Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội để đoàn viên phấn đấu, rèn luyện tại nơi cư trú

06:12, 03/12/2021

Nhằm tạo điều kiện để đoàn viên có cơ hội phấn đấu, rèn luyện tại nơi cư trú, đồng thời tăng thêm sức mạnh cho tổ chức Đoàn ở cơ sở, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai có hiệu quả hướng dẫn đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú.

Nhằm tạo điều kiện để đoàn viên có cơ hội phấn đấu, rèn luyện tại nơi cư trú, đồng thời tăng thêm sức mạnh cho tổ chức Đoàn ở cơ sở, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai có hiệu quả hướng dẫn đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú.

Đoàn viên nộp giấy đăng ký tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú tại Đoàn P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa. Ảnh: Nga Sơn
Đoàn viên nộp giấy đăng ký tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú tại Đoàn P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa. Ảnh: Nga Sơn

Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 100 ngàn đoàn viên đăng ký tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú thông qua nhiều nội dung và hình thức khác nhau.

* Chủ động, sáng tạo trong triển khai

Phó bí thư Tỉnh đoàn Bùi Thị Nhàn cho biết, trên cơ sở Hướng dẫn số 15-HD/TWĐTN-BTC ngày 6-8-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc hướng dẫn đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú giai đoạn 2018-2022 (gọi tắt là Hướng dẫn số 15), Tỉnh đoàn đã triển khai hướng dẫn đến các huyện, thành đoàn và Đoàn trực thuộc để triển khai đến đối tượng tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú, gồm: đoàn viên là học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, khối lực lượng vũ trang thuộc các cơ sở Đoàn trong phạm vi toàn tỉnh.

Hằng năm, Tỉnh đoàn tiến hành kiểm tra, giám sát việc tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú của đoàn viên thông qua công tác kiểm tra 6 tháng, cuối năm; đồng thời, thông qua đội ngũ cán bộ chuyên trách cơ quan Tỉnh đoàn thường xuyên đi cơ sở theo chủ trương 1+2 (1 năm đi cơ sở 2 tháng), tham gia hoạt động tại nơi cư trú để nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Hướng dẫn 15.

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cũng chỉ đạo Thành đoàn Biên Hòa, Đoàn Trường đại học Lạc Hồng phối hợp làm điểm triển khai thực hiện hướng dẫn đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn trên địa bàn dân cư. Hiện mô hình này đã được Tỉnh đoàn nhân rộng giữa các đơn vị: Đoàn Trường đại học Đồng Nai và Thành đoàn Biên Hòa; Đoàn Trường đại học Lâm nghiệp với Huyện đoàn Trảng Bom; Đoàn Trường cao đẳng Công nghệ cao với Huyện đoàn Long Thành.

Trên cơ sở hướng dẫn của Tỉnh đoàn, các huyện, thành đoàn và Đoàn trực thuộc đã cụ thể hóa thành văn bản triển khai, hướng dẫn các cơ sở Đoàn trực thuộc triển khai phù hợp với từng đối tượng đoàn viên thanh niên.

Chia sẻ về việc triển khai Hướng dẫn số 15 đối với đoàn viên là học sinh khối THPT, chị Nguyễn Thị Thủy, Phó bí thư Huyện đoàn Xuân Lộc cho biết, hằng năm Huyện đoàn xây dựng kế hoạch, định kỳ vào tháng 5 (chuẩn bị nghỉ hè) triển khai kế hoạch đối với các đơn vị trực thuộc. Bí thư Đoàn các trường sẽ thống kê số liệu đoàn viên, phát phiếu chuyển sinh hoạt Đoàn về nơi cư trú cho từng đoàn viên đem về nộp cho Đoàn cơ sở tại địa phương. Huyện đoàn tổ chức hội nghị vừa để quán triệt Hướng dẫn số 15, vừa là dịp để Đoàn các trường THPT bàn giao danh sách cho Đoàn cơ sở các xã, thị trấn.

