Chú Tám xe ôm hỏi anh Tư Bốn:<br>
- Bây có đọc cái tin về vụ "cướp hoa" ở lễ hội Hoa anh đào vừa diễn ra ở tỉnh mình hông?
Chú Tám xe ôm hỏi anh Tư Bốn:
- Bây có đọc cái tin về vụ “cướp hoa” ở lễ hội Hoa anh đào vừa diễn ra ở tỉnh mình hông?
Anh Tư Bốn cười xòa:
- Ban tổ chức lễ hội đã khẳng định: không có vụ cướp hoa nào hết. Chỉ là sau khi trưng bày, các chuyên gia Nhật Bản loại bỏ số hoa xấu, hoa héo không đạt chất lượng, nhưng do thời gian gấp rút nên chưa kịp vứt… sọt rác, một vài người dân thấy vậy lượm về thôi. Các cây hoa, cành hoa trưng bày còn y nguyên.
Chú Tám sửng sốt:
- Ủa, lạ hè! Ban tổ chức kêu không có mất, còn truyền thông nói có mất, biết tin ai bây?
Anh Tư Bốn hỏi ngược lại:
- Theo chú, có khi nào người có của bị mất mà lại không thừa nhận hông? Nếu có, chỉ trừ khi là của phi pháp mới không dám nhận. Hoa anh đào nhận về từ Nhật Bản, kiểm đếm từng cây, từng cành, có lý do gì mất không dám nhận?
Chú Tám thở dài:
- Tao thấy, số người lấy hoa nếu có cũng chỉ vài người so với hơn 48 ngàn người dân đến tham quan lễ hội, chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Ấy vậy mà mấy “anh hùng bàn phím” không biết ất giáp gì, vung tay hăng say chửi rủa, khơi mào sự kỳ thị vùng miền, thậm chí còn móc lại vụ “hôi bia” trước đây. Một sự kiện văn hóa được chuẩn bị công phu hàng bao tháng trời với sự đóng góp công sức của biết bao nhiêu người, bao nhiêu đơn vị, một lễ hội diễn ra hết sức vui vẻ, đem lại phấn khởi cho hàng chục ngàn người dân lại bị phủ nhận, bị “sổ toẹt” chỉ vì vài hình ảnh chưa đẹp nhỏ xíu, giống như tờ giấy trắng to đùng thiên hạ không chịu thấy, chỉ thấy vài chấm mực nhỏ xíu trên tờ giấy, thử hỏi vậy đã công bằng chưa?
Anh Tư Bốn lại cười khó hiểu:
- Chú à, câu hỏi về chuyện công bằng, chú nên đặt ra với những ai cố tình đưa chuyện giật gân để câu khách đó.
Ong mật