Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển đổi số để vững bước hội nhập sâu

08:04, 11/04/2023

Mấy năm trở lại đây, Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trên cả nước rất chú trọng đến công tác chuyển đổi số để tiến đến nền kinh tế số phục vụ cho phát triển bền vững.

Mấy năm trở lại đây, Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trên cả nước rất chú trọng đến công tác chuyển đổi số (CĐS) để tiến đến nền kinh tế số phục vụ cho phát triển bền vững. Đây cũng là xu hướng tất yếu của các nước khi tham gia vào hội nhập sâu. Việt Nam là nước tham gia hội nhập sâu nhanh và rộng nên vấn đề này được Chính phủ rất chú trọng và đã đặt ra mục tiêu, lộ trình CĐS cho từng địa phương, bộ, ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Từ yêu cầu của Chính phủ, các tỉnh, thành cũng xây dựng kế hoạch CĐS, trong đó sẽ bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn xã hội hóa để thúc đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm giải quyết các thủ tục cho người dân, doanh nghiệp. Mục đích là để đơn giản thủ tục, giảm bớt thời gian, chi phí, nhân lực, tạo môi trường làm việc minh bạch, thông thoáng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được khuyến khích tham gia vào CĐS, bắt đầu từ việc đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào trong các nhà máy để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm công và thời gian lao động. Đồng thời, mở rộng giao dịch, kết nối, bán hàng qua các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, việc tham gia vào kinh tế số giúp các doanh nghiệp giảm được nhiều chi phí, hạn chế sự gián đoạn trong giao dịch giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm.

Tại Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp đi đầu trong CĐS và đã gặt hái được thành quả. Đơn cử, trong năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng, việc đi lại giữa các quốc gia rất khó khăn. Do đó, nhiều khách hàng không thể đến trực tiếp các nhà máy để trao đổi, giao dịch đặt hàng và khi đó ứng dụng công nghệ trở thành giải pháp cho nhiều công ty trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là giai đoạn CĐS ở Đồng Nai cũng như cả nước được nhiều ngành, doanh nghiệp ứng dụng nhanh. 

Tuy nhiên, trong quá trình tham gia CĐS cũng còn những hạn chế như: một số người đứng đầu chưa chú trọng đến CĐS, thiếu nguồn vốn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, thiếu nguồn nhân lực làm chủ công nghệ… Dù Nhà nước có những chính sách hỗ trợ trong tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS, hỗ trợ vốn vay, đào tạo nguồn nhân lực nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Theo các chuyên gia về kinh tế, trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp, nông dân muốn tham gia hội nhập sâu và phát triển bền vững thì phải chú trọng đến kinh tế số; nếu không thì sản phẩm làm ra khó cạnh tranh được cả ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Vì hiện nay, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã, tiện lợi của sản phẩm. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp, nông dân đi đầu trong CĐS đa số gặt hái được thành công, đem lại doanh thu, lợi nhuận cao. Đồng thời, các doanh nghiệp đi đầu trong CĐS cũng dễ dàng nhận được các đơn hàng so với doanh nghiệp chậm chân về CĐS.

Vì thế, trong kỷ nguyên số, những nông dân, doanh nghiệp không xem trọng, chưa nhanh nhạy nắm bắt, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh sẽ mất đi cơ hội để lớn mạnh và vươn xa.

                                                                  Uyển Nhi

 

Tin xem nhiều