Báo Đồng Nai điện tử
En

Khám phá Ðà Lạt qua những kỷ vật

07:10, 01/10/2021

Những ngày này, khi Hà Nội và Huế đang vào thu, nắng đẹp thì trời Ðà Lạt liên tục mưa. Tranh thủ một ngày trời hửng nắng, tôi rủ thêm anh Ðức Nhân - chủ quán cà phê Panaroma đến dinh Tỉnh trưởng gần chợ Ðà Lạt vãn cảnh.

Những ngày này, khi Hà Nội và Huế đang vào thu, nắng đẹp thì trời Ðà Lạt liên tục mưa. Tranh thủ một ngày trời hửng nắng, tôi rủ thêm anh Ðức Nhân - chủ quán cà phê Panaroma đến dinh Tỉnh trưởng gần chợ Ðà Lạt vãn cảnh.

Cà phê Tùng (khu Hòa Bình) đầu những năm 1970
Cà phê Tùng (khu Hòa Bình) đầu những năm 1970

Chúng tôi đã gặp may khi được mời tham quan khu trưng bày kỷ vật văn hóa người Ðà Lạt ở trong dinh với một khối lượng đồ sộ các hiện vật để được sống lại ký ức một thời chưa xa mà mình đã trải qua.

* Từ Ký ức bazan đến dấu chân Yersin

Do đang có dịch Covid-19 nên triển lãm tạm đóng cửa, không đón khách, nhưng vì nhận ra người quen nên anh Hoàng Mạnh Tiến, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Ðồng niềm nở mời chúng tôi vào và tự tay mở cửa dinh, hướng dẫn tham quan các gian trưng bày.

Gian đầu tiên chúng tôi bước chân vào có tên Ký ức bazan trưng bày nhiều kỷ vật văn hóa cồng chiêng của người dân tộc bản địa K’ho gồm các bộ chiêng, chóe rượu cần đều có tuổi đời trên dưới 100 năm, dụng cụ dệt thổ cẩm, trang phục của phụ nữ và đàn ông… của bà con dân tộc xã Tà Nung (xã dân tộc duy nhất của TP.Ðà Lạt). Gian trưng bày như nhắc nhở người xem về cư dân gốc của mảnh đất Ðà Lạt trước khi có người Kinh và người Pháp đặt chân đến.

Gian trưng bày có chủ đề Khám phá tập trung nhiều hình ảnh, tư liệu được sưu tầm công phu như chân dung nhà thám hiểm - bác sĩ A.Yersin và quá trình tìm ra Ðà Lạt, những bức ảnh - những bài báo bằng tiếng Pháp mô tả quá trình thám hiểm vùng đất cao nguyên này và thời gian ông làm việc ở Viện Pasteur Nha Trang cùng những đồ dùng cổ lỗ sĩ bằng sắt Tây trong thời gian cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XX.

Chỉ vào những bức ảnh phóng to chụp phong cảnh Ðà Lạt xưa, anh Tiến nói: “Tìm lục lại những ảnh cũ, tôi mới phát hiện ra rằng Ðà Lạt bây giờ không đẹp bằng thời của những thập niêm 1960-1970”.

* Sâu lắng ký ức “Thời ấy”

Chiếm số lượng áp đảo trong các gian trưng bày chính là các kỷ vật của người Ðà Lạt trước và sau ngày giải phóng. Ðây cũng chính là thời kỳ lịch sử có nhiều biến động từ các cuộc đảo chính của chế độ Sài Gòn đến những năm khó khăn thời bao cấp ngăn sông cấm chợ.

Chúng tôi bắt gặp ở đây một quán cà phê Tùng (giờ vẫn còn mở) đang đông khách, một khung cảnh thanh bình, lịch lãm của một Ðà Lạt dịp cuối tuần với hình ảnh chị em phụ nữ với áo dài thướt tha, áo len khoác ngoài tung tăng dạo phố hay hình ảnh một ông già bán đậu phộng rang Hòa Bình trong trang phục veston, mũ phớt với nụ cười tươi phớt tỉnh Ăng lê quen thuộc đã đi vào ký ức người dân phố núi suốt hàng chục năm cho đến khi ông già từ giã cõi đời.

Xem hình ảnh này chúng tôi chợt nhớ những tối vào rạp xi-nê Hòa Bình xem phim vừa nhai đậu phụng rang nóng giòn vừa rôm rả bàn tán về bộ phim. Cái cảm giác ấy ôi sao mà ấm cúng mà giờ giới trẻ thế hệ con cháu chúng tôi chẳng thể có được.

Chúng tôi rất thích thú khi được chiêm ngưỡng gian trưng bày gồm nhiều máy ảnh chụp phim (máy cơ) và máy quay phim vẫn được nhiều người Ðà Lạt lưu giữ. Nhiều nhất vẫn là các thương hiệu máy ảnh Nhật như: Nikon, Canon, Konica, Pentax một thời chiếm lĩnh thị trường và là sự lựa chọn hàng đầu của giới chụp ảnh dịch vụ lẫn người mê chụp ảnh. Ðó là chiếc máy ảnh cổ lỗ sĩ của bác Trần Văn Lý cùng những tấm ảnh trắng đen do chính tay ông chụp thác Prenn cách đây khoảng hơn 50 năm hay máy Petri đầu gù Reflex của nghệ sĩ nhiếp ảnh đường phố MPK.

