Trong 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược, nhân dân xã Bình Sơn (H.Long Thành) đã tham gia tích cực phong trào cách mạng. Từ năm 1962, nơi đây được chọn để xây dựng căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa - là cơ quan đầu não lãnh đạo các cuộc nổi dậy, tấn công quân địch, thu được nhiều thắng lợi vẻ vang, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược, nhân dân xã Bình Sơn (H.Long Thành) đã tham gia tích cực phong trào cách mạng. Từ năm 1962, nơi đây được chọn để xây dựng căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa - là cơ quan đầu não lãnh đạo các cuộc nổi dậy, tấn công quân địch, thu được nhiều thắng lợi vẻ vang, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và đoàn công tác của tỉnh cùng H.Long Thành làm việc với Đảng ủy xã Bình Sơn. Ảnh: Khánh Lộc |
Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, Bình Sơn đang hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị sân bay.
Xây dựng cuộc sống mới
Thực hiện nghị quyết của Ban thường vụ Quốc hội về sáp nhập các ấp trong vùng quy hoạch cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) về xã Bình Sơn, từ ngày 1-6-2019, Bình Sơn có thêm 6 ấp, 3.248 hộ, 9.688 nhân khẩu; nâng tổng số ấp của xã lên 14 ấp, 6.630 hộ, 22.305 nhân khẩu.
Tổng diện tích tự nhiên trên địa bàn Bình Sơn hơn 7.400ha nhưng xã chỉ quản lý khoảng hơn 2.400 ha, còn lại 5 ngàn ha thuộc dự án Sân bay Long Thành. Xã Bình Sơn còn có hơn 10 ngàn lao động từ các vùng miền cả nước đến làm việc trong các công ty trên địa bàn xã và thi công dự án Sân bay Long Thành. |
Việc triển khai dự án Sân bay Long Thành - dự án trọng điểm của quốc gia trên địa bàn xã là cơ hội thuận lợi cho phát triển của địa phương, song cũng có nhiều khó khăn, phức tạp. Trong đó, khối lượng công việc của xã phải thực hiện đã tăng gấp 6 lần so với trước khi có dự án Sân bay Long Thành. Tuy nhiên, dù khó khăn, thách thức lớn nhưng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và toàn hệ thống chính trị của xã đều ý thức cao trong công việc nên từ sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ xã đã lãnh đạo thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng.
Bí thư Đảng ủy xã Bình Sơn Nguyễn Văn Hiếu cho biết, đến nay, tỷ lệ công nghiệp, xây dựng của xã đạt 65%; thương mại - dịch vụ đạt 25%. Trong nông nghiệp, đã áp dụng cơ giới hóa ở 3 khâu: làm đất trồng mới (đạt 85%); làm cỏ, chăm sóc (đạt 80,1%); tưới nước (đạt 89,9%). Xã còn thành lập được 1 HTX nông nghiệp sản xuất trái cây sạch và đăng ký VietGAP cho 3 loại trái cây chủ lực của địa phương (măng cụt, chôm chôm, sầu riêng). Ngoài ra, có một số hộ dân vừa phối hợp sản xuất nông nghiệp, vừa tổ chức làm du lịch vườn, từng bước thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, thông qua đó quảng bá hình ảnh địa phương và các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân. Hiện thu nhập bình quân 1ha đất nông nghiệp trên địa bàn là 173 triệu đồng, tăng 33 triệu đồng so với năm 2015.
Trong chăn nuôi, người dân đã áp dụng cơ giới hóa từ đầu tư chuồng trại đến chế biến sản xuất thức ăn đạt 87%.
Hiện nay, xã Bình Sơn chỉ còn 81 hộ nghèo (trong đó 29 hộ nghèo A và 52 hộ nghèo B - gia đình không còn người có khả năng lao động); tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 75%; tỷ lệ thất nghiệp dưới 2%.
Hướng đến đô thị sân bay
Không chỉ đời sống kinh tế có mức khá mà lĩnh vực văn hóa - xã hội ở Bình Sơn cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện địa phương có đầy đủ trường lớp từ bậc học mầm non đến THPT; 2 trạm y tế xã với 2 bác sĩ, 6 y sĩ và phòng khám đông y cùng các thiết bị y tế được trang bị tương đối đầy đủ, phục vụ khám chữa bệnh nhân dân.
Xã còn có nhiều CLB văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao với hơn 500 thành viên tham gia thường xuyên và 1 nhà văn hóa dân tộc Chăm, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa tinh thần lành mạnh cho người dân.
Mới đây khi về làm việc với Đảng ủy xã Bình Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nêu rõ, việc xây dựng dự án quan trọng của quốc gia trên địa bàn xã vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho xã. Song cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xã hãy nhìn nhận đây là cơ hội đổi đời cho địa phương để có quyết tâm khắc phục những khó khăn. Bởi, không phải nơi nào cũng được chọn để xây dựng sân bay.
Trước đây, Bình Sơn là vùng quê cách mạng, nay lại thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Nếu không có sự đồng lòng của nhân dân, một dự án ảnh hưởng hơn 15 ngàn hộ dân khó thực hiện được.
Điều quan trọng bây giờ của cấp ủy, chính quyền là giúp dân ổn định nơi ở mới và thay đổi nghề nghiệp. Nếu trước đây, người dân địa phương chỉ quen với công việc nhà nông, chân lấm tay bùn, bây giờ nhường đất lại cho Nhà nước xây dựng sân bay. Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phải hướng dẫn người dân nhanh chóng thay đổi tư duy làm ăn từ nông nghiệp sang kinh tế đô thị sân bay.
Nếu trước đây, những sản phẩm địa phương làm ra có giá trị kinh tế chưa cao, nay phải suy nghĩ sản xuất những sản phẩm giá trị kinh tế cao, nhằm giúp người dân không chỉ có kế sinh nhai nơi ở mới mà còn trở nên thịnh vượng. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, Đảng ủy xã Bình Sơn cần nghiên cứu xây dựng nghị quyết chuyên đề để đưa Bình Sơn trở thành đô thị sân bay hiện đại trong tương lai.
Dương An