Báo Đồng Nai điện tử
En

Công khai, minh bạch thông tin tới người dân

07:08, 09/08/2022

Thời gian qua, các nội dung, hình thức công khai để người dân biết theo quy định tại pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được cấp ủy, UBND các cấp quan tâm thực hiện. Qua đó, tạo được sự công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền, đồng thuận trong nhân dân, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thời gian qua, các nội dung, hình thức công khai để người dân biết theo quy định tại pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được cấp ủy, UBND các cấp quan tâm thực hiện. Qua đó, tạo được sự công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền, đồng thuận trong nhân dân, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Người dân xem thông tin về các thủ tục hành chính được công khai tại UBND xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch). Ảnh: H.Thảo
Người dân xem thông tin về các thủ tục hành chính được công khai tại UBND xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch). Ảnh: H.Thảo

Bên cạnh đó, thực tế ở nhiều nơi, việc công khai, minh bạch thông tin đến người dân cũng vẫn còn hình thức, mang tính chiếu lệ.

* Động lực từ công khai, minh bạch

Năm 2021, Đảng bộ xã Phú Hòa (H.Định Quán) được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, tập thể nhân dân và cán bộ xã còn được UBND tỉnh tặng bằng khen điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phong trào Thi đua yêu nước của tỉnh.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Phú Hòa Thái Văn Tân, nổi bật trong đó là dù tình hình khó khăn chung do đại dịch Covid-19, song sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì tốt; thu ngân sách trên địa bàn xã năm qua vẫn đạt dự toán huyện giao. Cùng với đó, xã thực hiện tốt việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt là duy trì và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới; đồng thời, xây dựng thành công nông thôn mới nâng cao trong năm qua…

Ông TRỊNH XUÂN AN, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng các nội dung, hình thức công khai tới người dân phải làm sao phù hợp với từng cấp cơ sở, đảm bảo tính khả thi. Để tránh việc công khai hình thức, cần phải rà soát lại các nội dung, hình thức công khai cho phù hợp với thực tiễn để người dân tiếp cận một cách dễ dàng, thực chất nhất.

Đạt được thành công đó, cấp ủy, chính quyền xã đã phát huy được vai trò chủ thể của người dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, các chính sách an sinh xã hội có liên quan đến quyền lợi của nhân dân được xã thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch. Qua đó, đã tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các nội dung, hình thức công khai để dân biết theo quy định tại Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được cấp ủy, UBND các cấp quan tâm thực hiện. Nhờ vậy, đại bộ phận nhân dân đều biết được các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các nghị quyết của HĐND, các quyết định của UBND xã, phường, thị trấn; các quy định về thủ tục hành chính giải quyết các công việc liên quan đến nhân dân…

Bên cạnh đó, UBND các xã, phường, thị trấn đã xây dựng và chấn chỉnh kịp thời tác phong làm việc; thực hiện tốt hơn việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực mà nhân dân thường xuyên liên hệ giải quyết; đặt hòm thư tại trụ sở để nhân dân góp ý; thông báo ngày giờ làm việc, thời gian, địa điểm tiếp dân hằng tháng… Qua đó nhằm tạo sự công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền.

* Tránh hình thức, chiếu lệ

Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tế ở nhiều nơi, vì nhiều lý do khác nhau, việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch thông tin tới người dân vẫn còn chưa thực chất. Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, tiếp tục phát huy hơn nữa dân chủ ở cơ sở, một trong những điểm nổi bật trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội XV tới đây là những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai để người dân biết.

Trong đó có thể kể đến thông tin như: dự toán ngân sách; dự án, công trình đầu tư và tình hình triển khai; phương án bồi thường, tái định cư; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư… Dự thảo luật cũng quy định đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã; bổ sung một số hình thức mới. Có thể kể đến như: đăng tải thông tin trên cổng, trang thông tin điện tử; thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa UBND cấp xã với nhân dân; thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, thông qua mạng xã hội...

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Vĩnh Cửu Phạm Thị Trung cho rằng, thời gian qua, việc công khai một số nội dung theo quy định ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức, chiếu lệ, nhất là các nội dung về quy hoạch đất đai; việc quản lý và sử dụng quỹ đầu tư, tài trợ các chương trình, dự án; kết quả việc xử lý các vụ việc tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức… Mặt khác, hình thức công khai nhiều lúc, nhiều nơi cũng chưa phù hợp dẫn đến người dân khó tiếp cận.

Bà Phạm Thị Trung cho rằng, những nội dung công khai nên được thể hiện một cách ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ. Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc tuyên truyền thông tin nên thực hiện trực tiếp trong các hội nghị hoặc là thông qua người uy tín, già làng, trưởng bản sẽ dễ thu hút được người dân hơn.

Bà Phạm Thị Trung nhấn mạnh: “Luật cần nghiên cứu kỹ hình thức công khai thông tin vừa đảm bảo đa dạng, đổi mới, vừa đảm bảo tính khả thi trong thực hiện dân chủ, tránh lãng phí nguồn lực. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội. Mặt khác, cùng với quy định về nội dung, hình thức công khai, cần quy định cả chế tài xử phạt nếu chưa làm tốt, không nên chỉ dừng lại ở nhắc nhở”.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Biên Hòa Nguyễn Duy Tân cũng cho rằng, việc công khai, minh bạch thông tin tới người dân theo quy định ở nhiều nơi thời gian qua còn làm hình thức. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xảy ra tình trạng khiếu kiện, khiếu nại; bởi khi thiếu công khai, minh bạch thì người dân không được nắm thông tin rõ ràng, đầy đủ, chính xác. Do đó, để đảm bảo quy định này được khả thi, hiệu quả cần quy định thêm các hình thức bắt buộc phải công khai tới người dân.

Hồ Thảo

Tin xem nhiều