Báo Đồng Nai điện tử
En

Thần tốc truy vết Covid-19

01:02, 06/02/2021

Hơn 1 năm qua, các y, bác sĩ khối dự phòng trong tỉnh luôn trong tư thế sẵn sàng "trực chiến" để góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Họ làm việc bất kể ngày đêm, dù nắng hay mưa, khi có thông tin về ca nghi nhiễm, họ đều tức tốc lên đường.

BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận điện thoại của người dân báo có người trở về từ Hải Dương trên địa bàn
BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận điện thoại của người dân báo có người trở về từ Hải Dương trên địa bàn

Hơn 1 năm qua, các y, bác sĩ khối dự phòng trong tỉnh luôn trong tư thế sẵn sàng “trực chiến” để góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Họ làm việc bất kể ngày đêm, dù nắng hay mưa, khi có thông tin về ca nghi nhiễm, họ đều tức tốc lên đường.

* Nhận 500 cuộc gọi và vài ngàn tin nhắn mỗi ngày

Từ ngày được giao nhiệm vụ trực số điện thoại đường dây nóng của ngành Y tế để tiếp nhận thông tin về các trường hợp liên quan đến ca bệnh Covid-19, BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) chỉ ngủ được 4 tiếng/ngày. Toàn bộ thời gian còn lại, anh dành cho công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là việc truy vết, cách ly, tiếp nhận, xử lý các cuộc gọi đường dây nóng…

BS Phúc cho biết, toàn khoa hiện có 17 người, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Trong đó, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được ưu tiên hàng đầu. Tổ phòng, chống dịch Covid-19 của khoa có 5 bác sĩ, nhân viên, kỹ thuật viên do BS Phúc trực tiếp chỉ đạo. Ngoài ra, các y, bác sĩ, nhân viên khác trong khoa thực hiện nhiệm vụ phòng chống các bệnh truyền nhiễm thông thường như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi; triển khai chiến dịch tiêm, uống bù vaccine bại liệt…

Chia sẻ về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, BS Phúc nói, hơn 1 năm trước, khi dịch bệnh Covid-19 mới xuất hiện tại Việt Nam, sau khi nhận được thông tin của người dân về trường hợp từ nước ngoài nhập cảnh vào TP.Long Khánh làm việc có biểu hiện ho, sốt, ngay trong đêm, tổ phòng chống dịch đã tức tốc đến TP.Long Khánh để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, đưa trường hợp này vào cách ly theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Khoảng 2 giờ sáng, tổ phòng, chống dịch về đến TP.Biên Hòa, 1 người trong số đó lại tiếp tục vận chuyển mẫu bệnh phẩm lên Viện Pasteur TP.HCM để làm xét nghiệm (thời điểm này tỉnh Đồng Nai chưa có cơ sở xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2).

BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận điện thoại của người dân báo có người trở về từ Hải Dương trên địa bàn
BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận điện thoại của người dân báo có người trở về từ Hải Dương trên địa bàn

“Kể từ khi đó đến nay, chúng tôi đã quen với việc truy vết xuyên ngày đêm. Bất kể khi nào có thông tin liên quan đến ca nghi ngờ hoặc ca bệnh xác định, tất cả anh em đều ngay lập tức có mặt, thần tốc truy vết, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để khoanh vùng, cách ly, làm xét nghiệm nhằm dập dịch nhanh nhất có thể” - BS Phúc chia sẻ.

Những ngày gần đây, khi dịch bệnh Covid-19 ở Hải Dương và Quảng Ninh có những diễn biến phức tạp, công việc của Tổ phòng, chống dịch Covid-19 lại càng vất vả hơn. 2 số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và BS Phan Văn Phúc luôn trong tình trạng “cháy máy” với hơn 500 cuộc gọi và hàng ngàn tin nhắn mỗi ngày. Riêng BS Phúc phải chuẩn bị đến 4 cục pin dự phòng/ngày để đảm bảo thông tin diễn ra xuyên suốt.

BS Nguyễn Đức Duy điều tra thông tin dịch tễ của một trường hợp đang cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
BS Trịnh Đức Duy điều tra thông tin dịch tễ của một trường hợp đang cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Sau khi tiếp nhận cuộc gọi, tổ phòng chống dịch sẽ xác định thông tin và địa chỉ của trường hợp được thông báo, khoanh vùng và giao cho y tế xã, phường, thị trấn điều tra dịch tễ của đối tượng. Tùy thuộc vào yếu tố nguy cơ, tổ phòng, chống dịch sẽ hướng dẫn cơ sở tiến hành cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà đối với các trường hợp. Những trường hợp đặc biệt, tổ phòng, chống dịch sẽ trực tiếp xuống địa bàn để điều tra, truy vết.

