đảo người dân đến đình Bình Quan tham dự lễ cầu an được tổ chức vào ngày 15 và 16-11 âm lịch. Ngoài ra, kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 hàng năm, đình tổ chức lễ dâng hương, tưởng niêm anh hùng liệt sĩ của địa phương.

Lâm Viên - Nhật Hạ

Tin xem nhiều