Sau khi tiếp nhận, Đoàn cơ sở các xã, thị trấn tiến hành phân loại và đưa danh sách về các chi đoàn ấp, khu phố. Các chi đoàn ấp, khu phố sẽ theo dõi, đánh giá và gửi phiếu đánh giá về Đoàn Thanh niên xã để gửi cho các trường. Trên cơ sở đó, các trường tổng kết, khen thưởng đối với các đoàn viên tham gia tốt… Nhờ đó, việc tham gia sinh hoạt Đoàn của đoàn viên khối THPT trong dịp hè ở nơi cư trú được triển khai khá nghiêm túc.

* Giúp đoàn viên hiểu quyền tham gia hoạt động Đoàn

Theo Phó bí thư Huyện đoàn Xuân Lộc Nguyễn Thị Thủy, việc triển khai Hướng dẫn số 15 khá nghiêm túc nhưng việc thực hiện ở cấp cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế. Một số chi đoàn tổ chức tốt các hoạt động thì đoàn viên khi được giới thiệu sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú có điều kiện tham gia, nhưng ngược lại, có những chi đoàn ít tổ chức hoạt động, đoàn viên ít có cơ hội để tham gia. Một số đoàn viên viện lý do này, lý do kia không tham gia. Một số chi đoàn cả nể vẫn đánh giá tốt đối với các trường hợp ít tham gia dẫn đến sự thiếu công bằng. Tại một số trường sau khi nhận lại phiếu đánh giá, nhưng lại chưa có hình thức xử lý đối với các trường hợp ít tham gia hoặc không tham gia.

Theo chị Bùi Thị Nhàn, đây không chỉ là hạn chế trong triển khai Hướng dẫn số 15 ở khối trường học mà là hạn chế ở hầu hết các đối tượng áp dụng Hướng dẫn số 15. Nguyên nhân là do một bộ phận đoàn viên chưa thật sự chủ động trong việc kết nối với đơn vị tiếp nhận cũng như trong quá trình tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú. Bên cạnh đó, do điều kiện học tập, lao động, công tác của nhiều đoàn viên không phù hợp với thời gian tổ chức hoạt động của Đoàn cơ sở nên việc tham gia chưa đảm bảo.

Nguyên nhân khác là tổ chức Đoàn tại địa phương chưa làm tốt công tác kết nối với đoàn viên đã đăng ký tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú; chưa tạo được kênh thông tin riêng của tổ chức Đoàn dẫn đến việc đoàn viên thiếu thông tin; chưa có nhiều hoạt động thu hút… Việc nhận xét, đánh giá hằng năm đối với đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú thực hiện chưa đảm bảo, có nơi còn mang tính hình thức. Đoàn viên thanh niên công nhân thường xuyên biến động nơi ở nên việc đăng ký tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú gặp nhiều khó khăn…

Theo Điều lệ Đoàn TNCSHCM, việc tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú là một trong những quyền của đoàn viên. Hướng dẫn số 15 nêu rõ quyền của đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú thể hiện tính tiên phong, gương mẫu của người đoàn viên TNCSHCM; tăng cường sự gắn bó giữa đoàn viên với nơi cư trú, giúp đoàn viên nắm được tình hình của địa phương cũng như có điều kiện tham gia đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của nơi cư trú.

Khi tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú, đoàn viên có quyền đề nghị tổ chức Đoàn nơi cư trú tạo điều kiện tham gia các hoạt động do Đoàn, Hội, Đội tổ chức để rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành; có quyền lựa chọn địa bàn để tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú; có quyền tham dự và đóng góp ý kiến tại các buổi sinh hoạt định kỳ của chi đoàn (nếu được mời dự); có quyền đề nghị tổ chức Đoàn nơi đăng ký hoạt động nhận xét, đánh giá, xác nhận về quá trình tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú…

Vì vậy, để việc thực hiện Hướng dẫn số 15 đạt hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Đoàn ở cơ sở, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, giúp đoàn viên hiểu được quyền tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú và tự giác trong việc thực hiện quyền tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú.

Theo đánh giá của Tỉnh đoàn, trong số trên 100 ngàn đoàn viên đăng ký tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú (từ năm 2018 đến nay), có trên 85% đoàn viên được đánh giá tham gia hoạt động tốt, gần 4,5% đoàn viên có tham gia hoạt động và có khoảng 10% đoàn viên có đăng ký nhưng không tham gia hoạt động.

Nga Sơn

Tin xem nhiều