Báo Đồng Nai điện tử
En

Không bôi đen, cũng chẳng tô hồng

07:02, 14/02/2023

Mỗi khi những con số đẹp về phát triển kinh tế được công bố như: mức tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư hay kim ngạch xuất khẩu cao, thường có nhiều phản biện xuất phát từ những góc nhìn trái chiều.

Mỗi khi những con số đẹp về phát triển kinh tế được công bố như: mức tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư hay kim ngạch xuất khẩu cao, thường có nhiều phản biện xuất phát từ những góc nhìn trái chiều.

Chẳng hạn, kết thúc năm 2022, nhiều kết quả công bố chỉ ra một bức tranh khá tích cực: dù gặp nhiều khó khăn sau một khoảng thời gian dài chống dịch Covid-19, song Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng GDP đạt 8,02%; lạm phát 3,54%; xuất siêu 11,2 tỷ USD… Cùng với đó là những nhận định tươi sáng: đã có sự phục hồi rõ nét trong các lĩnh vực như việc gia nhập và quay trở lại thị trường của các doanh nghiệp (DN); tăng trưởng xuất nhập khẩu tốt; phục hồi ngành du lịch tốt; nhiều cơ hội ngày càng tốt hơn mở ra cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Nhưng ở góc nhìn của nhiều ngành, nhiều DN, nhiều gam màu có vẻ xám hơn. Không ít chủ DN vẫn lo lắng không yên khi thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu DN đều đang “đông cứng” và lao dốc; nhiều DN vẫn đang bị giảm và giãn đơn hàng; giá cả và đặc biệt là lãi suất đang tăng mạnh. Chưa kể, các khó khăn đặc thù hơn như: tiếp cận vốn tín dụng quá khó khăn, nhà đất không bán được, hàng triệu tỷ đồng nằm im trong bất động sản, bán lẻ giảm sút, xuất khẩu gặp nhiều thách thức.

Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ “không bôi đen, cũng chẳng tô hồng”. Rõ ràng những gì đạt được đã thể hiện qua những con số, song thách thức và khó khăn cũng đang đan xen. Ngay cả những ngành tưởng “không thể nào thua lỗ” như xăng dầu hay điện cũng đang kêu lỗ và cần những điều chỉnh chính sách kịp thời. Các ngành khác cũng đang gặp nhiều khó khăn mà nếu không kịp thời tháo gỡ, kết quả sẽ khó dự đoán.

Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2022, triển vọng năm 2023 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố mới đây đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023. Cụ thể, kịch bản thứ nhất, tăng trưởng GDP đạt 6,47%; lạm phát bình quân 4,08%; tăng trưởng xuất khẩu 7,21% và cán cân thương mại là 5,64 tỷ USD. Kịch bản thứ hai tích cực hơn khi tăng trưởng GDP đạt 6,83%; lạm phát 3,69%; tăng trưởng xuất khẩu 8,43% và cán cân thương mại là 8,15 tỷ USD. Các mức tăng trưởng này khá cao so với mức dự báo tăng trưởng bình quân của thế giới là 2,2% mà báo cáo đưa ra (nguồn: trang web Chính phủ).

Cả 2 kịch bản này đều đưa ra mức tăng trưởng thấp hơn so với năm 2022, tức là đã xem xét tình hình khó khăn thực tế đang diễn ra trong nhiều ngành kinh tế, và nếu không nỗ lực, cũng chưa chắc gì năm 2023 kinh tế Việt Nam sẽ chạm được một trong 2 mức tăng trưởng này. Chính vì vậy, nhận diện rõ khó khăn, có kiến nghị rõ ràng, Chính phủ và các bộ, ngành sớm bắt tay tháo gỡ ngay từ đầu năm mới là những điều phải làm ngay để năm 2023 không có quá nhiều gam màu xám như nhiều dự đoán.  

Vi Lâm


 

Tin xem nhiều