Là người trực tiếp tiếp xúc với nhiều trường hợp F1 và hiện đang làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung Trường đại học An ninh nhân dân (H.Long Thành), BS Trịnh Đức Duy, Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho hay, là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, nhân viên y tế trước tiên phải biết bảo vệ mình, phải biết phòng hộ đúng cách như: đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc với các ca nghi ngờ. Thời gian đầu khi dịch bệnh còn mới, một số nhân viên y tế có e ngại, song đến nay, những e ngại đó không còn nữa.

* Mong người dân nâng cao ý thức tự giác

Tại cuộc họp liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 mới đây, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy, Tổ trưởng Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia cho biết, lực lượng thực hiện truy vết các trường hợp liên quan đến dịch Covid-19 ngoài hơn 100 tình nguyện viên làm việc trực tiếp tại tổ còn có hàng ngàn tình nguyện viên hỗ trợ trực tuyến nhằm xác minh ngay lập tức thông tin đối với các các trường hợp F1, F2, F3. Mục tiêu của tổ truy vết là quyết tâm không bỏ sót trường hợp nào.

Tổ phòng, chống dịch Covid-19 chuẩn bị đồ dùng, trang thiết bị để đi truy vết trường hợp nghi ngờ
Tổ phòng, chống dịch Covid-19 chuẩn bị đồ dùng, trang thiết bị để đi truy vết trường hợp nghi ngờ

Tuy nhiên, khác với các đợt dịch trước, đợt dịch lần này ở Hải Dương và Quảng Ninh phức tạp hơn rất nhiều. Bởi lẽ dịp cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, người dân từ các ổ dịch ở Hải Dương và Quảng Ninh di chuyển đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tiếp xúc với rất nhiều người. Có nhiều trường hợp thuộc diện F1, F2 không chủ động khai báo, thậm chí không hợp tác trong việc cung cấp thông tin gây khó khăn cho việc truy vết. Việc các trường hợp F1 không tự giác khai báo khiến việc tìm kiếm tốn nhiều thời gian hơn và nguy cơ dịch bệnh lây lan ra cộng đồng cao hơn rất nhiều. Do đó, cơ quan chức năng mong muốn tất cả người dân Việt Nam nếu có tiếp xúc với các ca bệnh đã công bố, các ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh cần nhanh chóng liên lạc với cơ quan y tế để được tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm, bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình, người thân trong gia đình và những người xung quanh.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp nên những người dân có ý định về quê ăn Tết trong dịp này nên cân nhắc kỹ. Không về quê lúc này thì có thể về quê lúc khác nhưng chống dịch nếu không làm ngay sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng của cả cộng đồng.

BS CKII Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Sau các đợt bùng phát dịch trong cả nước suốt hơn 1 năm qua, không thể biết được khi nào thì có ca lây nhiễm trong cộng đồng vì virus lây lan rất nhanh. Do đó, chiến lược phòng, chống dịch phải thay đổi. Yêu cầu trước tiên phải truy vết, xác định khoanh vùng rất nhanh để dập dịch. Muốn làm được điều này, ngoài lực lượng bác sĩ dự phòng tuyến tỉnh, huyện, cần phải khẩn trương triển khai các tổ Covid-19 cộng đồng ở tuyến xã. Tiếp đó, lấy xét nghiệm làm công cụ để phát hiện sớm ca bệnh. Phải tìm những nơi nào, khu vực nào có nguy cơ nhất để tiến hành xét nghiệm, đảm bảo không bỏ sót đối tượng”.

Tất cả người dân Việt Nam cần nâng cao ý thức cảnh giác, quan sát ở khu vực mình sinh sống, nếu phát hiện có người từ nước ngoài về hay người trở về từ vùng dịch thì gọi điện đến đường dây nóng của cơ sở y tế địa phương hoặc truy cập vào trang antoancovid.vn/khaibao để báo tin cho Tổ thông tin truy vết Covid-19. Nếu bản thân hoặc người thân trong gia đình nghi ngờ nhiễm Covid-19 sau khi tiếp xúc với các trường hợp nhiễm bệnh, ca F1, F2 thì cần báo ngay với cơ quan chức năng để được hỗ trợ, cách ly, xét nghiệm, điều trị kịp thời.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều