Xây dựng các vùng sản xuất lớn để thoát khỏi sự manh mún, để dễ chuẩn hóa chất lượng nông sản hơn, dễ ứng dụng đồng bộ về giống, công nghệ hơn, dễ kiểm soát giá đầu vào trong sản xuất hơn, dễ giảm bớt các khâu trung gian trong tiêu thụ..., là một trong những hướng đi được Chính phủ, Bộ NN-PTNT cùng các địa phương (trong đó có Đồng Nai) theo đuổi nhiều năm nay trong các chiến lược xây dựng ngành Nông nghiệp bền vững.
Xây dựng các vùng sản xuất lớn để thoát khỏi sự manh mún, để dễ chuẩn hóa chất lượng nông sản hơn, dễ ứng dụng đồng bộ về giống, công nghệ hơn, dễ kiểm soát giá đầu vào trong sản xuất hơn, dễ giảm bớt các khâu trung gian trong tiêu thụ..., là một trong những hướng đi được Chính phủ, Bộ NN-PTNT cùng các địa phương (trong đó có Đồng Nai) theo đuổi nhiều năm nay trong các chiến lược xây dựng ngành Nông nghiệp bền vững.
Tuy nhiên, ở điều kiện hiện tại, nhiều vùng, nhiều dự án sản xuất lớn có nguy cơ “không lớn nổi” bởi rất nhiều nguyên nhân, trong đó có việc khó “gom” đủ đất để tiến hành các kế hoạch sản xuất lớn trong bối cảnh giá đất ở nhiều địa phương tăng vọt, trong khi quy hoạch đất nông nghiệp lại thay đổi khá thường xuyên khiến nông dân lẫn doanh nghiệp không mấy an tâm đầu tư lâu dài cho việc trồng trọt. Chính sách đất đai thay đổi thường xuyên, quy hoạch sử dụng đất thay đổi theo chu kỳ 5-10 năm, giá đất tăng hàng chục lần chỉ trong một thời gian ngắn mà lợi nhuận từ nông nghiệp vẫn chưa đủ thuyết phục khiến việc hình thành các cánh đồng lớn, các vùng sản xuất lớn vấp phải nhiều khó khăn, thử thách.
Và với những thách thức hiện tại thì nên chăng nhìn nhận lại một chút về khái niệm “sản xuất lớn”? Đó là thay vì tập trung “nuôi lớn” các cánh đồng một cách “cơ học” với mặt bằng giá đất quá cao như hiện nay thì theo nhiều chuyên gia, nên có góc nhìn mới hơn. Theo đó, có thể tập trung xây dựng những chuỗi liên kết hiệu quả, bền vững để sản xuất đồng nhất về chất lượng, minh bạch về nguồn gốc. Các địa phương trong tỉnh, thậm chí nhiều tỉnh, thành cần liên kết với nhau để vẫn đảm bảo sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, đáp ứng cả sản lượng và chất lượng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu.
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng nhiều lần đề cập, để phát triển bền vững thì ngoài việc phải thoát khỏi sự manh mún trong tập quán sản xuất, còn phải thoát khỏi sự manh mún về mặt tư duy. Đó là cánh đồng lớn không nên chỉ là mảnh ghép cơ học từ những thửa ruộng nhỏ, không chỉ là cộng thêm chu vi, diện tích nhưng vẫn áp dụng tư duy sản xuất gắn liền với mục tiêu gia tăng sản lượng. Thay vào đó, vẫn có thể tăng sản lượng ngày càng nhiều hơn bằng thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa; bằng nâng cao chất lượng giống; bằng việc cải tiến quy trình canh tác, cải thiện năng suất lao động để giá trị gia tăng của nông sản chuyển đến tầng nấc cao hơn trong chuỗi giá trị.
Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Phó thủ tướng Lê Văn Thành ký phê duyệt vào đầu năm 2022 tiếp tục khẳng định nông nghiệp là nền tảng bền vững của quốc gia và khẳng định cần thay đổi tư duy trong nông nghiệp. Chiến lược đã xác định chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”. Đồng thời, hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên… để ngành Nông nghiệp vẫn hiệu quả và vẫn đem lại lợi ích cho nông dân, doanh nghiệp, một cách lâu dài.
V.L