Anh Tiến bật công tắc máy quay phim, chiếu cho chúng tôi xem một đoạn phim quay cảnh Ðà Lạt cách đây hơn 40 năm. Máy quay phim trắng đen 8 ly đã cũ, chạy xè xè và hình ảnh cũng đã nhuốm màu thời gian nhưng vẫn cho khách có cảm nhận về một Ðà Lạt thuở còn ít dân cư với đường phố còn thưa vắng người qua lại và cảnh quan đồi thông, thác nước thật hoang sơ, quyến rũ và chừng đó đã đủ để minh chứng cho tình yêu Ðà Lạt của những người dân phố núi.

Ðây là những thước phim tư liệu quý do nhà nghiên cứu Lê Phỉ (hiện đã ngoài 90 tuổi) quay trong thập niên 1960 được anh Tiến lượm lặt trong đống đồ ve chai ở nhà cụ Phỉ mang về phục chế. Cùng với đó là những thước phim quay trước năm 1970 lễ Khai sơn đặt viên đá xây dựng ấp Quảng Thừa (P.4, TP.Ðà Lạt) cũng được anh Tiến tìm thấy.    

Khi đã nói về tình yêu Ðà Lạt mà không nhắc đến các nhạc sĩ là một thiếu sót lớn nên trong dinh có một phòng trưng bày về các nhạc sĩ đã từng gắn bó với Ðà Lạt, có những tác phẩm đi cùng năm tháng của Hoàng Nguyên, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Nguyễn Ánh 9...

Người yêu nhạc bắt gặp ở đây các bản nhạc lúc mới ấn hành còn lưu giữ được như bản Ai lên xứ hoa đào của nhạc sĩ Hoàng Nguyên với ca từ đầy chất thơ: “Ai lên xứ hoa đào, dừng chân bên hồ nghe chiều rơi, nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi. Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ…” lay động lòng người yêu nhạc suốt 50 năm qua. 

* Cần lắm những điểm đến văn hóa

Ý tưởng về việc sưu tầm, tập hợp và trưng bày kỷ vật văn hóa của người Ðà Lạt đã có từ thời của giám đốc tiền nhiệm nhưng được anh Tiến dày công thực hiện, hoàn thiện thêm và đến nay đã tập hợp được khoảng 1 ngàn kỷ vật. Giới làm văn hóa đã từng biết đến sở thích sưu tầm - chơi đồ cổ của anh từ thập niên 1990 với chiếc xe hơi cổ Volwagen cổ từ thập niên 1960 rong ruổi khắp nơi và chính thú chơi này giúp cho việc gắn kết, tập hợp những người yêu Ðà Lạt “những người luôn sống với hoài niệm về một Ðà Lạt của quá khứ với thiên nhiên hoang sơ, kiến trúc đặc sắc và phong cách con người lịch lãm”. Bởi thế mà họ đến với Tiến một cách tự nguyện. 

Góc trưng bày về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Góc trưng bày về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Anh Tiến chia sẻ: “Việc trưng bày kỷ vật với mục đích tạo ra một hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc biệt mang chiều sâu về nghiên cứu và tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng riêng có của người Ðà Lạt, đồng thời góp phần làm phong phú thêm những sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, đặc sắc của thành phố cao nguyên; ghi nhận và tri ân những công lao qua nhiều thế hệ của người dân Ðà Lạt”.

Anh Tiến tỏ vẻ ưu tư khi kế hoạch sắp tới đây trong quy hoạch chỉnh trang khu trung tâm thành phố thì dinh Tỉnh trưởng sẽ không còn nữa và anh mong sẽ tìm ra chỗ để trưng bày những kỷ vật văn hóa phục vụ khách du lịch. Phía giới kiến trúc cả nước tỏ ra rất lo ngại với dự thảo quy hoạch mới mà những công trình có giá trị kiến trúc cảnh quan bậc nhất của phố núi như dinh Tỉnh trưởng sẽ không còn nữa.

Dù khuôn viên của dinh đã bị lấn chiếm xây dựng nhà cửa, công trình kiến trúc hết 3 phía (chỉ còn đường Lý Tự Trọng là không bị lấn chiếm còn giữ được cụm thông già như xưa) nhưng đây vẫn là một công trình nằm trong di sản kiến trúc cần được bảo tồn của Ðà Lạt. Ðể phát triển du lịch bền vững, rất cần có các điểm đến văn hóa như thế này để làm giàu thêm hành trình khám phá của du khách khi đến với Ðà Lạt.

 Và điểm du lịch văn hóa này cũng rất cần với người dân phố núi, nhất là giới trẻ, để góp phần giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy các vẻ đẹp văn hóa của người Ðà Lạt.

     Văn Phong

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích