Đi du lịch ở xứ Tây Bắc về, bà xã làm mâm cơm, mời mấy bà bạn dưỡng sinh trong khu phố. Một bà chăm chú khảo sát dĩa thịt kho bằng mũi và tô canh chua bằng lưỡi, rồi cất tiếng hỏi: "Có hương vị gì lạ vậy?".
Đi du lịch ở xứ Tây Bắc về, bà xã làm mâm cơm, mời mấy bà bạn dưỡng sinh trong khu phố. Một bà chăm chú khảo sát dĩa thịt kho bằng mũi và tô canh chua bằng lưỡi, rồi cất tiếng hỏi: “Có hương vị gì lạ vậy?”. Bà xã tui giải thích: “Ừ! Đó là cách nấu mơi mới, học được từ chủ nhà hôm-sờ-tay (homestay) ở Hà Giang ấy mà”. Mấy bà bạn nghe có chuyện mới, nhao nhao hỏi: Mới gì vậy? Hôm-sờ-tay là thế nào, kể nghe thử?
Được dịp, vợ tui nổi máu bà tám, nổ rân ran, khiến tui trở thành chân bưng bê, vừa chạy việc vừa lóng tai nghe. Đúng là, vợ nhà có trí nhớ tốt, có khiếu ăn nói, chạm mạch gia chánh nên bà giải thích rành rọt, nhận xét không đụng hàng, nghe cũng sướng cái bụng.
Sau khi giải thích việc ướp thịt bằng mắc khén của người Thái, nấu canh nêm hạt dỗi như người H’Mông; bà tám nhà tui say sưa kể về mô hình du lịch hôm-sờ-tay vừa được trải nghiệm.
Theo chương trình tour, ngày đầu tiên, đoàn tham quan được nghỉ hôm-sờ-tay tại nhà người Tày ở ấp Tiến Thắng, thuộc huyện Quản Bạ. Nhà sàn gỗ đúng kiểu Tày, mỗi nhà đủ chỗ nghỉ cho 30 người, điện nước đầy đủ, vệ sinh thuận tiện, chăn ga sạch sẽ, wifi sẵn sàng, chủ nhà tận tình cởi mở. Đêm lạnh nhưng nghĩa tình đầm ấm. Chủ nhà nhiệt thành trả lời hàng tá câu hỏi về người Tày, chỉ dạy cách dùng mắc khén - một loại gia vị như là tiêu của miền xuôi.
Bữa hôm sau, ăn hôm-sờ-tay tại nhà người Dao thôn Nậm Đăm cũng thuộc huyện Quản Bạ. Nậm Đăm là một bản người Dao, được bảo tồn nghề thuốc, có dịch vụ tắm thuốc và sản phẩm 5 loại thuốc được bán. Bữa ăn giao lưu tại nhà sàn của gia đình người Dao Lý Tà Đành. Món ngon rau thịt mang hương vị núi rừng, cùng những câu chuyện trao đổi và lời ca tiếng hát khiến bữa ăn ngon đủ thứ. Trong đoàn, ai cũng cảm thấy hài lòng, thú vị.
Nghe vợ kể về hôm-sờ-tay, tui giựt mình nhớ là, chuyện này đã được nói đến ở xứ mình từ 2 thập niên trước, có cả hình ảnh lý tưởng được thêu dệt trong tâm trí cho làng bưởi Tân Triều, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai; thậm chí tiền của cho việc nạo vét sông Châu Tân Bình và xây dựng Nhà dài Chơro ở Lý Lịch không phải ít. Vậy mà, ở Tây Bắc, mô hình homestay nay đã phổ quát góp phần nâng gấp đôi giá trị du lịch, làm thay đổi căn bản đời sống một số bản làng đồng bào bản địa; còn ở xứ ta, chưa thu hút được ông Tây bà ta nào đến với homestay.
Vì sao vậy ta? Tui lại nhớ đến nghị quyết mang chuông vào cổ mèo. Nghị quyết quá đúng rồi, nhưng ai là người mang chuông cho mèo? Ở xứ người, đã rõ là ngành du lịch. Ở xứ ta thì sao? Hổng hiểu!
Ong mật