Báo Đồng Nai điện tử
En

Ta thà đọc sách với chơi hoa

07:10, 15/10/2022

Ngày 14-10, học giả An Chi (Võ Thiện Hoa) được an nghỉ hỏa táng, khép lại cuộc đời "rong chơi miền chữ nghĩa" với nhiều tra cứu "chuyện Đông, chuyện Tây" công phu, giá trị, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt cho muôn đời sau.

Chân dung học giả An Chi (1935-2022) do nhà báo/họa sĩ Huỳnh Dũng Nhân vẽ ngày 12-10-2022 khi vừa hay tin ông qua đời
Chân dung học giả An Chi (1935-2022) do nhà báo/họa sĩ Huỳnh Dũng Nhân vẽ ngày 12-10-2022 khi vừa hay tin ông qua đời

Ngày 14-10, học giả An Chi (Võ Thiện Hoa) được an nghỉ hỏa táng, khép lại cuộc đời “rong chơi miền chữ nghĩa” với nhiều tra cứu “chuyện Đông, chuyện Tây” công phu, giá trị, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt cho muôn đời sau.

Nhà ngữ học lừng danh Cao Xuân Hạo (1930-2007) từng gọi An Chi là “nhân vật huyền thoại”. Nếu trong giới học thuật Việt Nam, Cao Xuân Hạo là nhà nghiên cứu ngôn ngữ học hàng đầu với nhiều đầu sách và bài báo khoa học công phu về các vấn đề của tiếng Việt thì An Chi với tình yêu thích chữ nghĩa, cội nguồn tiếng Việt đã truyền cảm hứng lớn cho rất nhiều thế hệ người đọc yêu kiến thức quan tâm, trân quý “tiếng nước tôi”.

Từ “Chuyện Đông chuyện Tây”

Hãng phim TFS-HTV trong phóng sự truyền hình về An Chi đã gọi ông là “hành trình thầm lặng”. Thật vậy, An Chi là người không có bằng cấp cao, không danh phận lớn theo kiểu “quyền cao chức trọng”, ông cũng rất khiêm tốn khi không thừa nhận mình là “một học giả”. Thế nhưng sức lao động của ông trong nghiên cứu, sưu tra để giải đáp ngọn nguồn tiếng Việt đã để lại cho đời một “gia tài chữ nghĩa” đồ sộ và đáng kính trọng.

An Chi được độc giả yêu mến bởi trong cách giải đáp về từ nguyên, gốc từ tiếng Việt, tác giả liên hệ đến những kiến thức về văn hóa, xã hội, văn học... để những thông tin, dẫn cứ và kết luận (hoặc tạm kết luận) của mình tiếp cận độc giả một cách đa chiều, dí dỏm lý thú và hấp dẫn. Bởi theo lời ông, “từ nguyên liên quan tới nhiều thứ trên đời lắm”.

Bộ sách để đời của tác giả An Chi
Bộ sách để đời của tác giả An Chi

Để đưa ra được nhiều kiến giải khoa học liên quan đa chiều đến ngôn ngữ, thành ngữ, nhân vật, địa danh, điển tích, biểu tượng, khái niệm xưa, từ thường dùng trong đời sống hằng ngày..., An Chi đã phải sưu tra từ hàng trăm cuốn sách từ cổ chí kim đầy giá trị và quý hiếm mà ông mua và có được trong nhiều năm trời. Để điều gì ông công bố đều “nói có sách, mách có chứng”, dựa trên tinh thần làm việc cẩn trọng, nghiêm túc và cầu toàn.

Về sau này, dưới sự phát triển của mạng xã hội, học giả còn đăng lên Facebook cá nhân để người yêu thích ngôn ngữ gần xa có thể cùng bàn luận, bày tỏ ý kiến, góp thêm giải thích, rộng đường dư luận. An Chi được biết đến không chỉ là người tự học không ngừng để vun bồi kiến thức cho bản thân mà còn là người cầu thị, tiếp thu các ý kiến khác nhau và sẵn sàng nhận sai nếu như thông tin mà ông đưa ra chưa chính xác.

Đến “Rong chơi miền chữ nghĩa”

“Ngày 7-9-2022, bác An Chi ngắm hoa và chụp ảnh mấy chậu kiểng trong vườn nhà. Chiều nay còn hân hoan đón nhận quà tặng là tập 5 Rong chơi miền chữ nghĩa của bác...” - bà Đinh thị Thanh Thủy (Giám đốc - Tổng biên tập NXB Tổng Hợp TP.HCM) nhớ lại lần cuối cùng gặp học giả An Chi tại nhà của ông hôm 24-9. Thời gian học giả sức khỏe yếu đi và nằm trên giường bệnh, NXB Tổng Hợp nỗ lực in tập cuối trong bộ sách Rong chơi miền chữ nghĩa và kịp gửi đến tận tay An Chi trước khi ông qua đời.

Đặc biệt, bà Đinh Thị Thanh Thủy cho biết “sẽ tái bản, bổ sung, hoàn chỉnh trọn bộ 5 tập Rong chơi miền chữ nghĩa trong một diện mạo mới để thực hiện lời hứa với tác giả lúc sinh thời”. Đây cũng là cách để các thế hệ sau được thừa hưởng những gì mà An Chi đã dành cả đời để nghiên cứu, tìm hiểu và dẫn giải về tiếng Việt bằng tình yêu chữ nghĩa lớn lao của ông.

Năm 2016, NXB Tổng Hợp TP.HCM ra mắt 3 tập sách đầu trong bộ Rong chơi miền chữ nghĩa của An Chi. Tập 4 ra mắt đầu hè năm 2021 và tập 5 mới nhất cũng vừa in xong dẫu sau này tác giả đã nằm bệnh. Với tổng cộng hơn 2 ngàn trang sách trọn bộ tinh tuyển, Rong chơi miền chữ nghĩa đưa độc giả cùng An Chi đi qua một hành trình đầy phong phú với đủ kiến thức thông kim bác cổ khác nhau.

Ông dẫn chứng và giải đáp Truyện Kiều và từ nguyên; giải đáp về lịch sử, văn hóa, thể thao; sự khác biệt trong cách gọi sự vật, sự việc giữa các vùng miền; tục lệ dân gian xưa nay... bằng sự uyên bác đáng nể. Có thể nói trên cánh đồng chữ nghĩa, An Chi đã dùng các kiến giải khoa học để thuyết phục độc giả, thuyết phục độc giả bằng ngòi bút tài hoa song không kém phần thẳng thắn. Ông sẵn sàng phản bác những ngộ nhận, chứng minh và khẳng định lại chính xác những tri thức với các tài liệu, nhân chứng đầy đủ, khoa học.

Tác giả An Chi cùng bà Đinh Thị Thanh Thủy (NXB Tổng Hợp TP.HCM)
Tác giả An Chi cùng bà Đinh Thị Thanh Thủy (NXB Tổng Hợp TP.HCM)

Nói như học giả Cao Xuân Hạo là An Chi “đầy tinh thần trách nhiệm, nhã nhặn và tuệ minh” trong quá trình tra cứu, trả lời độc giả. Sau khi miệt mài với chữ nghĩa, An Chi chọn cuộc sống bình lặng, thanh tịnh đúng như lời thơ ông từng viết: “Ta thà đọc sách với chơi hoa”.

Nhà báo Nguyễn Hữu Thiện ngậm ngùi bày tỏ: “Vĩnh biệt anh An Chi, từ nay anh đã nhẹ nhàng rời cuộc “Rong chơi miền chữ nghĩa” nơi cõi này!”. Học giả đã ngừng, song những người đọc yêu mến, kính quý ông lẫn mọi người yêu tiếng Việt sẽ tiếp nối hành trình “rong chơi miền chữ nghĩa” theo một tấm gương sáng chói như An Chi.

Tác giả An Chi tên thật là Võ Thiện Hoa, sinh ngày 27-11-1935 tại xã Bình Hòa (Gia Định), nay thuộc Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Ông từng công tác ngành Giáo dục ở TP.HCM và về hưu non từ năm 49 tuổi (1984) để tập trung đọc sách báo, nghiên cứu.

Suốt gần 15 năm (kể từ năm 1992), ông đứng mục Chuyện Đông chuyện Tây trên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay (thời hoàng kim lượng bản in lên tới 140 ngàn bản/số) dưới 2 bút danh An Chi và Huệ Thiên, giải đáp nhiều thắc mắc từ độc giả về từ nguyên, các nghĩa của từ và cách dụng ngữ trong tiếng Việt. Ông cũng giữ mục chữ nghĩa cho nhiều báo, tạp chí khác như: Thanh Niên, Người Đô Thị, tạp chí của Đại học Quốc gia TP.HCM...

Các tác phẩm tiêu biểu của ông gồm bộ Chuyện Đông chuyện Tây (in và bổ sung nhiều lần kể từ năm 1997-2018, tác phẩm đoạt giải ba Giải Sách quốc gia lần III-2020), Từ Thập Nhị Chi đến 12 con giáp, Từ nguyên, Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm (được ký với bút danh Huệ Thiên), Câu chữ Truyện Kiều, Rong chơi miền chữ nghĩa (5 tập, bút danh An Chi)...

Học giả An Chi qua đời ngày 12-10-2022, thọ 88 tuổi, trong niềm tiếc thương của giới học thuật, nghiên cứu và độc giả gần xa.

Trung Nghĩa

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích